Cải cách thi ĐH ở Nhật

28/09/2013 03:00 GMT+7

Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” của Bộ GD-ĐT Việt Nam lần này đặt trọng tâm vào đổi mới thi cử, có thể lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Trong khi đó, nước Nhật cũng đặt vấn đề đổi mới kỳ thi tuyển sinh đại học vốn hết sức căng thẳng.

Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” của Bộ GD-ĐT Việt Nam lần này đặt trọng tâm vào đổi mới thi cử, có thể lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Trong khi đó, nước Nhật cũng đặt vấn đề đổi mới kỳ thi tuyển sinh đại học vốn hết sức căng thẳng. 

Nhiều kỳ thi đại học

 
Học sinh Nhật dự thi đại học năm 2012  - Ảnh: The Japan Times

Theo trang tin University World News, dự kiến Hội đồng Thực hiện chấn hưng giáo dục Nhật sẽ trình kết quả thảo luận những đề xuất cải cách thi đại học (ĐH) cho Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 10 này. Trong đó có đề xuất sẽ để học sinh phổ thông làm bài thi ĐH qua nhiều đợt kiểm tra đánh giá thành tích trong năm thay vì chỉ một kỳ thi ĐH tập trung sau khi kết thúc chương trình như hiện nay. Theo báo The Japan News, nhiều bài kiểm tra sẽ giúp học sinh có cơ hội nộp kết quả tốt nhất tới trường ĐH mà học sinh chọn. Các trường ĐH sẽ dùng kết quả này cùng bài kiểm tra riêng của trường để đưa ra quyết định có nhận thí sinh hay không.

Trong khi đó, theo hệ thống thi hiện nay, học sinh Nhật muốn vào ĐH phải trải qua một kỳ thi căng thẳng diễn ra vào tháng 1 mỗi năm. Sau đó, thí sinh dùng kết quả thi cùng thành tích học tập phổ thông để nộp đơn xin dự kỳ kiểm tra riêng của các trường ĐH công. Kỳ kiểm tra riêng diễn ra vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Tham gia kỳ kiểm tra này, sinh viên không phải làm bài thi trắc nghiệm như thi ĐH mà sẽ viết bài luận và phỏng vấn. Các trường sẽ dựa vào tổng số điểm của hai đợt thi để quyết định nhận thí sinh hay không.

Đào tạo nhà nghiên cứu hàng đầu hay người sáng tạo ?

Giải pháp để học sinh làm bài kiểm tra ĐH nhiều lần ngay ở bậc học phổ thông được cho là sẽ giúp học sinh ít bị căng thẳng hơn so với kỳ thi ĐH một lần như hiện nay.

Ông Masashi Kudo, một quan chức giáo dục Nhật, đánh giá mục tiêu của cách làm mới là nhằm nâng cao khả năng học thuật của học sinh. Chuyên gia Kazuo Maruyama tại Công ty nghiên cứu Benesse cho rằng cách làm nói trên sẽ buộc học sinh phải nỗ lực nhiều hơn để có điểm số tốt nếu muốn vào được các ĐH danh tiếng.

Tuy nhiên, ông Maruyama nhận định với University World News rằng việc tiếp tục tập trung vào điểm số không phải là điều cần thiết cho một cuộc cải cách giáo dục triệt để tại Nhật. Ông chỉ ra: “Giáo dục ĐH Nhật Bản từ lâu tập trung đào tạo những nhà học thuật, trở thành những nhà nghiên cứu hàng đầu hơn là những người sáng tạo ở nơi làm việc. Những thay đổi vẫn chưa thể thoát khỏi khuynh hướng này”.

Nhiều giáo viên cũng bày tỏ quan ngại, đặc biệt về ý tưởng cho học sinh cơ hội làm bài kiểm tra vào ĐH trong lúc học phổ thông. Ông Ryoichi Oikawa, người đứng đầu Hiệp hội Hiệu trưởng trường phổ thông quốc gia của Nhật, cảnh báo: “Khả năng làm bài thi ĐH trong trường phổ thông sẽ khiến học sinh học chỉ vì làm bài kiểm tra”. Do đó, những mặt quan trọng của giáo dục, như đam mê học tập và thúc đẩy phát triển nhân cách, sẽ rơi xuống vị trí số 2.  

Minh Trung

>> Hàng ngàn giáo viên Mexico biểu tình phản đối cải cách giáo dục
>> CHDCND Triều Tiên cải cách giáo dục
>> Đề xuất lập ủy ban cải cách giáo dục
>> Cải cách giáo dục năm 2015, chưa bắt đầu sẽ không kịp
>> Cải cách giáo dục, bài toán nan giải của Pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.