Tại sao đàn ông thích đá bóng?

15/06/2014 01:46 GMT+7

Bóng đá rõ ràng đã trở thành một môn thể thao vua, một niềm say mê cho cả tỉ người, đặc biệt là đàn ông. Thậm chí, để xem một trận đấu, nhiều chàng trai còn sẵn sàng hủy bỏ hẹn hò với bạn gái, nhiều ông chồng không thiết tới vợ con.

 
Minh họa: Dad

Nhưng sao lại thế, và bóng đá bắt nguồn từ đâu?

Có nhiều giả thiết trong chuyện này. Người nói bóng đá có khởi nguồn từ nước Anh, kẻ bảo bóng đá ra đời từ Thổ Nhĩ Kỳ, và vô số nhà nghiên cứu tuyên bố quê hương bóng đá là Brazil.

Tất cả đều sai lầm. Bóng đá bắt đầu từ Việt Nam đã hàng trăm năm nay, sau đó lan tỏa ra phần còn lại của thế giới.

Bởi cách đây hàng trăm năm, đàn ông Việt Nam rất sợ vợ. Bởi hồi đó tất cả các cô gái đều đẹp tới mức khi có thi hoa hậu, toàn bộ thí sinh đều đoạt vương miện do nhan sắc chả ai kém ai.

Đã xinh đẹp, phụ nữ lúc đó còn giỏi giang. Cô thì vẽ tranh như danh họa, cô thì may vá như nhà thiết kế, cô lại hát hay như ca sĩ và tất cả các cô đều nấu ăn ngon tuyệt  vời.

Hậu quả của chuyện ấy là đàn ông Việt Nam mình lúc đó ai cũng sợ vợ. Sợ vợ trở thành một lối sống được ca ngợi, được coi như đạo đức. Những cuộc thi kiểu như “Anh chàng sợ vợ nhất trong năm”, hoặc “Người đàn ông bị vợ đánh đập vô địch của tháng” diễn ra thường xuyên và những ai đoạt giải nhất rất được kính nể.

Sợ vợ tất nhiên là bị vợ bắt nạt. Từ thành thị tới làng quê, cảnh các ông chồng bị la mắng, quát tháo, bị đuổi ra khỏi nhà và bị phạt quay đầu vào tường hoặc úp mặt vào gốc cây là chuyện thường xuyên. Hễ cứ ra đường là thấy những ông chồng “vừa đi vừa khóc”.

Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Mỗi khi bị vợ la mắng, đàn ông chỉ còn cách giải tỏa bằng đập phá, đấm đá vào một cái gì đó để giải tỏa sự tức tối.

Nhưng không ông nào dám đập phá đồ đạc, bát đĩa, vì như thế sẽ bị vợ kết tội nặng hơn. Không ông nào dám đá chó, mèo vì chó mèo là bạn của phụ nữ.

Thành ra mỗi người phải tự tìm ra cách của mình. Anh thì ra sân xé các lá cây, anh thì vào rừng chém tay xuống nước, anh lên núi đá vào cọp beo, anh xuống biển đá vào răng cá mập, có những anh uất ức quá còn ra sông đá vào mồm cá sấu.

Tình hình ấy khiến cho số đàn ông bị chết hoặc bị thương tăng lên đến mức báo động, khiến các bà vợ phải họp khẩn cấp, do cơ bản, phụ nữ vẫn thương chồng. Họ xem xét mọi khía cạnh, từ đó kết luận tuy vẫn phải duy trì quyền kiểm soát đàn ông như cũ, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, nhưng phải tìm ra giải pháp giúp đàn ông bớt căng thẳng.

Có một bà bước lên diễn đàn đọc một bản tham luận đáng chú ý, kể rằng mỗi lúc chồng tức tối, bà đều cho phép ông đá vào cái giẻ lau trong nhà. Điều ấy có rất nhiều ưu điểm: giẻ lau sẽ sạch, đỡ phải giặt, còn chồng chắc chắn không bị thương vì giẻ mềm.

Sáng kiến ấy được phụ nữ hưởng ứng nhiệt liệt. Bà nào cũng vội vã về treo miếng vải trong bếp và đề dòng chữ: “Xin mời anh yêu đá vào đây”.

Nhưng do các ông chồng bị đàn áp quá, nên hầu như ai cũng đá vào giẻ suốt ngày, khiến chúng rách rất nhanh.

Một nữ giáo sư (hồi ấy số lượng nữ giáo sư cực nhiều) chợt nảy ra sáng kiến cuộn những miếng giẻ lại thành vật tròn. Như thế đá không rách và đá được xa.

Các ông chồng hạnh phúc quá, suốt ngày đá bình bịch trong nhà, sau đó đá ra vỉa hè, ra bãi cỏ.

Từ chỗ mỗi người chỉ đá của mình, họ nhanh chóng chuyển sang đá chung, rồi đá với nhau, chia làm hai phe.

Bóng đá ra đời từ đấy.

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.