UBND tỉnh Phú Yên gây thiệt hại cho nhà đầu tư: Lãnh đạo tỉnh giải quyết chưa thỏa đáng

21/08/2013 10:50 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh việc lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc giải quyết các khiếu nại của nhà đầu tư Khu công nghiệp Hòa Tâm, chiều 19.8, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp về vấn đề này, tuy nhiên chỉ có lãnh đạo tỉnh và Hội Luật gia VN tham dự.

Giải thích không thuyết phục

Như Thanh Niên đã thông tin, Công ty CP Hiệp Hòa Phát (HHP - trụ sở tại TP.HCM) đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng các cấp để kêu cứu về việc UBND tỉnh Phú Yên đơn phương điều chỉnh dự án Khu công nghiệp (KCN) Hòa Tâm đã được Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế Phú Yên cấp cho HHP đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng. Trong khi dự án đang được HHP triển khai, UBND tỉnh Phú Yên lại làm việc với Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô (VRP), cam kết với VRP là sẽ xin Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh vị trí dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô do VRP làm chủ đầu tư và cấp đất trực tiếp cho VRP với diện tích 450 ha ngay tại KCN Hòa Tâm, trên phần đất đã giao cho HHP.

Cuộc họp giải quyết khiếu nại của HHP nhưng chỉ có mặt lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên và Hội Luật gia VN
Cuộc họp giải quyết khiếu nại của HHP nhưng chỉ có mặt lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên và Hội Luật gia VN - Ảnh: Đ.H

Sau khi xem xét nội dung khiếu nại của HHP, Hội Luật gia VN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về những sai phạm về pháp lý của tỉnh Phú Yên trong việc đơn phương điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư này. Sau đó Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên phải mời các bộ ngành và các bên liên quan tham dự để giải quyết các khiếu nại. Tuy nhiên, cuộc họp chiều 19.8 chỉ có mặt đại diện Hội Luật gia VN, còn đại diện các bộ ngành không có mặt. Đáng nói là hai nhân vật chính trong vụ khiếu kiện là HHP và VRP thì lại không được mời.

Tại cuộc họp, ông Lê Văn Trúc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - giải thích về việc đơn phương điều chỉnh giấy phép đầu tư như sau: “Dự án KCN Hòa Tâm sau khi giao cho HHP thì công ty này đã triển khai chậm 1 năm so với tiến độ trong giấy phép. Theo luật Đầu tư, với việc chậm trễ hơn 1 năm, làm chậm cơ hội thu hút các dự án đầu tư khác của địa phương, UBND tỉnh có đủ điều kiện để thu hồi dự án này. Nhưng với thiện chí của một cấp chính quyền địa phương muốn giữ chân các nhà đầu tư (NĐT), nên tỉnh Phú Yên chưa tính đến việc thu hồi dự án, mà chỉ có chủ trương điều chỉnh diện tích vốn quá lớn (hơn 2.000 ha) để giao một phần cho NĐT khác có năng lực thực hiện”.

Không đồng tình với cách giải thích này, luật gia Dương Đình Khuyến - Trưởng ban Pháp lý Hội Luật gia VN - khẳng định: “UBND tỉnh Phú Yên đã làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô của dự án, đồng ý nguyên tắc chuyển địa điểm dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô nhưng các bước triển khai phải theo quy định pháp luật. Đến nay UBND tỉnh Phú Yên lại cho phép 2 chủ đầu tư triển khai thực hiện trên cùng một diện tích và giải quyết không thấu tình đạt lý, dẫn đến tranh chấp kéo dài và thiệt hại cho NĐT”.

Theo ông Khuyến, UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo thiếu trung thực với Thủ tướng rằng HHP triển khai dự án chậm, trong khi chính UBND tỉnh Phú Yên đã từng hoan nghênh HHP và các đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã có nhiều cố gắng triển khai dự án…

Luật gia Khuyến hỏi: “Để thu hồi dự án thì phải có văn bản chậm tiến độ được nhắc nhở và chủ đầu tư chậm triển khai trong vòng 12 tháng. Nếu HHP triển khai chậm thì tỉnh có văn bản gì nhắc nhở hay không?”. Ông Trúc đáp: “Chúng tôi không nhất thiết phải có văn bản vì những lần họp đã nhắc nhở. Tỉnh không thể ngồi chờ HHP nên phải chủ động điều chỉnh giao dự án cho VRP. Tỉnh thấy rằng như vậy là đúng, còn Hội Luật gia cho rằng sai thì đó là quan điểm của hội”.

Cần một cuộc họp khác

Bên cạnh những cơ sở pháp lý chỉ ra việc UBND tỉnh Phú Yên đơn phương điều chỉnh giấy phép đầu tư đã cấp cho HHP là sai thủ tục, Hội Luật gia VN còn cho rằng UBND tỉnh đã phân biệt đối xử, chèn ép NĐT này để hậu thuẫn cho NĐT khác. Biểu hiện của sự phân biệt này - theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - là cam kết giữa UBND tỉnh Phú Yên với TGĐ VRP được đặt trong chế độ “mật”, thể hiện sự không công khai minh bạch, không nhất quán trong chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh. Trong khi VRP được cấp phép đầu tư từ năm 2007 nhưng đến nay chưa triển khai được gì thì UBND tỉnh vẫn hậu thuẫn, còn HHP chậm tiến độ 1 năm và có báo cáo đầy đủ những lý do khách quan hợp lý thì tỉnh lại xua đẩy.

Tại cuộc họp, ông Dương Đình Khuyến đã cung cấp một thông tin đáng chú ý: “Các bộ ngành đã từng đặt nghi vấn về khả năng tài chính và năng lực đầu tư của VRP là hoàn toàn có cơ sở. Với sự hậu thuẫn của UBND tỉnh, VRP đã được cấp phép đầu tư một dự án lọc dầu công suất 8 triệu tấn/năm với vốn khá lớn (trên 3 tỉ USD). Dự án được xuất khẩu 100%. Thế nhưng trong khi dự án chưa triển khai xây dựng được gì thì mới đây VRP đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên xin được đóng tàu vỏ gỗ 175 CV để bán lẻ xăng dầu cho ngư dân và xây dựng 3 cây xăng, khu rửa xe, khu nhà nghỉ, ăn uống... bán lẻ xăng dầu”. Ông Khuyến đặt nghi vấn: “Như vậy mục đích của VRP là gì? Có phải để xí đất hay là muốn đầu tư thật sự?”.

Chủ tịch Hội Luật gia VN, ông Phạm Quốc Anh, nhận định: “Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên phải tổ chức cuộc họp với các bên liên quan, các bộ, ngành nhưng cuộc họp chỉ có Hội Luật gia, mà thư mời lại được gửi rất gấp gáp. Trong khi đó hai bên liên quan trực tiếp là HHP và VRP không được mời dự, như vậy là thiếu nghiêm túc và không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi sẽ báo cáo đầy đủ, chính xác về việc này, đồng thời có ý kiến phản biện chính thức đối với các ý kiến trả lời của UBND tỉnh. Chúng tôi kiến nghị sẽ phải có một cuộc họp khác để giải quyết  tường tận hơn”.

Quang Thuần - Đức Huy

>> Vụ tranh chấp dự án KCN Hòa Tâm: Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên “thả mồi bắt bóng” ?
>> Vụ tranh chấp KCN Hòa Tâm (Phú Yên)
>> Lãnh đạo UBND Phú Yên đẩy nhà đầu tư vào cảnh khó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.