Động thái nguy hiểm của phe đối lập Campuchia

10/08/2013 11:00 GMT+7

Hòa bình và ổn định chính trị của Campuchia đang bị thách thức nghiêm trọng sau khi đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) không công nhận chiến thắng của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trong kỳ tổng tuyển cử vừa qua.

1. Ở những quốc gia theo thể chế đa đảng, tranh chấp về kết quả kiểm phiếu không phải chuyện hiếm và được giải quyết qua con đường hợp hiến do chính các bên liên quan tự thương lượng. Điều khiến dư luận quốc tế lo ngại khi theo dõi tình hình Campuchia hiện nay là việc phe đối lập đang có xu hướng hành động vượt khỏi khuôn khổ pháp luật, đồng thời sử dụng những thủ đoạn chính trị hai mặt mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan hòng tìm kiếm hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài, tạo ra những hệ lụy nguy hiểm cho sự phát triển của chính Campuchia và ảnh hưởng xấu đến đoàn kết khu vực.

Mặc dù giành được 55 ghế trong quốc hội mới bầu, theo kết quả sơ bộ - không tệ so với con số 29 ghế của CNRP trong khóa trước - đảng này vẫn tung ra các cáo giác vi phạm luật bầu cử để đòi mở cuộc điều tra với thành phần bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ, LHQ, các quan sát viên quốc tế có vai trò như thành viên. Trong khi đó, CNRP lại từ chối không tham gia tổ công tác hỗn hợp của Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) để xem xét chính những khiếu nại của họ, thậm chí đòi NEC chỉ đóng vai trò trung gian còn LHQ đóng vai trò trọng tài.

 
Người ủng hộ đảng CPP cầm quyền và Thủ tướng Hun Sen - Ảnh: AFP

2. Phủ nhận vai trò của một thiết chế được ghi trong hiến pháp mà đi tìm kiếm sự cứu vớt của những tổ chức, cá nhân nước ngoài, toan tính chiến thuật của CNRP khá rõ: dù kết quả điều tra như thế nào, mục tiêu của họ vẫn đạt được là làm mất tính chính đáng của thể chế hiện hành. Trước mắt, việc CNRP dọa tẩy chay phiên khai mạc quốc hội sắp tới có thể ngăn chặn quá trình lập chính phủ mới, đẩy đất nước vào chân không quyền lực, từ đó tạo cớ cho nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Campuchia.

Chủ tịch CNRP là ông Sam Rainsy, một chính trị gia dán mác “dân chủ”, được đào tạo bài bản tại phương Tây, từng sống lưu vong ở Pháp và tốt nghiệp nhiều trường đại học danh giá. Ông này và đảng của mình đã chọn cách trở thành “người thua cuộc xấu chơi”, sẵn sàng vứt bỏ nguyên tắc thượng tôn pháp luật khi nó tỏ ra bất tiện cho cuộc tranh giành quyền lực.

Với CNRP, đây không phải lần đầu họ coi thường, bất chấp pháp luật. Còn nhớ, ông Sam Rainsy đã bị tòa án Campuchia xử vắng mặt 10 năm tù giam về tội tuyên truyền thông tin sai lạc và phá hoại tài sản quốc gia do hành vi nhổ 6 cọc phân giới tạm trên biên giới Campuchia - Việt Nam hồi năm 2009 và chỉ mới được ân xá, hồi hương sau khi một vài tổ chức nhân quyền, chính phủ nước ngoài can thiệp với Phnom Penh.

Xét cả quá trình hình thành và phát triển chế độ đa đảng ở Campuchia, sự thiếu vắng một phe đối lập biết tuân thủ luật chơi dân chủ, đủ sức đưa ra một lựa chọn khác có triển vọng đã lý giải thành tích cầm quyền liên tục hơn 20 năm qua của CPP. Tuy nhiên, điều này cũng là nguyên nhân khiến đảng dân túy CNRP vượt lên chiếm vị trí thứ hai với chương trình tranh cử nặng về bôi xấu đối thủ, nhẹ về đề xuất xây dựng, lấy lòng cử tri nhờ các luận điểm tuyên truyền bài ngoại (chủ yếu là chống người gốc Việt và Việt kiều), kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Đây là điều các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tỉnh táo nhận ra bộ mặt thật của Sam Rainsy và CNRP.

