Quy hoạch và lãng phí

08/06/2014 03:00 GMT+7

Ở Việt Nam, các nhà quản lý đã ý thức được rất rõ tầm quan trọng của quy hoạch trong phát triển. Mọi quyết định chỉ được thực hiện khi phù hợp với quy hoạch được duyệt. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương các cấp đều đua nhau làm quy hoạch và xin phê duyệt quy hoạch.

Ở Việt Nam, các nhà quản lý đã ý thức được rất rõ tầm quan trọng của quy hoạch trong phát triển. Mọi quyết định chỉ được thực hiện khi phù hợp với quy hoạch được duyệt. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương các cấp đều đua nhau làm quy hoạch và xin phê duyệt quy hoạch.

Ngay cả sân golf cũng có quy hoạch, trồng trọt cây gì cũng có quy hoạch; ngành lớn, ngành bé và cái gì cũng cần quy hoạch. Về mặt lý luận, chắc chúng ta rất yên tâm rằng quy hoạch như vậy thì quá cẩn thận rồi, mọi việc tương lai đã được định liệu trước.

Nhìn lại, quy hoạch vừa qua của chúng ta đều dựa vào nhu cầu phát triển cần đạt được trong tương lai. Các nguồn lực như đất đai, tài nguyên thiên nhiên, lao động, tài chính, công nghệ cần phải tìm cách bố trí theo sao cho phù hợp. Riêng đất đai thì không lo vì đất nông nghiệp còn rất rộng, có thiếu thì cứ thu hồi thêm là đủ. Trên thực tế thực hiện quy hoạch, ai trong chúng ta cũng đều phải giật mình vì quy hoạch cẩn thận như vậy mà sao đất đai không được sử dụng ngay, để hoang hóa quá nhiều. Theo quy hoạch, đến cuối năm 2010 chúng ta triển khai được 267 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp với tổng diện tích 100.000 ha, tỷ lệ lấp đầy mới đạt 45%, nhiều khu đất vẫn còn để trống. Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có hơn 500 khu công nghiệp và 1.872 cụm công nghiệp, sử dụng tổng diện tích đất lên tới khoảng 276.000 ha. Cũng theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 30 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, 15 KKT ven biển với tổng diện tích hơn 2 triệu ha; đất đai cho phát triển đô thị cũng tăng lên tới 1,75 triệu ha. Hiện mới chỉ có vài KKT có sức sống, còn lại vẫn chờ đợi đầu tư. Trung bình, mỗi tháng có thêm một đô thị mới, nhưng đang có nhiều khu "đô thị ma" không người ở, nhiều khu thiếu sức sống, bất động sản tồn đọng rất nhiều. Trong khi đó, những người nông dân mất đất vẫn chưa tìm được sinh kế mới, nghèo đói vẫn cận kề, phải đi thuê lại đất của mình đã bị thu hồi trước. Quy hoạch được chăm lo rất cẩn thận như vậy mà sao đất đai lại bị lãng phí lớn đến thế? Hình như phương pháp luận về quy hoạch của ta chưa ổn?

Vừa qua, ta đang quy hoạch theo sự "lãng mạn" của lãnh đạo, đặt ra chỉ tiêu phát triển trước rồi đất đai cứ thế mà phải thu hồi theo yêu cầu. Đất đai cũng không được bố trí cân đối với lượng vốn đầu tư có thể tiếp cận, cũng như với nguồn nhân lực eo hẹp hiện có và kể cả năng lực công nghệ cần có.

Nhìn sang các nước phát triển, quy hoạch được hiểu là bài toán phát triển sao cho sử dụng tiết kiệm nhất các nguồn lực rất eo hẹp, gây ảnh hưởng ít nhất về nghèo đói và ô nhiễm môi trường, trên nguyên tắc tạo được sự đồng thuận xã hội cao dựa vào cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý từ thụ hưởng kết quả đầu tư. Họ không có tình trạng mất đồng bộ giữa các nguồn lực, dự án nào được duyệt cũng khớp được cả đất đai, khả năng tài chính, nhân lực và công nghệ. Điểm nhấn của quy hoạch phải là đưa ra phương án sử dụng nguồn lực tiết kiệm nhất, chứ không phải là mặc sức vẽ cho bước tranh tương lai thật đẹp, thật thơ mộng.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ

>> Nghịch lý quy hoạch
>> Đừng để dân sống mòn vì quy hoạch treo
>> Gánh nặng từ các khu công nghiệp quy hoạch tràn lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.