Biến tướng đồng phục - Kỳ 3: Lợi nhuận quá lớn

05/09/2013 11:25 GMT+7

Trong vai một nhân viên của trường đi đặt may đồng phục với số lượng lớn, phóng viên Thanh Niên phần nào hiểu ra vì sao nhiều trường lại 'mặn mà' với việc làm phức tạp chuyện đồng phục học sinh đến thế.

>> Biến tướng đồng phục - Kỳ 2: Sinh viên cũng bắt mặc cùng kiểu !?
>> Biến tướng đồng phục

Nâng giá bao nhiêu tùy thích

Các công ty đều hiểu rằng, tiếp thị sản phẩm gì vào trường học cũng lãi lớn bởi số lượng học sinh (HS) đông, tiêu thụ lớn, tạo ra lợi nhuận cao. Bởi vậy, khi một trường đặt vấn đề với công ty nào thì công ty đó cũng tìm mọi cách để làm đẹp lòng.

 Đồng phục của học sinh Trường THCS Dương Hòa (H.Kiên Lương, Kiên Giang) là áo trắng và quần sẫm màu tự mua - d
Đồng phục của học sinh Trường THCS Dương Hòa (H.Kiên Lương, Kiên Giang)
là áo trắng và quần sẫm màu tự mua - Ảnh: Lê Đăng Ngọc

 

May đồng phục hai bên chia lợi ích với nhau, cuối cùng chỉ có học sinh là chịu thiệt thôi

Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến
nguyên trợ lý Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT

Đại diện của Công ty Đ.D, chuyên đồng phục ở Hà Nội, cho hay giá dao động từ 95.000 - 150.000 đồng/bộ tùy chất liệu vải. “Đó là báo giá thấp nhất, hợp đồng thì nâng giá lên. Thông thường, nâng nhiều quá thì phải trả 15% hóa đơn phần nâng lên cho các trường, nâng bao nhiêu tùy thích”, người này giải thích.

Khi phóng viên hỏi về mức chiết khấu nếu đặt số lượng lớn, đại diện một nhà cung cấp mang tên “Xưởng may đồng phục nhà trường” ở Hà Nội, cho biết: “Bình thường chiết khấu là 15%, nếu nhiều thì sẽ 20%. Còn hơn 1.000 bộ thì em để cho chị giá tốt nhất, chị muốn tăng bao nhiêu thì em sẽ làm cho chị giá bấy nhiêu, em lo tất cả giấy tờ, thủ tục cho chị. Thế có phải tốt hơn chiết khấu không chị?”. Đại diện một nhà may ở TP.Huế - chuyên may đồng phục cho các trường học, công ty trên địa bàn, cho hay thường là không chiết khấu cũng không làm hóa đơn. Các trường chỉ mua với giá rẻ nhất có thể mà nhà may cung cấp rồi về bán cho HS bao nhiêu tiền là tùy từng trường.

Trong khi đó, chủ một nhà may ở TP.Bắc Giang cho biết việc “làm giá” đồng phục cũng tùy đòi hỏi của mỗi trường, trường nào cũng thích có chênh lệch nhưng có những trường chỉ cần 10%, có trường đòi tới 40%. Để đáp ứng được yêu cầu chiết khấu cao như vậy, nhà may buộc phải chọn lựa chất liệu và nguyên liệu may rẻ tiền nhất…

Tại Công ty đồng phục Bốn Mùa (Hà Nội), bảng báo giá đồng phục căn cứ vào số lượng, nếu khách hàng mua từ 10 - 20 chiếc thì giá tiền là 120.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên nếu số lượng từ 100 chiếc trở lên thì chiếc áo đó chỉ còn 80.000 đồng. Giá rẻ chênh lệch của một chiếc áo đã lên tới 40.000 đồng nếu mua theo số lượng lớn.

