Nhật lên chiến lược ứng phó Trung Quốc

28/09/2013 11:00 GMT+7

Theo giới phân tích, Nhật Bản lâu nay âm thầm phát triển khả năng ứng phó đe dọa từ học thuyết chống tiếp cận/phong tỏa khu vực của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, Nhật Bản lâu nay âm thầm phát triển khả năng ứng phó đe dọa từ học thuyết chống tiếp cận/phong tỏa khu vực của Trung Quốc.

 
Tàu khu trục Hyuga nằm trong chiến lược chống A2/AD của Nhật - Ảnh: Deagel.com

Hiện nay, Trung Quốc được cho là đang hoàn thiện chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD), với mục đích nâng cao năng lực phòng thủ - tấn công ở các vùng biển quanh mình, nhằm ngăn chặn hạm đội Mỹ áp sát để tấn công nước này hoặc hỗ trợ đồng minh.

Qua đó, Trung Quốc có thể duy trì thế mạnh so với các nước khác trong những vùng biển gần và đẩy khu vực hoạt động của lực lượng Mỹ ra xa. Để triển khai hiệu quả học thuyết của mình, Trung Quốc tập trung xây dựng lực lượng phòng thủ ven bờ, tăng cường năng lực tàu ngầm, cải thiện khả năng phòng không, chiến tranh điện tử và phát triển tên lửa chống tàu, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo DF-21D. 

Hiện nay, các đồng minh của Mỹ đang có tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, khá lo ngại về A2/AD. Nếu Mỹ gặp khó khăn trong việc triển khai hạm đội đến khu vực thì Nhật sẽ phải đơn độc đối đầu với Trung Quốc nếu xảy ra xung đột liên quan đến nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Vì thế, giới quan sát cho rằng Tokyo đã âm thầm xây dựng chiến lược ứng phó A2/AD để tự vệ và hỗ trợ Washington.

Theo Defense News, trong học thuyết “quốc phòng linh hoạt” đang được xây dựng, Nhật xem lực lượng xâm lược trực tiếp tiềm tàng trong tương lai là Trung Quốc chứ không phải Nga như trước đây. Để ứng phó, Tokyo gần đây liên tục có động thái tăng cường khả năng chống ngầm (ASW) và không chiến bằng các tàu chiến hiện đại cùng máy bay do thám/cảnh báo sớm. Hồi tháng 8, Nhật cho hạ thủy tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo. Với độ choán nước 27.000 tấn, đây là tàu chiến lớn nhất của Nhật từ Thế chiến 2, có thể mang theo 15 trực thăng. Trước đó, Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) đã biên chế 2 tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga 20.000 tấn. Cả hai loại tàu này đều có khả năng chống ngầm và chống máy bay cực kỳ lợi hại. Để ứng phó tên lửa đối hạm, MSDF đang có ý định trang bị tàu khu trục lớp Atago có hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân của Mỹ.

Ngoài ra, Nhật vừa nhận 2 máy bay tuần tra biển P-1, nâng cấp trực thăng săn tàu ngầm SH-60K và triển khai một phi đội đến Okinawa. Tokyo còn đang tăng cường các khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), lên kế hoạch mua máy bay không người lái… Defense News dẫn lời chuyên gia Corey Wallace tại ĐH Auckland (New Zealand) nhận định: “Với những gì đã và đang tiến hành, Nhật xây dựng được cơ sở để tự vệ cũng như hỗ trợ dọn đường cho hải quân Mỹ can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào”.

Mặt khác, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang tích cực tìm cách tháo gỡ các rào cản về quân sự trong hiến pháp Nhật, đặc biệt là về lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Chỉ khi dỡ bỏ hoàn toàn hoặc tìm ra một cách diễn giải khác cho lệnh cấm trên thì Nhật mới có thể phối hợp với lực lượng Mỹ một cách thống nhất trong trường hợp xung đột.

Mỹ, Nhật sắp bàn hợp tác quốc phòng

Theo dự kiến, các bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng Nhật Bản và Mỹ sẽ tiến hành cuộc đối thoại an ninh 2+2 tại Tokyo vào ngày 3.10. Kyodo News dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cho hay hai bên sẽ thảo luận về hợp tác quốc phòng và việc cơ cấu lại lực lượng Mỹ ở Nhật trong bối cảnh tình hình mới ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa trình quốc hội đề xuất hợp đồng trị giá gần 1 tỉ USD nâng cấp radar cho máy bay cảnh báo sớm của Nhật.

Hợp tác quốc phòng - an ninh cũng là một trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Nhà Trắng vào ngày 27.9 (giờ địa phương). Ngoài ra, hai bên dự kiến thảo luận về tình trạng quan hệ song phương và đưa ra hướng hợp tác đầu tư - thương mại, theo hãng tin PTI.

Minh Trung

Học thuyết tác chiến không - biển

Để ứng phó chiến lược A2/AD, Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2011 thông qua học thuyết tác chiến không - biển (ASB) nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa không quân và hải quân, hướng đến việc tập trung sức mạnh chọc thủng lá chắn trên biển và ven bờ của đối phương.

Văn Khoa

>> Hai tàu chiến Nga hủy sứ mệnh Syria
>> Nga điều thêm ba tàu chiến đến Địa Trung Hải
>> Hải quân Mỹ rút bớt tàu chiến khỏi Địa Trung Hải
>> Tàu chiến Anh bắn cá voi vì tưởng là... tàu ngầm
>> Pháp, Nga đưa tàu chiến gần Syria
>> Pháp điều tàu chiến hiện đại đến gần Syria

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.