Rủi ro nghề quản thú - Kỳ 1: Khó như chăm cọp luyện voi

01/01/2014 16:10 GMT+7

(TNO) Hằng ngày tiếp xúc với các loài thú, hiểu rõ đặc điểm, sở thích của từng con nên những người chăm sóc thú coi chúng như những người bạn. Thế nhưng nghề này có lắm rủi ro vì những 'người bạn' ấy cũng nắng mưa thất thường lắm.

(TNO) Hằng ngày tiếp xúc với các loài thú, hiểu rõ đặc điểm, sở thích của từng con, những người chăm sóc thú (hay còn gọi là quản thú) coi chúng như những người bạn. Thế nhưng nghề này có lắm rủi ro vì những "người bạn" ấy cũng nắng mưa thất thường lắm.

>> Vụ voi ở Đại Nam quật chết nhân viên: Hỗ trợ gia đình nạn nhân thêm 450 triệu đồng
>> Voi ở Đại Nam quật chết nhân viên vườn thú

Những người bạn của thú 3
Khách xem voi - Ảnh: Hà Minh

Kỳ 1: Khó như chăm cọp luyện voi

Khi cọp... dỗi hờn

Phía sau chuồng ép (chuồng nhỏ, chuồng phụ, nối liền với khu chuồng chính - NV) có cửa sổ ngăn bằng song sắt, ông Trần Minh Tâm (55 tuổi) đưa tay lên và gọi “Sám!”, con cọp đang đi tới đi lui phía sân chơi dừng lại, xoay mình nhìn về phía người quản thú và lững thững đi vào phía chuồng ép. Sau khi cọp vào chuồng, ông Tâm chốt cửa cẩn thận rồi bắt đầu làm vệ sinh sân chơi. Đây là công việc đầu tiên của ông trong một ngày.

Ông Tâm chia sẻ, việc nuôi thú dữ đều được tiến hành theo quy trình, khi nhốt thú phải khóa chốt an toàn mới làm vệ sinh chuồng, sau đó nhốt thú vào chuồng ép và làm vệ sinh sân chơi. Nguyên tắc là tránh tiếp xúc trực tiếp với thú.

Ông Tâm cũng cho biết trong suốt 24 năm gắn bó với nghề chăm sóc cọp ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TP.HCM), ông biết rõ từng đặc điểm, sở thích, tâm trạng của "đám bạn". Ông đặt tên cho từng con cọp để dễ gọi khi cần nhốt thú vào chuồng, làm vệ sinh, hoặc cho cọp ăn.

“Trong số này, con Nhất và con Nhị rất ghét bị du khách trêu chọc. Chúng thường giận dữ chồm lên tường kính để phản ứng lại”, ông Tâm nói.

Thường, tuổi cọp trưởng thành là từ 3 đến 15 tuổi, thời điểm này, cọp năng động, đi lại liên tục và thích mài móng. Sau độ tuổi trên, cọp ít đi và hay nằm, đến nỗi như ông Tâm kể, có những con móng quá dài, ông phải cùng bộ phận thú y gây mê để cắt móng cho cọp, không để móng đâm vào thịt, làm cọp đi lại khó khăn.

Những người bạn của thú 1
Ông Tâm cho biết con Nhất và con Nhị này rất hay giận dữ khi khách đùa giỡn - Ảnh: Hà Minh

Cọp ăn uống rất "khủng", lúc ăn cũng rất dữ tợn, nên con nào nhốt trước, mới được cho ăn trước. Vì nếu để ăn chung, chúng sẽ tranh cướp nhau, dễ dẫn đến xô xát. Cọp ăn khoảng 7 kg thịt mỗi ngày, trong tình trạng khỏe mạnh.

“Cọp là loài thú dữ nhưng cũng có những lúc rất hiền lành, nhất là những khi thấy mình sắp cho nó ăn, hoặc lúc nó muốn có thức ăn, lúc mình sắp đưa nó ra sân chơi... Những lúc ấy, nó thân thiện lắm”, ông Tâm chia sẻ.

Ông Tâm nói, khổ nhất là lúc thú bị bệnh, bỏ ăn, chảy nước mắt, mũi, mắt có ghèn, ngáp nhiều. Những lúc này, khó nhất là dụ cọp uống thuốc, vì cọp bắt mùi rất tinh. Trường hợp chích thuốc, có con gặm luôn cả ống thuốc.

Hiện ông Tâm đang chăm sóc 6 con cọp. Chúng được tách ra nuôi từng chuồng riêng.

Nhiều năm quản các chuồng cọp, ông Tâm ngậm ngùi khi nhắc về những con cọp chết vì già yếu: “Tôi nhớ nhất là con Pho, đây là con rất dữ nhưng lại rất nghe lời tôi, chỉ cần đứng phía sau chuồng ép giơ tay là cọp liền vào chuồng”.

“Là thú dữ nhưng có những con lại có biểu hiện quý mến mình. Có những con khi mình gọi nó đến ăn thì nó cạ vào song sắt rồi để yên cho tôi vuốt đầu”, ông Tâm nói thêm.

Linh trưởng "siêu cứng đầu"

Trong các nhóm thú thì nhóm linh trưởng thuộc hàng thông minh bậc nhất. Anh Nguyễn Hoàng Minh (32 tuổi) người được phân phụ trách nhóm linh trưởng của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết có nhiều con như dã nhân, đười ươi... là “cứng đầu” nhất trong nhóm linh trưởng. Nên việc dụ dỗ chúng vào chuồng ép để dọn vệ sinh khu vực sân chơi là rất khó.