Còn chủ một nhà may nhỏ tiết lộ thường không nhận đơn hàng trực tiếp từ các trường mà thông qua những công ty lớn chuyên cung cấp đồng phục cho nhiều trường trên địa bàn thành phố. Các công ty này đứng ra hợp đồng với rất nhiều trường học và sau đó lại đặt hàng các nhà may nhỏ may theo mẫu mã, kiểu dáng đã ký hợp đồng. Vì vậy, một bộ đồng phục đến tay HS phải đi qua mấy khâu trung gian nên giá thành mà phụ huynh phải chi trả đội lên có thể gấp đôi so với giá trị thực.

Chiếm từ 10 - 11,3% chi phí cho giáo dục của các gia đình

Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT, từng nhận định: “May đồng phục hai bên chia lợi ích với nhau, cuối cùng chỉ có HS là chịu thiệt thôi”.

Thực ra, mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu các trường không “ôm” chuyện này và đẩy nó lên thành vấn đề gây ức chế đối với HS. Vừa qua, có dịp đến công tác tại Trường THCS Dương Hòa (H.Kiên Lương, Kiên Giang), chúng tôi chứng kiến dù còn rất nhiều khó khăn nhưng HS đi học đều mặc áo trắng, quần xanh rất sạch sẽ, chỉnh tề. Hỏi HS phải đóng bao nhiêu tiền cho đồng phục, hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trường không quy định đồng phục riêng, chỉ yêu cầu các gia đình mua cho mỗi em một chiếc áo trắng và quần xanh để đi học. Mỗi em chỉ góp một số tiền rất nhỏ để mua logo, phù hiệu của trường gắn lên chiếc áo trắng mà gia đình các em tự mua”.

Nghiên cứu về chi phí không chính thức của hộ gia đình trong giáo dục Việt Nam từ một tổ chức nước ngoài trong năm 2012 cho thấy, riêng khoản tiền đồng phục chiếm từ 10 - 11,3% trong cơ cấu chi phí cho giáo dục của các gia đình. Ở vùng nông thôn, số tiền phải đóng thấp hơn so với vùng thành thị nhưng khoản này lại chiếm tỷ lệ lớn hơn trong cơ cấu này. Cụ thể, ở vùng thành thị, tỷ lệ chi cho đồng phục là 8,5% với tiểu học và 10,1% với THCS còn ở vùng nông thôn, tỷ lệ này là 14,9%  và 12,5%.

Cao gấp 2 lần giá từ nhà cung cấp

Nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1, TP.HCM, chia sẻ: “Các trường thường chọn vải rẻ nên đồng phục thường gây nóng bức, khó chịu cho HS. Chiết khấu là chuyện đương nhiên và trả qua hình thức chi thù lao cho đội ngũ nhân viên, thuê mặt bằng của trường khi bán đồng phục...”.

Còn nguyên trưởng phòng Giáo dục của một quận nội thành của TP.HCM cho rằng có trường thu tiền đồng phục cao gấp 2 lần giá của nhà cung cấp. “Nhiều trường còn đưa ra các quy định về logo, phù hiệu để phụ huynh chỉ còn cách duy nhất là mua trong trường. Trong khi nếu làm rời mẫu áo với logo thì tùy theo hoàn cảnh gia đình, học sinh có thể mua mẫu đồng phục đó ngoài thị trường”.

B.Thanh

Một mẫu đồng phục cho 3 thế hệ

Một bạn đọc sống lâu năm ở Canada gửi thư điện tử đến Thanh Niên bày tỏ về vấn đề đồng phục của nước này.

Độc giả viết: “Chúng tôi ở Montreal, Quebec, đi học trường công thì không phải mặc đồng phục, mỗi gia đình tùy khả năng tài chính mà cho con ăn mặc. Một số trường tư thục bắt HS mặc đồng phục nhưng qua mấy thế hệ vẫn giữ một kiểu, chỉ thay đổi chút ít về mặt nguyên liệu. Tôi đi học tại Trường nữ Pensionnat du St-Nom-de-Marie trong những năm 60, mặc váy xếp pli theo kiểu mẫu của nhà trường. Tới khi con gái tôi đi học tại trường đó trong những năm 80 cũng mặc cùng một loại.

