Sinh viên bức xúc về xe buýt

01/10/2013 03:00 GMT+7

Nhiều bức xúc được sinh viên nêu ra tại buổi tọa đàm 'Hiến kế thanh niên và văn minh xe buýt' diễn ra tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM vào ngày 29.9.

>> Sinh viên hiến kế gắn camera trên xe buýt để chống trộm
>> Lên tiếng về xe buýt

Những chuyến xe buýt sinh viên vào giờ cao điểm luôn chật cứng người - d
Những chuyến xe buýt sinh viên vào giờ cao điểm luôn chật cứng người - Ảnh: Lê Thanh 

Người khuyết tật chưa được quan tâm

Sinh viên Huỳnh Thị Thu Thảo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng ngoài một số tiện ích thì việc đi lại bằng xe buýt vẫn tồn đọng những điều gây “mệt mỏi, bực bội” cho sinh viên, nhất là khi họ phải chen chúc nhau trên những chuyến xe chật cứng vào giờ cao điểm.

Là người khuyết tật, Nguyễn Thị Diệu Linh thấm thía cảnh gian nan khi phải đánh vật với những sàn xe buýt cũng như bục trạm chờ rất cao. “Có những xe thường dừng ở xa, trong khi tôi bị tật ở chân chạy theo không kịp. Rất mong những hành khách khác và tiếp viên thấy người khuyết tật thì nhường chỗ hoặc giúp đỡ chúng tôi lên xe. Thời gian dừng ở trạm chờ nên kéo dài một chút cho chúng tôi vì người khuyết tật thường di chuyển chậm hơn”, Diệu Linh kiến nghị.

Trong buổi tọa đàm tương tự hồi năm ngoái, sinh viên khiếm thị Nguyễn Quang Nhị, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã nêu lên một số bức xúc của mình. Năm nay, Nhị tiếp tục lên tiếng: “Đề nghị đơn vị quản lý phải có văn bản chỉ thị rõ ràng luôn cho các lái xe và tiếp viên lưu tâm đến những người khuyết tật, chứ không nên theo kiểu “khuyến khích” dẫn đến ít người thực hiện. Làm sao tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận xe buýt thuận lợi hơn”.

Không chỉ phát biểu trực tiếp, nhiều bạn trẻ đã viết giấy phản ánh những điều chưa hài lòng và hiến kế phát triển loại phương tiện giao thông công cộng này. Lê Minh Tấn, Trường ĐH Mở TP.HCM, đề nghị phải nâng chất lượng xe buýt và cơ sở hạ tầng, cải thiện đội ngũ nhân viên, thiết lập hệ thống nhà chờ hợp lý, sử dụng thẻ thông minh, xây dựng các tuyến nhanh và phát triển hệ thống xe buýt hai tầng. Trong khi đó, những ý kiến khác cho rằng cần phải lắp camera, có nút báo khẩn cấp trên xe để hạn chế nạn trộm cắp và tình trạng mất an toàn trên xe; kéo dài thời gian hoạt động của xe buýt trong ngày và tăng chuyến vào giờ cao điểm; khen thưởng kịp thời những hành vi đẹp, đồng thời xử phạt nghiêm khắc những hành vi vi phạm văn minh xe buýt; tài xế và tiếp viên phải biết nói tiếng Anh để đáp ứng cả nhu cầu của hành khách nước ngoài…

Sẽ gắn camera trên xe

Có mặt tại buổi tọa đàm là một số đại diện đến từ đơn vị điều hành xe buýt. Đó là ông Vũ Thành Nhân, Phó trưởng phòng Kế hoạch của Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM; bà Phạm Thị Ánh Tuyết, tiếp viên Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM tuyến 14, 54 và ông Đặng Văn Bảy, tài xế tuyến 18, 19, 20.

Có nhiều câu hỏi được giải đáp ngay tại tọa đàm. Chẳng hạn về hiến kế lắp camera chống nạn trộm cắp, ông Vũ Thành Nhân thông tin: “Bên cạnh việc tiếp tục phối hợp cảnh sát hình sự, trung tâm có phối hợp các đơn vị để sắp tới lắp đặt camera trên xe. Bên cạnh đó là gắn thiết bị định vị báo khẩn cấp về hệ thống điều hành”.

Tuy nhiên, cũng có một số câu chưa được giải đáp thỏa đáng hoặc có khi… hiểu nhầm ý người hỏi. Đơn cử, sinh viên Nguyễn Thị Nhi, Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2), bộc bạch: “Theo em, trên mỗi chiếc xe trong từng tuyến cần có mã số riêng để hành khách có thể phản ánh chính xác, cụ thể hơn”. Thế nhưng, đại diện Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM giải thích lại điều ai cũng biết là trên mỗi tuyến xe đã có mã số riêng!

Ông Vũ Thành Nhân cho hay, bình quân mỗi ngày có 1,2 triệu lượt người tại TP.HCM đi xe buýt, trong đó chiếm hơn 30% là sinh viên. Theo ông Nhân, có những vấn đề sinh viên phản ánh và kiến nghị trung tâm sẽ sớm cải thiện, khắc phục, nhưng cũng có những vấn đề cần cả quá trình, không thể giải quyết một sớm một chiều. “Hằng năm, chúng tôi có tổ chức những lớp nghiệp vụ cho lái xe và nhân viên phục vụ. Trung tâm sẽ xử lý nghiêm khắc những tài xế và tiếp viên tiếp tục vi phạm nhiều lần dù đã cho học lại lớp nghiệp vụ, thậm chí là biện pháp sa thải”, ông Nhân thông tin.

28,5% chưa hài lòng về xe buýt

Nhóm điều phối dự án “Nào ta cùng buýt năm 2013” vừa công bố kết quả khảo sát nhận định của người dân và sinh viên đối với xe buýt.

Theo đó, trong số 1.324 người tham gia khảo sát (với 89,9% là sinh viên), có 28,5% còn cảm thấy chưa hài lòng về chất lượng, dịch vụ phương tiện công cộng này; 41,1% cho rằng hệ thống xe buýt của TP.HCM chưa tiếp cận nhiều đến các khu vực ngoại thành...

Như Lịch

>> Bị cuốn vào gầm xe buýt, một thanh niên thoát chết thần kỳ
>> TP.HCM lắp đặt wifi trên xe buýt
>> Ra đường là sợ… xe buýt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.