3. Lâu nay, Sam Rainsy có những “người đỡ đầu” ở phương Tây, những người đã luôn nhanh nhảu lên tiếng bảo vệ cho ông ta mỗi khi gặp rắc rối với pháp luật như vụ nhổ mốc phân giới đã nói ở trên, hay trước nữa vào năm 2005 trong các vụ kiện liên quan đến tội danh vu khống. Người ta có căn cứ để nghi ngờ Sam Rainsy đang được o bế để gây sức ép đối với Thủ tướng Hun Sen. Nhưng bằng cách đó, thế lực bên ngoài có thể khiến Campuchia càng rơi sâu vào sự mất ổn định.

Mặt khác, tuyên bố mới nhất của Sam Rainsy trên Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông) công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với những điều phi lý liên quan đến biển Đông. Đây là những động thái chính trị vô nguyên tắc,  bất kể nỗ lực trong chính sách đối ngoại hướng tới hòa bình và ổn định của các nhà ngoại giao Đông Nam Á. 

Trước cuộc bầu cử, Sam Rainsy tuyên bố không lấy đề tài Việt Nam để thu hút lá phiếu. Thực tế kể từ khi về nước, ông ta liên tục phát biểu công khai để ám chỉ người dân Việt Nam với sắc thái nhục mạ, hứa hẹn sẽ giành lại các lợi ích kinh tế của “người Việt tại Campuchia”. Não trạng phân biệt chủng tộc thâm căn cố đế của CNRP và Sam Rainsy liệu có phù hợp với tiêu chuẩn của nền dân chủ mà cộng đồng quốc tế trông đợi?

4. Ai cũng hiểu rằng luận điệu xét lại của CNRP về đóng góp quyết định của Việt Nam trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot và vai trò tích cực của người Việt trong xã hội Campuchia hiện nay chẳng thể làm thay đổi mảy may sự thật lịch sử. Điều đáng lo là thứ chất độc tinh thần mà một chính đảng tự xưng là “vì Campuchia” đang tiêm nhiễm hằng ngày vào đầu óc đồng bào của họ sẽ làm biến dạng nhận thức, tiếp sức cho những tư tưởng thiển cận, cực đoan len lỏi vào việc hoạch định đường lối đối ngoại của chính phủ hoàng gia. Hậu quả là làm tổn hại đến mối quan hệ đã được gắn kết tốt đẹp giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Nhận diện được chân tướng Sam Rainsy và tập hợp chính trị do ông ta dựng lên, các cường quốc đang tìm kiếm lợi ích địa - chính trị tại Campuchia cần cân nhắc hết sức thận trọng khi đi các nước cờ ở khu vực nhạy cảm này. Bất kỳ tính toán sách lược sai lầm nào nhằm can thiệp vào tiến trình dân chủ Campuchia cũng có thể làm thay đổi cán cân lực lượng tại đây với những hậu quả khôn lường trong tương lai.

Campuchia cảnh báo đảng đối lập

Chính phủ Campuchia đã cảnh báo đảng đối lập CNRP và ông Sam Rainsy sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi kích động, gây biểu tình bạo động và bất ổn chính trị. CNRP đang có kế hoạch tổ chức biểu tình quy mô lớn, gây bất ổn ở thủ đô Phnom Penh nếu kết quả bầu cử được công bố chính thức không theo ý đảng này.

Trong thư gửi các lãnh đạo CNRP được báo chí Campuchia trích dẫn, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng khẳng định biểu tình là quyền được hiến định của người dân nhưng nếu lợi dụng để nổi loạn, gây bạo động, đe dọa an ninh quốc gia, phá hoại tài sản công dân và nhà nước thì chính phủ Campuchia với tư cách lãnh đạo đất nước tạm thời trong khi chờ thành lập chính phủ mới sẽ dùng quyền lực nhà nước để trừng phạt.

Cùng lúc, hàng trăm binh sĩ, cảnh sát có vũ trang và xe bọc thép đã được triển khai ở các cửa ngõ quan trọng của Phnom Penh và một số tỉnh để bảo đảm an ninh và đề phòng các tình huống xấu.

Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) cho biết đã tiếp nhận yêu cầu của các bên sau khi thành lập ủy ban hỗn hợp bao gồm đại diện của các đảng phái. Dự kiến, NEC sẽ công bố chính thức kết quả bầu cử vào cuối tháng 8.

Minh Quang
(VP Bangkok)

Vạn Lý

>> Quân đội Campuchia tiến vào Phnom Penh
>> Quốc vương Campuchia thúc giục dàn xếp tranh chấp bầu cử
>> Bắt cóc bé gái 3 tuổi để bán qua Campuchia
>> Đảng đối lập Campuchia tự tuyên bố “thắng cử”
>> Đảng đối lập Campuchia tuyên bố chiến thắng bầu cử
>> Đảng đối lập không chấp nhận kết quả bầu cử ở Campuchia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.