Cả 5 năm học cũng chỉ phải mua có 3 cái váy còn áo blouse trắng mặc phía trên thì tùy, chỉ cần kín đáo cho hợp với quy định nhà trường thôi. Bây giờ tới phiên cháu ngoại tôi vào trường đó, nó đã xin mặc chiếc váy cũ của mẹ nó để đi học”.

Khi trao đổi với anh Trần Thắng, Chủ tịch Hội Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE) về đồng phục, anh chỉ nói một câu gọn lỏn: “Không có gì để nói. HS trường công mặc tự do, HS một số trường tư thục mới có yêu cầu về đồng phục”.

Anh là một trong những nước bắt buộc HS phổ thông mặc đồng phục. Tuy nhiên điều này cũng rất đơn giản. Một người bạn sống lâu năm ở Anh cho biết: “Trường nào cũng bắt HS mặc đồng phục. Một số trường cũng bán T-shirt và quần áo thể dục nhưng không bắt buộc, ai thích thì mua của trường, không thì ra ngoài cửa hàng. Còn lại các đồng phục khác trường không bán, phụ huynh mua ở siêu thị hoặc cửa hàng”.

Trong khi đó, ở một số nước như Đan Mạch, Ý và Tây Ban Nha HS không bắt buộc đồng phục.

Thùy Ngân - Minh Trung

Ý KIẾN:

Cần tính đến điều kiện của đa số HS

Mục đích của bộ đồng phục HS nhằm xóa nhòa ranh giới giữa HS giàu, nghèo vì vậy khi xem xét để may một bộ đồng phục, các trường cần tính đến điều kiện của đa số HS. Tốt nhất, nhà trường nên thống nhất mẫu đồng phục với phụ huynh, còn phụ huynh mua ở đâu cũng được, miễn là đúng mẫu mã đó.

PGS Văn Như Cương
(Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội)

Phải phù hợp với môi trường

Đồng phục trước hết phải tính đến sự phù hợp về điều kiện kinh tế, môi trường học đường, khí hậu. Khí hậu ở nước ta mùa hè nóng như vậy mà cứ bắt HS mặc cả ngày những chất liệu không tốt, kiểu dáng gò bó thì lúc đó việc có đồng phục hay không không quan trọng nữa.

Nhà giáo Phạm Toàn

Không phải trại quân đội

“Đồng phục” tập vở, bìa bao, cặp táp là không cần thiết để phụ huynh và HS đỡ khổ. Trường học chứ không phải trại quân đội, chúng ta đừng quy định, ràng buộc quá xét nét, khiến HS cảm thấy nặng nề khi đến trường”.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng
(Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Vừa đắt vừa xấu

Cha mẹ HS hầu như không được tham vấn ý kiến về kiểu dáng, chất liệu cho đồng phục HS. Nếu chúng tôi đi mua quần áo cho con mình thì bao giờ cũng phải quan tâm đầu tiên đến chất liệu vải nhưng dường như những người chọn đồng phục cho hàng nghìn HS lại không nghĩ tới điều này. Đã vậy, giá đồng phục ở trường thường cao hơn. Một áo sơ mi trắng mua tại trường lên đến 130.000 đồng/cái còn mua của công ty hoặc nhà may ở bên ngoài giá có thể chỉ tương đương hoặc rẻ hơn trong khi chất liệu vải, đường may tốt hơn rất nhiều.

Nguyễn Thị Thủy
(nhà CT4B Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

Tuệ Nguyễn - Minh Luân
(ghi)

Tuệ Nguyễn

>> Không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới
>> Ép học sinh nông thôn may đồng phục giá cả tạ thóc là không thể chấp nhận
>> Trường làng may đồng phục veston kiểu Hàn Quốc
>> Sở GD-ĐT yêu cầu các trường kiểm tra nội quy mặc đồng phục
>> Các trường không được tùy tiện thay đổi đồng phục
>> Bão dữ ở Quảng Đông, Phúc Kiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.