Mô hình tổ an ninh tự quản

25/09/2013 10:01 GMT+7

'Trước kia, khi chưa có Tổ an ninh tự quản (ANTQ), cứ đến mùa thu hoạch nông sản, nhà nào ở thôn cũng đối mặt với nạn trộm cắp . Đến nay, buổi tối mở cửa ngủ cũng không lo gì đến tài sản', ông Hoàng Ngọc Kím (68 tuổi), Thôn trưởng thôn 9, xã Long Bình, H.Bù Gia Mập (Bình Phước) nhận định.

 An ninh tự quản
Tổ ANTQ thôn 9 được chọn làm mô hình để triển khai trên địa tỉnh Bình Phước - Ảnh: Phước Hiệp

Cột cách làm hay

Thôn 9 có 321 nhân khẩu sinh sống, trong đó 70% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chủ yếu bằng nghề làm vườn rẫy với cây trồng điều, cà phê, cao su… Trên địa bàn có nhiều tuyến đường nối với các thôn, xã lân cận. Lợi dụng điều này, nhiều năm qua cứ vào mùa vụ thu hoạch nông sản, nhiều đối tượng khắp nơi đổ về trộm cắp, phá hoại cây trồng. Ông Hoàng Ngọc Kím nhớ lại: “Lúc trước, đi đến đâu cũng nghe dân phàn nàn chuyện bị mất trộm. Của cải làm ra phải đánh đổi bằng bao nhiêu mồ hôi nước mắt, ấy vậy mà cứ bị kẻ xấu trộm cắp, nên ai cũng bức xúc”.

Từ thực tế đáng buồn nay, năm 2000, Ban điều hành thôn 9 đã lựa chọn, vận động 3 thanh niên trong thôn tình nguyện tham gia bảo vệ công tác an ninh. Hoạt động được 3 năm triệt phá được hàng chục vụ trộm cắp, thấy mô hình hiệu quả nên bà con trong làng vận động thêm 3 thanh niên tham gia cho đến nay. Chị Dũng Thị Quế (30 tuổi), Chị hội trưởng Hội Phụ nữ thôn 9 chia sẽ: “Trước đây rẫy điều nhà tôi mỗi năm thường thất thoát đến 1 tấn điều. Nhưng từ khi có tổ ANTQ, rẫy điều được bảo vệ tốt, chẳng bị mất cắp hạt nào”.

 An ninh tự quản 2
Họp bàn công tác ANTQ - Ảnh: Phước Hiệp

Hàng ngày, các thành viên trong tổ tập hợp tại nhà tổ trưởng để phân công nhiệm vụ trước khi tuần tra. Khi phát hiện đối tượng trộm cắp, tổ ANTQ cùng nhau vây bắt. Gặp anh Trần Sư Minh, Tổ trưởng Tổ ANTQ thôn 9 sau đêm tuần tra, anh nói: “Đó là chuyện bình thường, mất ngủ một đêm để giữ tài sản của mình và cộng đồng là việc cần làm. Các thành viên tham gia tổ an ninh tự quản với tinh thần trách nhiệm phục vụ dân làng là chính”.

Cần nhân rộng mô hình

Khi thấy mô hình hiệu quả các hộ dân đã đồng tình góp ít tiền xây dựng quỹ. Ban đầu từ 50.000 đồng/năm lên 100.000 đồng rồi tăng 150.000 đồng và hiện nay mỗi hộ tự nguyện góp 200.000 đồng/năm. Có những hộ tự nguyện góp 500.000 đồng/năm cho quỹ vì thấy an ninh tốt, mùa màng được bảo vệ an toàn. Để nguồn quỹ sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, tất cả hoạt động thu chi đều được niêm yết trên bảng công khai nguồn quỹ đóng góp của các hộ dân tại trụ sở thôn 9.

Với những kết quả đạt được, vừa qua Tổ ANTQ thôn 9 đã vinh dự được UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh nông thôn. Thượng tá Lê Đức Long-Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Tổ ANTQ thôn 9 đã nêu cao được tinh thần bảo vệ an ninh tổ quốc trong nhân dân, đã làm sống dậy tình đoàn kết thôn, xóm. Đặc biệt mô hình này góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới”.

Cũng theo thượng tá Long, hiện UBND xã Long Bình cũng đã cấp thẻ hành nghề cho các thành viên tổ ANTQ. Công an tỉnh đã khảo sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó sắp tới sẽ xây dựng hoàn thiện thành lực lượng an ninh bán chuyên nghiệp để nhân rộng mô hình này về các địa phương khác trong tỉnh.

Phước Hiệp

>> Trộm cắp nông sản náo loạn miệt vườn
>> Cần mở lối cho nông sản
>> Nông sản oằn lưng cõng phí 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.