Trường lớp xập xệ, cô trò thiệt thòi

13/11/2013 09:00 GMT+7

Có đến các trường mầm non nhỏ hẹp, chia tách thành nhiều điểm lẻ ngay tại TP.HCM mới thấy thương học sinh, cảm thông với những thiệt thòi mà cô và trò các trường này phải chịu.

Trường lớp xập xệ, cô trò thiệt thòi

Học sinh lớp Lá 1 Trường mẫu giáo Quỳnh Anh, huyện Bình Chánh - Ảnh: B.Thanh

Trường lớp xập xệ, cô trò thiệt thòi1

Một điểm lẻ của Trường mầm non 3 (Q.3), TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khi cần, hiệu trưởng kiêm gác cổng !

 

Nhiều khi đến các trường bạn, thấy điều kiện vật chất đầy đủ, hoành tráng thấy thương cho trường mình. Đến khi về trường không dám kể lại vì sợ các cô buồn, nhụt chí mà bỏ đi

Hiệu trưởng một trường mầm non

Ngày nào cũng vậy, cứ vào lúc 6 giờ, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Hoa (Q.8) Nguyễn Thị Tuyết Vân cùng 2 hiệu phó lần lượt đến kiểm tra, theo dõi các hoạt động buổi sáng ở 7 điểm trường. Dù cùng nằm trong phường 4 nhưng 7 điểm lại nằm rải rác, cách nhau từ 200 đến 500 m nên theo bà Tuyết Vân: “Chúng tôi phải phân công, lên lịch thay phiên nhau kiểm tra, bao quát thời điểm đón, trả trẻ, giờ ăn, vệ sinh của trẻ...”.

Đến 10 giờ, khi thức ăn nấu xong, 2 bảo vệ của Trường mầm non Tuổi Hoa thành người chở thức ăn đến 6 điểm còn lại. “Lúc này, nhân viên nào rảnh tay ra gác cổng còn nếu không thì phòng hiệu trưởng ngay gần đó, tôi kiêm luôn nhiệm vụ này”, bà Tuyết Vân cho hay.

Lọt thỏm trong dãy nhà phố trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1) là 3 căn nhà ống - chính là các điểm lẻ của Trường mầm non Hoa Lan (Q.1). Chưa hết, trường còn 2 điểm nữa nằm ở các đường lân cận. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, trường lấy riêng 1 điểm làm bếp ăn, 4 điểm còn lại tổ chức lớp học.

Trưa về nhà ăn, chiều trở lại trường

Hơn 200 học sinh của Trường mẫu giáo Quỳnh Anh (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) vẫn học 2 buổi/ngày nhưng phải ăn trưa ở nhà do trường quá chật, không thể tổ chức nấu ăn được.

Trường này có 8 điểm lẻ nằm rải rác trong 6 ấp. Mỗi sáng, sau khi tập thể dục, vui chơi tự do, hoạt động giáo dục lên lớp, đến 10 giờ 30 học sinh về nhà ăn, ngủ trưa; đến 13 giờ 30 lại tiếp tục đến lớp học cho đến 16 giờ. Bà Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cơ sở vật chất của mỗi điểm là một nhà cấp 4, đủ cho đúng một lớp học. Vì vậy trường không thể phục vụ bán trú cho học sinh”. Điểm chính được coi là khang trang nhất, ngoài phòng học có thêm văn phòng. Còn những điểm trường khác thì có nơi thấp hơn đường, mưa ngập; có nơi tường nứt, nơi nhà vệ sinh nghiêng đang chờ sửa chữa...

Thiếu thốn đồ chơi, ít hoạt động ngoài trời

 

Không có đất xây trường

Trong số 416 trường mầm non công lập tại TP.HCM, hiện khoảng hơn 50 trường có từ 2 đến 7 điểm lẻ.

Khoảng 50% trường mầm non ở huyện Bình Chánh trong tình trạng này. Lãnh đạo phòng GD của huyện này cho biết: “Diện tích đất xây dựng là trở ngại nhất trong việc xây dựng cải tạo trường học. Chẳng hạn Trường mẫu giáo Quỳnh Anh chỉ cần tìm đất phù hợp là chúng tôi có thể tiến hành lập dự án xóa bỏ tình trạng hiện nay”.