Anh Minh cũng chia sẻ, các loài linh trưởng thường dễ bị cảm, sổ mũi. Việc cho chúng uống thuốc thường rất khó vì phải "trộn" vào các loại trái cây. “Chúng tôi phải hạn chế chích thuốc cho chúng vì linh trưởng dễ bị stress và nếu nhớ mặt người chích thì lần sau chúng rất ghét”, anh Minh nói.

Mấy năm gắn bó với linh trưởng, anh Minh biết sở thích uống nước ngọt của dã nhân, vượn... Nên lần nào muốn dụ chúng vào chuồng ép, anh Minh phải ném một chai nước ngọt vào chuồng ép.

Đười ươi, dã nhân cũng thường tỏ ra giận dữ khi bị trêu chọc. “Du khách hay trêu chọc nên thú lấy đồ ăn là leo lên thành và ném trả lại. Nhiều lúc tôi đang ăn thì đười ươi cũng sấn đến banh miệng tôi ra để lấy bằng được thức ăn”, anh Minh kể.

Những người bạn của thú 2
Cho voi ăn ở Thảo Cầm viên - Ảnh: Hà Minh

Bị "voi vật" 

Chúng tôi gặp ông Trần Văn Tư (55 tuổi), tổ trưởng tổ chăm sóc voi của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, trong ngày cuối năm 2013. Vừa dõi theo đàn voi đang thong dong đi lại trong khoảng sân sau khi biểu diễn, ông Tư vừa nói: "Hơn 30 năm nay tôi chăm sóc cho đàn voi, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ và cũng không ít lần bị voi quật văng ra xa".

Hiện tại, đàn voi mà ông Tư coi sóc có 6 con, vẫn biểu diễn cho khách xem vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

“Sáng nào vào chuồng kiểm tra, nếu voi múa tới múa lui thì bình thường, còn nếu voi không linh hoạt, xụ vòi xuống, đứng im, mắt lim dim, đó là biểu hiện bất thường. Mùa giống của voi từ giữa tháng 3 đến tháng 5, mùa này voi thường rất dữ tợn, đặc biệt là voi đực”, ông Tâm cho biết.

Khi voi dựng hai tai lên, mắt trợn, thì đó là lúc voi đang giận dữ. Trong các trường hợp nguy cấp thì phải chạy ra xa chỗ đó, càng nhanh càng tốt, ông Tư cho biết.

Ông Tư chia sẻ, có những tình huống bị voi tấn công rất bất ngờ. Nhiều người sơ ý, tuy voi đứng xa nhưng khi thấy người đi sát chuồng nó thì bị nó quật, có khi bị văng ra cửa.

“Hồi đó, có 3 con voi tranh đầu đàn nên chúng đánh nhau, có khi mình ra can thiệp nhưng tránh không kịp, nó đạp mình bị thương, phải khâu mấy mũi”, ông Tư nhắc lại một lần bị voi quật.

Việc huấn luyện voi lại càng không phải đơn giản, ông Tư cho biết một con voi muốn biểu diễn một động tác như tập đá banh, đi qua cầu, thổi kèn, lắc chuông, ngồi… phải mất thời gian gần cả năm mới làm được.

“Đó là không kể nhiều lúc đang diễn có con voi bỏ chạy, chúng tôi phải đuổi theo bắt lại. Với bản chất hoang dã, nó có thể nóng giận bất thường, nên lúc nào cũng phải để ý, không chủ quan. Nhiều trường hợp, mình cho ăn mà nó tiến lại gần, nếu mình la mà hai lỗ tai nó dựng lên, mắt lườm, vòi để yên, là phải coi chừng”, ông Tư nói. (Còn tiếp)

Nhiều tai nạn đáng tiếc

Ngày 5.9.2003, bà Kiều Thị Phương, người làm công cho câu lạc bộ Hương Quê (Bình Chánh, TP.HCM), bị gấu cắn đứt hai cánh tay khi đang vệ sinh chuồng trại.

Ngày 7.10.2005, trong lúc cho gấu ăn, ông Trần Hoàng Lộc (phường Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM) bị hai con gấu tấn công làm thiệt mạng.

Ngày 20.6.2007, con gấu của ông Nguyễn Văn Lục (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) bị sổng chuồng, tấn công làm chủ nuôi và bác sĩ thú y bị thương nặng.

Ngày 10.9.2009, con hổ của Vườn thú Đại Nam (Bình Dương) nhảy ra khỏi chuồng vồ chết ông Nguyễn Công Danh (47 tuổi) và làm bị thương nặng anh Nguyễn Thanh Giàu (21 tuổi).

Ngày 23.12.2013, anh Đoàn Hữu Tài, nhân viên khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), bị một con voi ở vườn thú Đại Nam quật chết.

Vũ Bằng
(tổng hợp)

Kỳ 2: Chích thuốc cho cá sấu ly kỳ như phim kiếm hiệp

Hà Minh

>> Voi tấn công quản tượng ở Mỹ
>> Vườn thú quốc tế tặng rùa Trung bộ cho VN
>> Bầy sói giết nhân viên vườn thú
>> Chó sói vồ chết nữ nhân viên vườn thú
>> Thú nuôi tại vườn thú từng chết vì gặp khách “quậy”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.