Bịa đặt hiệp hội để khống chế thị trường

10/08/2013 10:23 GMT+7

11 công ty, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tự bịa ra Hiệp hội các nhà phân phối khí hóa lỏng (LPG) Quảng Nam - Đà Nẵng để vu khống sản phẩm gas mới và ngang nhiên tuyên bố chấm dứt bán gas cho các đại lý bán lẻ sản phẩm gas của đối thủ.

Bịa đặt hiệp hội để khống chế thị trường

11 công ty, DNTN tự bịa ra Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam - Đà Nẵng vu khống Vgas - Ảnh: Nguyễn Tú

Hiệp hội “ma”

Vừa qua, 11 công ty, DNTN là tổng đại lý của một số hãng gas soạn thư lấy danh nghĩa Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam - Đà Nẵng loan báo Công ty TNHH SCT Gas Việt Nam (thương hiệu Vgas, PMgas, Picnic gas) thu gom vỏ bình gas Petrolimex, Origin, VT, ELF và Pet gas đến 200 đại lý bán lẻ gas ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Tuy nhiên, thay vì đề nghị cơ quan chức năng như Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường làm rõ, thì Hiệp hội này lại rải tờ rơi đến đại lý bán lẻ và khẳng định một số nhãn hiệu gas mới thâm nhập thị trường sử dụng logo tương tự và vỏ bình màu xanh để đánh lừa người tiêu dùng, “tố” nhiều đơn vị dùng tiền và phiếu thưởng để tước đoạt khách hàng.

Điều này khiến người tiêu dùng và đại lý bán lẻ gas hoang mang. Điều bất thường là tuy xưng Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam-Đà Nẵng nhưng không có con dấu riêng và chữ ký của chủ tịch hiệp hội mà chỉ đóng dấu và chữ ký của 11 công ty CP Xây dựng 591 (KCN Liên Chiểu), CN công ty TNHH Trường Sáng (172 Tôn Đức Thắng), công ty TNHH Đức Hải (45.B2/14 Phần Lăng 2), công ty TNHH Gas Lâm Sơn (287 Điện Biên Phủ), công ty TNHH Anh Bửu (1039 Ngô Quyền), công ty TNHH Sơn Trung (134 Nguyễn Đình Chiểu), công ty TNHH TMDV Trung Đông (12B1 KDC 4 Nguyễn Tri Phương), DNTN Kiều Trâm (thôn Giáng Nam, xã Hòa Phước, H.Hòa Vang), công ty TNHH Vũ Tiến (tổ 50 P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, cùng tại TP.Đà Nẵng) và công ty CP Gas Phúc Tín (683 Phan Châu Trinh), công ty TNHH MTV Gas Chính (565 Phan Châu Trinh, cùng tại TP.Tam Kỳ, Quảng Nam).

Để “bêu gương”, đến tháng 7, Hiệp hội này ngang nhiên ra quyết định yêu cầu các tổng đại lý (11 công ty, DNTN trong hiệp hội) chấm dứt hợp đồng phân phối LPG đối với đại lý gas Dũng Tuyết (Tam Đàn, Phú Ninh) và Tấn Lĩnh (Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) vì tiếp tục bán sản phẩm Vgas.

Chưa dừng lại, Hiệp hội còn cho biết đã thông báo với Sở Công thương Quảng Nam để 2 đại lý trên không thể tiếp tục bán lẻ gas Petrolimex, Origin, VT, ELF và Pet gas. Còn đối với các đại lý ngừng phân phối Vgas thì thì Hiệp hội bán hàng trở lại.

Lộng quyền

Ông Nguyễn Văn Lũy, chủ cửa hàng gas Tấn Lĩnh cho biết công ty CP gas Phúc Tín ngừng cung cấp thì ông lấy hàng của đơn vị khác. “Thị trường có nhiều loại gas mới, giá và chương trình khuyến mãi hấp dẫn, người ta kinh doanh đàng hoàng, sản phẩm an toàn thì mình trưng bày và bán thêm kiếm thêm mỗi tháng vài trăm ngàn đồng thôi chứ sao hiệp hội gì lại hùa vào cắt hàng của nhà bán lẻ” - ông Lũy nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Uyên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SCT Gas Việt Nam, 11 công ty, DNTN tự xưng là Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam-Đà Nẵng vu khống Vgas thu gom vỏ bình nhãn hiệu gas khác là vô lý bởi quy mô sản xuất vỏ bình LPG của công ty là 250.000 bình/năm, số lượng vỏ bình LPG loại 12 và 45 kg công ty đã đưa ra thị trường là 800.000 bình, không thua kém bất cứ hãng gas nào khác.

Bà Uyên khẳng định Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam - Đà Nẵng không thể nói sản phẩm gas của SCT Gas đánh lừa người tiêu dùng, tuy Vgas mới xuất hiện ở miền Trung nhưng SCT Gas Việt Nam đã kinh doanh LPG từ 1999 với vốn đầu tư nước ngoài 18 triệu USD cùng tổng kho LPG 2.000 tấn ở Đồng Nai, hệ thống nhà máy chiết nạp 200 - 500 tấn ở nhiều tỉnh thành...

“Nếu chúng tôi kinh doanh sai quy định pháp luật thì cơ quan chức năng xử lý chứ sao 11 công ty, DNTN lại tự cho quyền gửi thư vu khống chúng tôi đến các đại lý phân phối và gây sức ép cấm các đại lý bán Vgas” - Bà Uyên nói.

Trong khi đó, Sở Công thương TP.Đà Nẵng cũng như Quảng Nam đều cho hay chưa nhận được bất kỳ đơn thư của hiệp hội hay doanh nghiệp LPG nào kiến nghị về việc cạnh tranh không lành mạnh.

“Nếu muốn khuyến cáo về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng hay gian lận thương mại thì doanh nghiệp hay người dân phát hiện nên trình báo cơ quan chức năng để được xác minh làm rõ, khi có kết luận chính thức chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi để mọi người được biết, chứ công ty nào cũng tự cho mình quyền lập hiệp hội rồi vu khống đơn vị khác thì loạn cả” - Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Quảng Nam nói.

Sở Công thương TP.Đà Nẵng và Quảng Nam cũng khẳng định hoàn toàn không có hiệp hội nào là Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam Đà Nẵng, việc 11 công ty, DNTN nói trên tự bịa ra hiệp hội, buộc tổng địa lý không bán hàng cho đại lý con hay thông báo với Sở Công thương Quảng Nam để 2 đại lý Dũng Tuyết và Tấn Lĩnh không được tiếp tục bán lẻ một số loại gas là lộng quyền.

“Bởi lẽ các đại lý đã được Sở Công thương Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG, chỉ khi cơ quan chức năng xác định bằng chứng vi phạm mới được rút phép” - Ông Lâm nói.

Chúng tôi liên hệ với ông Ngô Tấn Vũ Hùng, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trung Đông, một trong số công ty đóng dấu ký tên vào thư vu khống SCT Gas thì ông Hùng cũng thừa nhận là không có Hiệp hội các nhà phân phối LPG Quảng Nam-Đà Nẵng mà chỉ do 11 tổng đại lý lập ra với nhau.

Ông Lâm còn cho biết thêm việc 11 công ty, DNTN tự xưng hiệp hội và cấm đại lý bán lẻ sản phẩm của Vgas hay bất kì mặt hàng nào khác là hoàn toàn sai trái bởi mọi thành phần kinh tế hội đủ điều kiện thì được quyền phân phối ở bất kỳ nơi đâu, không có chuyện ngăn sông cấm chợ.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.