Tín chỉ giúp học sinh vào đại học sớm

25/10/2013 03:00 GMT+7

Có ý kiến đề nghị nên áp dụng học chế tín chỉ ngay từ bậc THPT để đạt hiệu quả cao. Đây xem như là một trong những thay đổi cụ thể cho đổi mới giáo dục sau năm 2015.

Tín chỉ giúp học sinh vào đại học sớm
Học chế tín chỉ có thể áp dụng cho học sinh các trường THPT chuyên để học sinh có khả năng sớm vào ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh chủ động, nhà trường đánh giá toàn diện

Vào tháng 7 năm nay trong một hội nghị giáo dục tại TP.HCM do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề xuất nên áp dụng học chế tín chỉ ngay từ bậc phổ thông. “Tại một trường trung học ở Mỹ mà tôi có dịp đến nghiên cứu năm 2011, một số môn như toán và văn gồm nhiều tín chỉ xuyên suốt trong 3 năm học. Đồng thời, ở mỗi môn học, có thể chia nhỏ thành nhiều học phần với những phần bắt buộc và tự chọn”, ông Minh nói.

 

Với khả năng của mình, HS trường chuyên có thể hoàn thành sớm chương trình phổ thông hiện hành và dư sức tiếp cận những kiến thức ở các bậc học ĐH. Vì vậy, đưa học chế tín chỉ từ THPT sẽ tạo điều kiện cho HS vào ĐH sớm

Ông Nguyễn Thanh Hùng
Phó hiệu trưởng Trường PT Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM

Theo ông Minh, đây là mô hình đào tạo tiên tiến mà học sinh (HS) và nhà trường đều được hưởng lợi. HS tăng cường khả năng tự học, phát huy tính tích cực, chủ động. Học chế này cũng giảm tải được chương trình học cho HS (học những học phần yêu thích, phù hợp với bản thân). Về mặt tổ chức quản lý, cũng có lợi khi các trường không phải thực hiện một kỳ thi nặng nề mà vẫn đánh giá tổng thể được sự phát triển toàn diện của HS.

Tại Việt Nam, thật ra một số trường phổ thông quốc tế cũng đang dạy theo học chế này. Một phụ huynh có con học trường quốc tế đang dạy chương trình phổ thông của Anh chia sẻ: “Ngay từ lớp 10, HS đã được định hướng và lựa chọn ngành nghề. Sau đó, tùy vào sức học mà đăng ký các tín chỉ phù hợp, lựa chọn giáo viên yêu thích”. Phụ huynh này nhận xét thêm: “Các môn học thiết thực, không thấy nặng nề vì HS luôn trong thế chủ động tiếp nhận kiến thức”.

Có thể bắt đầu từ trường chuyên

Tuy có nhiều lợi điểm nhưng lãnh đạo nhiều trường THPT ở TP.HCM thừa nhận đưa tín chỉ vào giảng dạy ở bậc THPT là quá mới mẻ và e ngại tính khả thi trong điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên của nước ta hiện nay còn thiếu thốn. Tình trạng quá tải trường lớp như hiện nay thì việc bố trí phòng ốc theo học tín chỉ là không đơn giản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bác Dụng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), có thể thực hiện học chế này từ các trường chuyên. Ông Dụng cho biết: “Chế độ tín chỉ phù hợp với trường chuyên và tránh lãng phí với chương trình ở ĐH”. Ông Dụng phân tích: HS năng khiếu đã có định hướng và tiếp nhận kiến thức chuyên sâu ở bậc phổ thông nhưng khi lên đến bậc ĐH lại học chương trình bình thường, không có sự liên thông nên rất lãng phí. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường PT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định: “Tín chỉ rất phù hợp với HS các trường chuyên, năng khiếu”. Ông Hùng giải thích: “Với khả năng của mình, HS trường chuyên có thể hoàn thành sớm chương trình phổ thông hiện hành và dư sức tiếp cận những kiến thức ở các bậc học ĐH. Chẳng hạn, có khi mới lớp 11 nhưng nhiều HS đã hoàn thành chương trình phổ thông. Vì vậy, đưa học chế tín chỉ từ THPT sẽ tạo điều kiện cho HS vào ĐH sớm”. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: “Vào ĐH như thế nào còn phụ thuộc vào quy chế tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH ”.

Để làm được điều này, theo nhiều chuyên gia, cần phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục và chương trình hiện hữu. Theo ông Huỳnh Công Minh, có thể thực hiện học chế tín chỉ với điều kiện giảm số lượng môn học phổ thông hiện nay. Ông Minh cho biết: “Chương trình THPT của các nước bao gồm 6-8 môn với 2 môn công cụ là toán và văn, tích hợp các môn lý, hóa, sinh thành môn khoa học tự nhiên, tương tự đối với các môn khoa học xã hội”.

Một trong những thay đổi được đánh giá cao của đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” vừa được thông qua là đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Theo đó, sau năm 2015, ở bậc THPT thay vì phải học 13 môn như hiện nay, HS chỉ học 6 môn (trong đó có 3 môn tự chọn). Sự thay đổi này có thể xem là tiền đề giúp học chế tín chỉ có điều kiện triển khai ở THPT.

Ý kiến:

Định hướng nghề nghiệp rõ ràng

“Phải thay đổi cách xây dựng, biên soạn để có một chương trình tích hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế. Khi đó học chế tín chỉ không những giúp HS chủ động học tập mà còn định hướng nghề nghiệp rõ ràng, hiệu quả”.

Hoàng Thị Hồng Hải
(nguyên Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, TP.HCM)

Cần đặt ra trong tương lai

“Chế độ học tập này cần đặt ra trong tương lai, có quy hoạch cụ thể để giúp HS linh hoạt và nhà trường thể hiện năng lực”.

Nguyễn Kim Dung
(Viện phó Viện Nghiên cứu giáo dục)

Học tín chỉ là gì ?

Một cách hiểu đơn giản, theo học chế tín chỉ, HS, SV được phép tự lựa chọn chương trình miễn sao đáp ứng đủ số tín chỉ với ngành/môn học đó là có thể tốt nghiệp. Nếu theo niên chế, mỗi học kỳ, trường sẽ đưa ra thời khóa biểu và bắt buộc người học phải theo đúng thời khóa biểu đó. Học tín chỉ, người học tự đề ra thời khóa biểu, giảm bớt số môn hoặc học vượt trong học kỳ đều được. Người học có thể ra trường sớm hơn các bạn cùng khóa nếu đủ khả năng.

Bích Thanh - Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.