Đổi mới tuyển sinh đại học - Kỳ 2: Một bài thi đánh giá nhiều năng lực

04/12/2013 03:09 GMT+7

Với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng ngân hàng đề thi riêng và thí sinh thi vào ĐH này chỉ làm một bài thi đánh giá tổng hợp nhiều năng lực kết hợp với phỏng vấn.

Với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng ngân hàng đề thi riêng và thí sinh thi vào ĐH này chỉ làm một bài thi đánh giá tổng hợp nhiều năng lực kết hợp với phỏng vấn.

Đổi mới tuyển sinh đại học
Thí sinh dự thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2013. ĐH này chuẩn bị trình Bộ phương án tuyển sinh riêng với hình thức thi khác hoàn toàn trước đây - Ảnh: Ngọc Thắng

>> Đổi mới tuyển sinh đại học - Kỳ 1

Hiện ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Dự kiến kỳ thi tuyển sinh năm 2014, ĐH này sẽ áp dụng phương pháp tuyển sinh mới đối với thí sinh dự thi vào các chương trình đào tạo đặc biệt. Nếu hiệu quả, phương pháp này sẽ được áp dụng đại trà cho toàn bộ thí sinh thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2015.

 

Bài thi này không áp dụng thuần túy theo mô hình nào của quốc tế mà nó được ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng để phù hợp với học sinh Việt Nam

Vũ Viết Bình - Phó ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội

Không có môn thi cụ thể

PGS-TS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết theo đề án tuyển sinh riêng mà trường đang xây dựng, thí sinh sẽ không thi theo môn mà sẽ có một bài thi đánh giá năng lực kết hợp với phỏng vấn và xét duyệt hồ sơ. Với phương án này, thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp qua 10 năng lực cốt lõi như ngôn ngữ, tư duy logic… ở nhiều lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến xã hội… Thời gian làm bài thi này khoảng từ 4 - 4,5 giờ. Bài thi không có môn thi cụ thể nhưng các kiến thức phổ thông sẽ được chuyển tải và đánh giá qua các câu hỏi cụ thể.

Theo ông Vũ Viết Bình, Phó ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, bài thi do Viện Đảm bảo chất lượng của ĐH này xây dựng với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, lấy từ ngân hàng câu hỏi đã được khảo sát, đánh giá để đảm bảo kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh. “Bài thi này cũng không áp dụng thuần túy theo mô hình nào của quốc tế mà được ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng để phù hợp với học sinh Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia đã tính đến các yếu tố như: tâm sinh lý lứa tuổi, kiến thức trung học phổ thông…”, ông Bình thông tin.

Thi nhiều lần trong năm

 

8 trường và khoa thành viên

ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh trong cả nước, những năm gần đây, số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào trường thường dao động trên dưới 30.000. Chỉ tiêu tuyển năm 2013 của ĐH này là hơn 5.400. ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 8 trường và khoa thành viên. Cụ thể là 6 trường: ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Công nghệ, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Giáo dục và 2 khoa: Luật, Y dược.

Tuệ Nguyễn
(tổng hợp)

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, năm 2014 ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn tổ chức thi "3 chung" (chung đề, chung đợt, dùng chung kết quả tuyển sinh) như lâu nay nhưng dự kiến thí điểm tổ chức tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực như đã nêu trong đề án ở một số chương trình đặc biệt như chất lượng cao, cử nhân tài năng, tiên tiến. Trước đây, các thí sinh này được đánh giá bằng kết quả thi ĐH theo đề thi chung, kết quả học tập THPT và kiểm tra tiếng Anh. Năm 2014, ĐH này sẽ bổ sung phương pháp xét tuyển mới là bài thi đánh giá năng lực.