Theo tìm hiểu, hầu hết những trường nhiều điểm lẻ đã được UBND Q.3 quy hoạch tổng thể giai đoạn 2010 - 2020 để quy về một mối. Tuy nhiên, đến thời điểm này do khó khăn ở công tác giải phóng mặt bằng nên việc quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Còn ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng Giáo dục Q.1, chia sẻ: “Chỉ còn động viên học sinh, giáo viên những trường này cố gắng. Chứ nói thật, đến nay, quận cũng đành bó tay vì không thể tìm ra đất để xây dựng trường khang trang hơn”.

Đồ chơi và phương tiện học tập phần lớn ở các trường có nhiều điểm lẻ rất thiếu thốn.

Thực hiện góc âm nhạc theo chương trình, gần 40 lớp Lá 1 Trường mẫu giáo Quỳnh Anh (H.Bình Chánh) thay nhau sử dụng “dụng cụ âm nhạc” mà cô Võ Thị Út sáng tạo nên: Hạt me đựng trong 2 lon bia dán đề can. Mỗi khi học sinh lắc theo nhạc, dụng cụ này phát ra âm thanh. Đến chủ điểm gia đình, nấu ăn thì học sinh xay đồ ăn trong máy “xay sinh tố” mà bình xay làm từ chai nước ngọt gắn đế là hũ sữa chua tái chế…

Mọi hoạt động của học sinh ở những trường này chỉ quanh quẩn trong phòng học “3 trong 1”: ăn - ngủ - chơi. Học sinh ở đây hầu như không có nhiều cơ hội vận động ngoài trời. Bà Mai Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan, thừa nhận: “Đồ chơi trong danh mục chỉ đảm bảo ở mức độ tối thiểu, còn đồ chơi ngoài trời thì không thể đáp ứng vì trường không có sân chơi”.

Hiệu trưởng một trường ở Q.3, TP.HCM cũng thừa nhận: “Khó lòng tổ chức vui chơi hay các hoạt động ngoài trời cho trẻ. Mỗi năm, ngày khai giảng, mỗi địa điểm chỉ được chọn một số bé tham dự vì không đủ chỗ tập trung toàn trường”.

Giáo viên dễ nản

Công việc dạy và chăm sóc trẻ đã vất vả, ở những trường thiếu thốn cơ sở vật chất này mọi thứ càng khó hơn. Vì thế, việc giữ chân giáo viên ở những trường này cũng là vấn đề.

Bà Mai Hằng buồn bã nói: “Năm vừa rồi, tôi phải giải quyết 5 giáo viên xin nghỉ, chuyển trường. Có những giáo sinh đến trường 3 lần mà cứ lần lữa không vào nên tôi càng hiểu thiệt thòi của giáo viên trường mình”. Theo bà Hằng, công việc chăm sóc trẻ, giáo viên nào cũng phải thực hiện nhưng nếu ở trường lớn, có điều kiện thì giáo viên có nguồn phúc lợi. “Trường nhỏ, đến ngày lễ của mình cũng không có nơi để tổ chức tươm tất, thì lãnh đạo phải cố gắng để giáo viên thoải mái tinh thần, động viên nhân viên gắn bó với nghề”, bà Hằng tâm tư.

Một hiệu trưởng tâm sự: “Nhiều khi đến các trường bạn, thấy điều kiện vật chất đầy đủ, hoành tráng thấy thương cho trường mình. Đến khi về trường không dám kể lại vì sợ các cô buồn, nhụt chí mà bỏ đi”. Còn hiệu trưởng một trường khác thì nhất định không chịu cho phóng viên đưa thông tin lên báo vì sợ: “Phụ huynh thấy con em mình thiệt thòi, không chịu học, bỏ đi trường khác”.

Bích Thanh - Minh Luân

>> Không được xem nhẹ giáo dục mầm non
>> Bỏ các thiết bị dạy chữ trong trường mầm non
>> Mầm non tư nhân 'áp đảo' công lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.