Cây rừng về phố

26/06/2013 10:18 GMT+7

Trong quá trình đô thị hóa, do phải sống trong không gian chật hẹp nên người dân thành phố rất “thèm” cây xanh. Và những cây rừng cổ thụ với dáng vẻ độc đáo là thứ “không thể thiếu”trong khuôn viên biệt thự của các đại gia giàu có.

Săn lùng kiểng độc

Đa phần những người chơi kiểng cổ thụ hiện nay đều thích những cây có hoa đẹp, sống lâu năm như hoa sữa, nguyệt quế; cây có tên đẹp, mang ý nghĩa tâm linh như lộc vừng, mai vàng, sanh, sộp; cây có ý nghĩa tôn giáo như sa la, bồ đề… Ngoài ra, nhiều người còn tìm cây có trái ngon để trồng trong sân vườn như sa kê, vú sữa, me, khế…

Cây rừng về phố
3 người thợ phải mất cả ngày để đào gốc kiểng này

Xuất phát từ phong trào chơi cây cảnh, một số anh em có máu nghề đã không ngại gian khổ săn tìm những cây to, có dáng độc đáo mang về cắt tỉa, thay đổi “diện mạo” để cung ứng cho các công trình với giá rất hấp dẫn. Để thu gom được cây kiểng có chất lượng, nhiều người đã lùng sục khắp nơi, hễ phát hiện nơi nào có “hàng độc” là họ tìm đến ngay. Chính vì vậy mà thị trường kiểng gốc, kiểng rừng hiện nay đang trở nên rất sôi động. Tại các huyện miền núi ở 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang, kể cả nơi hải đảo, phong trào chơi cây rừng cũng không kém phần sôi nổi. Nhiều người mê kiểng đã không ngại vào rừng, lên núi để tìm cho được những cây lạ, đẹp thuộc dạng “kỳ mộc” đem về nuôi dưỡng chờ ngày “lên phố”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để săn tìm những cây tầm cỡ. Ngoài việc đầu tư vốn liếng còn phải có tay nghề lão luyện, trình độ kỹ thuật cao, đặc biệt là kỹ năng cắt tỉa, uốn sửa, tạo dáng để biến một cây rừng hoang dại thành cây cảnh nghệ thuật với những đường nét độc đáo. Có như vậy mới có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng và bán được giá cao. Theo anh Cao Ngọc Nhẫn, Chủ nhiệm CLB bonsai Cần Thơ, kiểng cổ thụ không sợ thiếu đầu ra mà chỉ lo cây không đạt tiêu chuẩn. Theo anh, cây đẹp trước hết phải có dáng vẻ già giặn, cổ kính, gốc rễ lạ, thân hình vặn vẹo kỳ thú, nhìn vào là ấn tượng ngay.

Cây rừng về phố
Cây sanh cổ thụ - một loại kiểng rừng đã uốn sửa hoàn chỉnh, trị giá bạc tỉ

Nhiều rủi ro

Để có được một gốc kiểng cổ thụ, người đi “săn” phải trải qua một quá trình khá gian nan. Họ phải đi tìm ở khắp nơi, ngã giá, sau khi mua được mới tìm cách hạ những gốc cây rừng nặng hàng tấn, tỉa bớt cành lá, bó gốc, vận chuyển qua đoạn đường dài bằng đủ các phương tiện như tàu, ghe, xe cần cẩu… Về đến nơi phải cắt, gọt và xử lý sao cho cây sớm ổn định. Nếu làm không khéo để cây bị tổn thương, thúi rễ, khô vỏ thì coi như đứt vốn. Sau một thời gian chăm sóc, nếu cây bảo đảm sống, anh em mới ký hợp đồng và đảm trách luôn việc vận chuyển, hạ thổ và tiếp tục chăm sóc cho đến lúc bàn giao.

Tại các địa bàn nông thôn và miền núi hiện nay, nông dân đã chặt phá và đốn bỏ quá nhiều cây để chuyển dịch cây trồng vật nuôi khiến cho nguồn cây rừng cạn kiệt. Thêm vào đó, chính sự săn lùng ráo riết của các nghệ nhân và thương lái đã khiến cho nhiều loại cây rừng có giá trị thẩm mỹ cao hiếm dần và đẩy giá tăng cao. Do vậy, việc khai thác, sưu tầm, chăm sóc cây rừng để cung cấp cho các công trình cần phải có tính toán dài lâu.

Thiết nghĩ,  ban quản lý công viên cây xanh ở mỗi địa phương cũng nên bắt tay với các nghệ nhân bố trí cây trồng để vừa làm đẹp cảnh quan, vừa bảo tồn sinh vật cảnh ở địa phương, tuyệt đối không được khai thác bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên.

Hoài Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.