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có phương án sẽ tổ chức thi thí điểm hình thức trên trước hoặc sau kỳ thi “3 chung” của Bộ GD-ĐT để nhiều thí sinh có thể tham gia. Việc thí điểm này sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Tham gia kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, các thí sinh vẫn có thể thi theo “3 chung” và vẫn được đăng ký vào các chương trình đào tạo đặc biệt của ĐH này.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết trong tháng 12.2013, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ trình đề án lên Bộ. Nếu được phê duyệt thì trước tháng 3.2014, ĐH này sẽ công bố công khai các thông tin về bài thi để thí sinh có thời gian nghiên cứu chuẩn bị cho kỳ thi. Sau một năm thí điểm, đến năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai đại trà phương thức thi này. Khi đó, thí sinh sẽ tham gia bài thi đánh năng lực và có thể thi rải rác trong năm. Mỗi năm trường sẽ tổ chức 2 lần nhập học.

Ông Sơn cũng thông tin thêm để tham gia kỳ thi này, thí sinh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua tìm hiểu cấu trúc bài thi đánh giá năng lực. “ĐH Quốc gia Hà Nội cũng sẽ có phương án hỗ trợ thí sinh tiếp cận hình thức thi mới, thậm chí có thể tổ chức các lớp hướng dẫn qua internet”, ông Sơn cho hay.

Sẽ được tuyển sinh riêng từ năm 2014

Chiều tối  ngày 3.12, Bộ GD-ĐT có cuộc họp bàn về việc sủa đổi quy chế tuyển sinh năm 2014. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết quy chế tuyển sinh mới sẽ đưa ra các điều kiện để các trường tuyển sinh riêng. Theo đó,  trường tuyển sinh riêng phải bảo đảm khả năng tổ chức kỳ thi, trong đó có khâu ra đề. Trường phải có giáo viên đủ khả năng ra đề và phải chịu trách nhiệm về đề thi. Ngoài ra, phải cam kết với Bộ GD-ĐT không gây ra cảnh ôn luyện thi tràn lan, không để xảy ra hiện tượng giáo viên được giao trách nhiệm ra đề sau đó lại tổ chức luyện thi. Thứ trưởng Ga cũng cho biết, sau khi quy chế tuyển sinh được ban hành thì các trường đủ điều kiện sẽ được tuyển sinh riêng từ năm 2014.

Vũ Thơ

Ý kiến:

Có nhiều ý kiến phản hồi về đề án cải tiến tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM đăng trên Báo Thanh Niên hôm qua (3.12).

Hay nhưng phải cụ thể cách tính điểm

“Ý tưởng mà ĐHQG TP.HCM đưa ra rất hay. Cách tuyển sinh này gần giống với cách mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Đề án này có thể thực hiện được nhưng cần thí điểm song song cách thức tuyển sinh mới và cũ một vài năm trước khi triển khai toàn hệ thống mới đảm bảo sự an toàn. Ngoài ra, cần phải cụ thể hơn về cách tính điểm các môn thi bắt buộc, bổ sung, cũng như điểm các tiêu chí bổ sung. Tuy nhiên, các tiêu chí bổ sung chỉ nên tính là điểm thưởng”.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống
(Nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Đánh giá cả kiến thức và năng lực

“Chủ trương và mục tiêu đề án này hướng tới rất tốt, vì đánh giá khá đều kiến thức và năng lực người học. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cũng là vấn đề đáng quan tâm”.

TS Lê Chí Thông
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Phải có lộ trình thực hiện

“Sự thay đổi cách thức tuyển sinh theo hướng này xét về lý thuyết là hoàn toàn có thể được vì đi theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, để thực hiện được đề án này cần thiết phải có sự đồng thuận của Bộ GD-ĐT, sự chấp nhận của toàn xã hội, cũng như phải có nguồn lực lớn mạnh về con người và tài chính. Ngoài ra việc thay đổi cần phải có lộ trình vì quy mô của ĐH này rất lớn, nếu thay đổi ngay lập tức sẽ không dễ dàng”.

TS Nguyễn Tiến Dũng
(Trưởng phòng Quản trị chiến lược, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Hà Ánh (ghi)

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.