Ly kỳ cuộc vận động đưa cổ vật hoàng cung triều Nguyễn về Việt Nam

17/06/2014 21:35 GMT+7

(TNO) Ngày 17.6, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đang tích cực thương thuyết với các cơ quan Chính phủ Pháp để yêu cầu bạn không tranh quyền mua chiếc xe kéo của Hoàng Thái Hậu Từ Minh, một cổ vật hoàng cung triều Nguyễn.

 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp:

Tích cực vận động

Ngay tối 16.6, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, ông Dương Chí Dũng, đã có email gửi ông Phan Thanh Hải, báo tin vui: Chiếc Long sàng của vua Thành Thái, mặc dù chưa chính thức thuộc về Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhưng đã chắc chắn là sẽ được trở về với đất nước. Còn chiếc xe kéo, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đang tích cực vận động để giành quyền mua để đưa về Việt Nam.

Ông Hải cũng cho biết, ngay trong ngày 17.6, Đại sứ Dương Chí Dũng cũng đã gặp trực tiếp Chủ tịch Bảo tàng Guimet để đề nghị phía bảo tàng không tranh quyền mua cổ vật. Thông tin sau buổi tiếp xúc, theo Đại sứ Dương Chí Dũng, là khá thuận lợi. Bà Chủ tịch Bảo tàng Guimet có sự đồng cảm lớn và chia sẻ mong muốn của Việt Nam muốn đưa cổ vật về lại quê nhà. Tuy nhiên, bà cũng cho biết mọi quyết định về việc này phải được hội đồng, một mình bà không có quyền. Bà cũng hứa sẽ vận động các thành viên của hội đồng nhường quyền mua cổ vật lại cho Việt Nam.

Đại sứ Dương Chí Dũng cũng cho biết, Đại sứ quán sẽ tiếp xúc với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa và các cơ quan chức năng Pháp để yêu cầu bạn ưu tiên cho Việt Nam được mua cổ vật này.

Trong nước, ông Hải cũng cho biết, ông đã đề nghị giáo sư Phan Huy Lê và nhà sử học Dương Trung Quốc viết thư cho phía Pháp đề nghị Bảo tàng Guimet  không tranh quyền mua cổ vật với Việt Nam.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sớm có ý kiến với Bộ Ngoại giao và Chính phủ nhằm có giải pháp thuyết phục với các cơ quan chức năng của Chính phủ Pháp đề nghị phía Pháp trên tinh thần nhân văn và hữu nghị không áp dụng “quyền ưu tiên mua” trong trường hợp này.

Hai cổ vật có giá trị lịch sử, mỹ thuật

Theo văn bản viết tay của Prosper Jourdan, Thanh tra của Lực lượng Cảnh sát bản xứ ngày 15.10.1907 tại Huế: “Xe kéo được Hoàng đế An Nam đặt làm ở làng Kinh-Lược tại Hà Nội, dành cho mẹ của mình Hoàng Thái Hậu Từ Minh - vợ của Hoàng đế Dục Đức, đã qua đời vào năm 1906. Xe kéo và giường đã được ông Prosper Jourdan - thanh tra phụ trách Cảnh sát bản xứ của Hoàng đế lưu vong - mua tại Cung điện Huế ngày 18.10.1907 trực tiếp từ hoàng đế, đổi lấy một chiếc xe hơi, với tổng số tiền là 400 đồng bạc. Được bảo quản từ năm 1907 trong gia đình Jourdan, xe kéo và giường được đưa ra trưng bày vào năm 1916”.

Ngày 13.6, tại văn phòng Rouillac (Pháp) đã diễn ra phiên đấu giá hai cổ vật trên. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã ủy nhiệm cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tham gia đấu giá.

Tại phiên đấu giá, chiếc giường đã bị đẩy lên mức giá quá cao, nên người đại diện của Huế không thể theo được. Cuối cùng, chiếc giường đã được bán đi với mức giá là 100.000 euro (chưa kể 24% lệ phí đấu giá). May mắn, người mua là ông Tạ Văn Quang, một hậu duệ thuộc dòng cháu ngoại của vua Thành Thái đang định cư tại Pháp. Sau khi mua cổ vật, ông Quang cũng đang có kế hoạch đưa cổ vật về Huế. Như vậy, dù thuộc sở hữu tư nhân, nhưng cổ vật này nhiều khả năng sẽ trở về cố đô Huế.

Riêng với chiếc xe kéo, ngay sau lúc người đại diện của Huế trả giá cao nhất (45.000 euro) và giành được quyền mua chiếc xe kéo thì một tình huống bất ngờ xảy ra. Bà Katia Mollet - phụ trách trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris) - tuyên bố rằng, Nhà nước Pháp sẽ đề nghị mua lại chiếc xe này (với giá trên) theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại.

Theo ông Hải, đây cũng là lần đầu tiên, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế với quyết tâm đưa cổ vật về với đất nước đã trích một khoản kinh phí khá lớn để tham gia đấu giá. Ngoài ra, với tấm lòng yêu nước, nhiều bà con Việt kiều tại Pháp cũng đã đóng góp thêm nguồn lực nhằm đưa cổ vật về với quê hương. Bản thân ông Hải, thông qua mối quan hệ của mình cũng đã vận động được 3.000 Euro để chuẩn bị cho việc mua cổ vật.

“Khi hay tin bà con Việt kiều thông qua Đại sứ quán đã tích cực đóng góp để nỗ lực mua được cổ vật, chúng tôi vô cùng xúc động. Hy vọng với sự nỗ lực từ nhiều phía, những báu vật trên sẽ sớm được trở về với đất nước”, ông Hải tin tưởng.

 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 2
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 3
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 4
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 5
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 6
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 7
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 8
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 9
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 10
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 11
 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 12

 Một số hình ảnh về hai cổ vật, ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp: 13
Một số hình ảnh về chiếc xe kéo của Hoàng Thái Hậu Từ Minh

Bùi Ngọc Long
 Ảnh do ông Phan Thanh Hải cung cấp

>> Thực hiện sách Hoàng Sa - Trường Sa qua mộc bản triều Nguyễn
>> Di sản thế giới - Hồ sơ châu bản triều Nguyễn: Bằng chứng chủ quyền biển đảo
>> Mộ quan triều Nguyễn bị xâm hại
>> Trưng bày, giới thiệu về Mộc bản triều Nguyễn
>> Triển lãm bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn
>> Triển lãm về cổ vật triều Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.