Tàu sân bay nội địa của Ấn Độ chậm tiến độ

10/08/2013 12:46 GMT+7

(TNO) Khác với tuyên bố trước đây của các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Hải quân nước này cho biết tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Vikrant khó có khả năng hoạt động đầy đủ trước năm 2020 vì chỉ mới hoàn thành 30% khối lượng.

(TNO) Khác với tuyên bố trước đây của các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hải quân nước này cho biết tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Vikrant khó có khả năng hoạt động đầy đủ trước năm 2020 vì chỉ mới hoàn thành 30% khối lượng.

Theo kế hoạch, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ mang tên INS Vikrant (IAC-1) sẽ được hạ thủy vào ngày 12.8 ở nhà máy đóng tàu Cochin tại thành phố cảng Kochi, miền nam Ấn Độ.

Sau khi hạ thủy, tàu Vikrant sẽ được lai dắt trở lại ụ tàu để lắp đặt hệ thống động cơ đẩy, hoàn thiện trên boong và lắp đặt các hệ thống vũ khí trước khi thử nghiệm trên biển.

Trong khi các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố các cuộc thử nghiệm trên biển sẽ bắt đầu vào năm 2016, thì nguồn tin từ hải quân nước này cho biết phải đến năm 2018 hoặc 2019 mới có thể triển khai hoạt động này, theo Defense News.

"Hạ thủy chỉ đơn thuần là cho IAC-1 nổi trên ụ tàu để trang bị nội thất, bao gồm lắp đặt các đường ống, và sau đó sẽ được lai dắt trở lại vào ụ tàu để lắp ghép các hệ thống động cơ đẩy", nguồn tin từ Hải quân Ấn Độ cho biết.

Không chỉ bị chậm trễ về tiến độ, các nguồn tin còn cho biết tổng chi phí của tàu sân bay Vikrant sẽ là hơn 5 tỉ USD, bao gồm cả máy bay và các hệ thống vũ khí. Nếu không tính các hạng mục này thì con tàu có giá hơn 2,2 tỉ USD. Trong khi đó, vào năm 2003, khi dự án được phê duyệt thì con tàu được ước tính trị giá khoảng 500 triệu USD.

Phát ngôn viên của Hải quân Ấn Độ, trung tá. P.V. Satish nhấn mạnh IAC-1 chỉ được bàn giao để thử nghiệm vào năm 2018.

"Trước hết, cần phải hiểu rằng việc xây dựng tàu sân bay là rất phức tạp. Tại thời điểm khởi công tàu IAC-1 năm 2009, người ta còn dự tính con tàu sẽ được bàn giao vào năm 2014 hoặc 2015. Tuy nhiên, do việc chậm trễ chuyển giao một số thiết bị của nước ngoài cần thiết cho công tác hạ thủy nên giai đoạn hạ thủy con tàu đã bị trì hoãn khoảng 3 năm”, ông nói.

Ngoài ra trung tá Satish còn cho biết một phần nguyên do sự chậm trễ là tiến độ hoàn thiện chi tiết thiết kế các hạng mục đặc thù. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các hạng mục đã sẵn sàng nên hải quân có thể đặt mục tiêu bàn giao thử nghiệm đến khoảng năm 2018.

Các nguồn tin từ Hải quân Ấn Độ còn tiết lộ thêm là tại thời điểm hạ thủy, chỉ có khung tàu và cấu trúc bên ngoài được hoàn thành, có nghĩa là chỉ đạt khoảng 30% tổng khối lượng công việc.

Sau khi được lắp đặt đường ống, tàu Vikran sẽ được cố định lại vào ụ tàu để gắn hộp số, hệ thống thủy lực, hệ thống máy phát điện và hệ thống động cơ đẩy. Sau đó sẽ tập trung vào hoàn thiện khoang chứa máy bay, không gian sống cho 1.400 thủy thủ, lò hơi và các bãi đáp.

Trước khi thử nghiệm trên biển, tàu sẽ được lắp đặt hệ thống phòng không Barak do Israel chế tạo, hệ thống radar đa nhiệm, hệ thống vũ khí cận chiến A630, và hệ thống quản lý tác chiến.

Bên cạnh khả năng chống lại các cuộc không kích, tàu sân bay Vikran sẽ được trang bị hệ thống tác chiến chống tàu ngầm. Tất cả các hệ thống trên tàu sẽ được hợp nhất thông qua một hệ thống quản lý tác chiến, nguồn tin từ Hải quân Ấn Độ cho biết thêm.

Theo Defense News, tàu Vikrant dài 262 m, rộng tối đa 60 m, và có khả năng chứa đến 30 máy bay, kể cả trực thăng. Tàu được chế tạo theo cấu hình cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh bắt cáp, phù hợp với loại chiến đấu cơ Mig-29.

Tàu có khả năng triển khai đến 20 chiến đấu cơ, chủ yếu là Mikoyan Mig-29K và biến thể máy bay nội địa Tejas Mark 2, và 10 trực thăng Kamov Ka-31.

Hải quân có kế hoạch sở hữu 3 tàu sân bay, với chiếc IAC-2 đang chờ quyết định phê duyệt thiết kế cuối cùng. IAC-2 cũng là tàu sân bay do nước này tự chế tạo, nhưng có lượng giãn nước hơn 60.000 tấn, nhiều hơn 20.000 tấn so với Vikrant, và dự tính được trang bị máy phóng, thích hợp với các loại chiến đấu cơ hiện đại hơn.

Nguyên Giang

>> Chương trình cắt giảm tàu sân bay của Mỹ
>> Nhật trình làng tàu sân bay trực thăng 'khủng
>> Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai?
>> Ấn Độ sắp hạ thủy tàu sân bay nội địa
>> Nga sắp giao tàu sân bay Vikramaditya cho Ấn Độ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.