“Thân cò” trên phá Tam Giang

20/08/2013 11:03 GMT+7

Chẳng ai nhớ nghề dậm trìa (một loại ngao sống vùng nước lợ) có từ bao giờ, chỉ biết rằng để có thứ đặc sản ở phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) này, hàng trăm con người, trong đó phần lớn là phụ nữ hằng ngày từ sáng tới chiều tà phải ngâm thân mình trong nước để mò mẫm, lặn hụp.

Chẳng ai nhớ nghề dậm trìa (một loại ngao sống vùng nước lợ) có từ bao giờ, chỉ biết rằng để có thứ đặc sản ở phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) này, hàng trăm con người, trong đó phần lớn là phụ nữ hằng ngày từ sáng tới chiều tà phải ngâm thân mình trong nước để mò mẫm, lặn hụp.

Bàn chân hoá đôi mắt

Nằm không xa bến đò ngang Cồn Tộc (thuộc xã Quảng Lợi, H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) một thời nhộn nhịp, trên bề mặt của một vùng phá Tam Giang người ta dễ thấy có hàng trăm chiếc nón nhấp nhô, dập dềnh theo làn sóng. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện trên mặt phá. Đứng trong bờ nhìn ra có khi những chiếc nón xa mờ tít tắp, cô độc. Có khi hàng trăm chiếc nón chụm lại, nhô lên khỏi mặt nước, lộ những gương mặt khắc khổ.

 Niềm vui và cả nỗi đau đều phía dưới đôi chân của người giậm trìa
Niềm vui và cả nỗi đau đều phía dưới đôi chân của người giậm trìa - Ảnh: Tiến Hùng

Nghề dậm trìa trên phá Tam Giang thì có nhiều vùng, nhưng có lẽ do con nước và đặc tính hệ sinh thái riêng có của vùng phá gần khu vực bến đò Cồn Tộc thích hợp với môi trường sống, sinh sản của trìa nên bà con giậm trìa luôn tìm về nơi đây đánh bắt. “Phương tiện đánh bắt” của người dậm trìa chính là đôi bàn chân. Lầm lũi, nhẫn nại, đôi bàn chân cứ dậm từng đám bùn này qua đám bùn khác dưới đáy phá để tìm trìa. Dậm được con nào họ bỏ vào chiếc thùng xốp hoặc chiếc ghe nhỏ luôn kéo lê theo mình. Được trìa nhiều hay ít chính là nhờ sự mẫn cảm và sức chịu đựng của đôi bàn chân. Người ta nói đôi bàn chân hoá thành đôi mắt dò tìm trìa dưới đáy phá là vậy.

Nghề giậm trìa chủ yếu là vào mùa hè, từ tháng 2 đến tháng 8. Còn mùa đông mưa rét, con nước thay đổi thì người giậm trìa đi làm vườn, làm thuê. Do giậm, đạp và lần lữa dò tìm trìa dưới đáy phá nên bàn chân người nào cũng chai sạm, tua tủa vết sẹo. Có người giẫm phải mảnh chai, gai, vật nhọn cắt tứa máu cũng nén nỗi đau tiếp tục tìm trìa.

 

Con trìa (ngao nước lợ) thuộc giống nhuyễn thể, là một trong hàng chục loài tồn tại dọc theo vùng ven biển ở nước ta. Cùng với các loài đặc sản cá, tôm, ghẹ... ở phá Tam Giang trìa cũng được xem là đặc sản. Trìa có thể hấp rồi ăn với rau răm. Nước trìa là dưỡng chất “giải độc”, thanh nhiệt mà thực khách rất thích thú. Trìa cũng có thể xào, nấu cháo, nấu canh với rau lang để bồi bổ, nhất là giải nhiệt trong những ngày nắng nóng như thiêu đốt này.

Hằng ngày người dậm trìa làm việc từ khoảng 2 giờ sáng đến 15 giờ. Với giá bán 3.000đ/kg cho tư thương từ thành phố về mua, trung bình người giậm trìa kiếm được khoảng 70 ngàn đồng/người/ngày. Toàn bộ chi phí sinh hoạt trong gia đình đều nhờ số tiền thu nhập ấy. Em Nguyễn Ngọc Ý (9 tuổi, ở thôn Giang Đông, thị trấn Sại) kể rằng em dậm trìa đã được hai năm nay. Có ngày em “trúng” cũng được 50 ngàn đồng. Toàn bộ tiền kiếm được Ý đều gửi bà nội cất giữ để chi phí cho học tập. Hai năm làm nghề mà bàn chân Ý cũng đã đầy sẹo, mặt thì đen sạm hơn cả mấy bạn mục đồng.

