Xóm hến Vĩnh Trinh

11/12/2013 14:20 GMT+7

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, hơn 100 hộ dân ở 2 ấp Vĩnh Lân và Vĩnh Quy (xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) sống được bằng nghề cào hến.

Xóm hến Vĩnh Trinh
Hến cào về được rửa sạch ngay dưới bến - Ảnh: Thanh Hương

Vất vả mưu sinh

Hằng ngày khoảng 5 giờ sáng, các ghe cào hến bắt đầu nổ máy lên đường, cũng có khi ghe đi từ lúc nửa đêm, tùy theo con nước. Mỗi ghe tải trọng từ 1 - 2 tấn, do 2 hoặc 3 người đảm trách.

Trước kia nghề cào hến rất vất vả vì người cào phải đi lần dưới nước, bắt hến bằng tay, cào bằng rổ hoặc bàn cào tre. Bị đứt tay, đứt chân do đạp nhằm miểng kiếng, miểng chai, vỏ hến... là chuyện thường. Bà con ở đây cho rằng cào hến là nghề “đày thân nuôi miệng”. Người cào hến ngâm mình hàng giờ trong nước nên dễ bị vọp bẻ hoặc mắc các bệnh ngoài da, thấp khớp…

Hiện nay, người cào hến đi ghe máy, sử dụng bàn cào cải tiến gồm giàn lưới và chiếc lồng sắt có nhiều chân thả chìm xuống đáy sông. Khi ghe chạy kéo các chân sắt cào sâu xuống đáy; hến, vẹm, ốc gạo “chui” vào lồng rồi nằm gọn trong lưới. Người đi cào chỉ việc ngồi trên ghe, khi nào cảm thấy hến vô đầy lưới thì kéo giàn cào lên.

Đầu giờ chiều, các ghe cào lần lượt trở về và hến được đãi sạch ngay dưới bến, sau đó đem lên bờ cho phụ nữ phân loại ra hến, vẹm hoặc ốc gạo. Hến, vẹm được luộc lấy ruột đem cân cho vựa. Từ ngoài con kinh 10 vào trong ấp có khoảng 30 lò luộc hến.

Xóm hến Vĩnh Trinh
Phân loại hến, vẹm, ốc gạo - Ảnh: Thanh Hương

Sống được với nghề

Theo ông Huỳnh Văn Nha, người có 35 năm trong nghề, muốn cào được nhiều hến phải biết bãi và mùa vụ. Tháng 7 - 8 cào gần, tháng 10 - 11 cào xa, có khi phải đi tới 2 quận Thốt Nốt, Ô Môn (Cần Thơ), thậm chí lên đến TP.Long Xuyên, H.Châu Phú (An Giang) mới cào được hến. Thời điểm nhiều hến nhất là vào tháng 7 âm lịch, đặc biệt khi con nước lên. Ông Nha cho biết nhờ nghề này mà ông nuôi 7 đứa con khôn lớn. Cho chúng tôi xem hai bàn chân chằng chịt những dấu cắt, ông nói: “Cào hến phải trông chờ vào thời tiết, khi gió bấc đậm thổi về, bà con ở đây ai cũng hân hoan vì hến nhiều, thu nhập cao hơn những tháng khác”.

Anh Phan Thanh Long, một người làm nghề cào hến ở Vĩnh Trinh, cho biết mỗi ngày anh có thể cào từ 4 - 7 giạ (44 kg/giạ, luộc được 5 kg thịt). Hiện 1 kg hến ruột có giá 15.000 đồng, hến còn vỏ 3.000 đồng/kg; vẹm ruột 12.000 đồng/kg, vẹm còn vỏ 3.000 đồng/kg; ốc gạo 4.500 đồng/kg.

Ở xóm cào hến, nhiều người dựng vợ gả chồng cho con, lúc con cái ra riêng cho thêm chiếc xuồng, 2 cây cào nhằm nhắc nhở gia đình đã tồn tại nhờ nghề cào hến, nếu chưa có công ăn việc làm thì hãy cào hến kiếm gạo qua ngày. Một số bà con nhận thấy cào hến tuy dầm mưa dãi nắng nhọc nhằn nhưng không lệ thuộc vào ai nên đã chọn nghề này làm kế mưu sinh lâu dài. Giờ đây người cào hến không còn lo đầu ra vì nhiều nơi tiêu thụ hến rất mạnh. Không riêng gì hến ruột mà vỏ hến cũng được thu mua với giá 4.000 đồng/cần xé để làm vôi.

Thanh Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.