Ngày ngày lặn lội dưới phá Tam Giang, hàng trăm con người vẫn không nguôi hi vọng con cháu mình được học hành tử tế, một mai thành đạt sẽ thoát khỏi cảnh “thân cò” như họ. Ở thôn Giang Đông, thị trấn Sịa hộ gia đình ông Ngô Văn Thành và bà Hoàng Thị Xưng tuy nghèo nhưng được tiếng thơm là con cái đều được học hành tử tế. Bám chân trên phá, toàn bộ tiền kiếm được từ dậm trìa vợ chồng ông Thành đều đầu tư cho cho 4 đứa con đi học, trong đó người đứa đã tốt nghiệp đại học. Hay cạnh nhà vợ chồng ông Thành là nhà ông Hoàng Văn Xứng nhờ gisamak trìa mà nuôi 2 người con đang học đại học ở TP.Huế. “Nếu không có con trìa có lẽ gia đình chúng tôi sẽ không có được như ngày hôm nay, con cái trong gia đình học hành thành đạt đều từ trìa mà ra, mấy mươi năm qua chúng tôi đã quen với nghề rồi không muốn dứt ra nữa” - bà Xưng bộc bạch.

Nỗi lo bệnh tật

Người dân đi dậm trìa ở khu vực bến đò Cồn Tộc ở nhiều xã, như Quảng Phước, Quảng Lợi, Quảng Thọ, thị trấn Sịa... Trong số đó thôn An Gia, thị trấn Sịa là nơi có nhiều người làm nghê dậm trìa nhất. Ở đây có khoảng 70 phụ nữ làm nghề này. Do phần lớn người giậm trìa là phụ nữ, thường ngày ngâm mình trong nước nên các bệnh liên quan đến phụ khoa là nỗi ái ngại của nhiều người. Chị Tr.Th.L. (38 tuổi, ở thôn Cư Lạc, xã Quảng Lợi, H.Quảng Điền) thổ lộ: “Nói thiệt chứ tụi tui cũng ngại. Phần lớn đi giậm trìa là người nghèo, tranh thủ kiếm tiền thôi. Khi phát bệnh mới tới bệnh viện khám chứ thường ngày không mấy ai đi tới bệnh viện coi mình có bị ni bị tê không. Ngay cả bản thân tui cũng thấy có khi là lạ trong người, tế nhị nên không nói với chồng con. Cũng không đi viện vì… hơi ngượng.”.

Nhắc chuyện bệnh phụ nữ của các o, các chị chuyên đi dậm trìa, bác sĩ Quách Thị Kim Châu, Đội trưởng Đội sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Y tế H.Quảng Điền cho hay thường những chị em chuyên đi dậm trìa thì tỷ lệ bệnh về phụ khoa, viêm nhiễm đường âm đạo do vi khuẩn cao có hơn những người làm nghề khác. “Cứ khoảng 10 người khám thì có 2 - 3 chị mắc. Hằng năm Chi cục dân số và kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế H.Quảng Điền chia làm 4 đợt tổ chức chương trình truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình, qua đó cũng lồng ghép việc khám, phát hiện số chị em mắc bệnh phụ khoa để có sự chỉ dẫn, khuyến cáo. Tuy nhiên không phải chị em nào cũng mạnh dạn đi khám, tâm lý ngại ngùng e dè là có thật” - bác sĩ Châu tâm sự.

Tiến Hùng - Đình Toàn

>> Trộm tôm cá lộng hành trên phá Tam Giang
>> “Nhà giàn” trên phá Tam Giang
>> Nuôi cá trên phá Tam Giang
>> Thắng tích bên phá Tam Giang
>> Nhiều người săn lùng hải cẩu ở phá Tam Giang
>> Tận diệt hến trên phá Tam Giang
>> Phá Tam Giang cạn kiệt thủy sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.