Thay từ điều nhỏ nhất

15/11/2013 03:20 GMT+7

Tạo môi trường để trải nghiệm , thay đổi những thói quen chưa hay là điều cần thiết giúp trẻ có thể 'thoát xác gấu bông'.

 Sau khi có sự khích lệ, nhiều bạn trẻ đã vượt qua cảm giác rụt rè, tự tay làm nên những vật dụng trang trí trong nhà - Ảnh: Như Lịch
Sau khi có sự khích lệ, nhiều bạn trẻ đã vượt qua cảm giác rụt rè, tự tay làm nên những vật dụng trang trí trong nhà - Ảnh: Như Lịch

11 tuổi mới học cầm đũa

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, cho hay: nhiều phụ huynh trong Hội Quý Mùi (tức là có con tuổi Quý Mùi - học sinh lớp 5) đến nay vẫn tự tay tắm rửa cho con, vì sợ con tắm không sạch. Thậm chí, nhiều người còn trau chuốt cho con trai mình rất kỹ, vô tình làm mất vẻ nam tính của con.

Giải thích tình trạng ngày càng có nhiều đứa trẻ quen được bảo bọc, nuông chiều mà người ta ví von là “thế hệ gấu bông”, “thế hệ gối ôm”, bà Thúy nói: “Điều này có một phần nguyên nhân từ xã hội là các gia đình hiện đại có ít con, vì vậy họ nâng niu con hết mức. Mặt khác, do áp lực học hành lên đứa con nặng nề nên các bà mẹ muốn con dành toàn bộ thời gian cho việc học, xí xóa cho tất cả việc nhà”.

Bà Thúy kể: “Tôi giật mình phát hiện con gái lớn của mình vô lớp 6 rồi mà không biết ăn bằng đũa, nên phải hướng dẫn cho con. Con bé cũng không biết lặt rau, gấp áo quần. Đó là do lỗi của tôi, bởi ăn cái gì tôi cũng gắp sẵn cho con và chiều theo ý thích của nó. Rút kinh nghiệm, khi có đứa thứ hai, tôi tập cho con tính tự lập từ nhỏ và cháu thực hành rất tốt”.

Theo một số chuyên viên tư vấn, cuộc tranh giành đưa các em thoát khỏi những hình mẫu của gấu bông vô cùng gian khó, nhất là khi không có sự hợp tác của phụ huynh.

Hè năm nay, M.H (học sinh lớp 8, ngụ tại TP.Cần Thơ) tham gia chương trình Học kỳ quân đội ở TP.HCM. Ngày đầu cắm trại xa quê, M.H lén ra căng tin mượn điện thoại gọi về nhà, giọng mếu máo: “Con nhớ ba mẹ quá!”. Gia đình M.H sau đó đã “phi” ô tô vượt mấy trăm cây số đến nơi học để đón con về. Mặc dù M.H nằng nặc đòi ở lại vì đã quen dần với môi trường mới, song trước sự quyết liệt của phụ huynh, cậu bé đành ngượng ngùng từ giã bạn bè và thầy cô.

Đẩy lui sức ỳ

Thói quen ỷ lại, thụ động cũng là một trong những đặc tính của những cô cậu “gấu bông”. Thế nên, không ít khóa học mở ra để khơi gợi sự sáng tạo của học sinh.

Học cách xếp chăn màn - Ảnh: Như Lịch
Học cách xếp chăn màn - Ảnh: Như Lịch 

Ban đầu, không khí lớp học khá trầm lắng và dè dặt. Đã thế, những anh chị điều phối viên còn đưa ra đề tài hóc búa: “Trong 5 phút, hãy dùng 10 mảnh ghép để tạo thành nhiều hình thù có nghĩa”. Ngay lập tức, những lời than thở của các học viên tuổi teen bật ra: “Trời ơi, khó quá! Ai mà làm cho được!”, “Thời gian ngắn quá!”... Tuy nhiên, sau khi được khích lệ, mỗi đội hào hứng “sản xuất” hàng loạt hình ảnh, vượt ngoài sự mong đợi của ban tổ chức! Chẳng hạn, chỉ với một ô vuông, một học viên ở đội A nhanh nhẹn gắn hai chiếc lá ở hai bên để tạo hình cái cây. Trong khi đó, một học viên khác ở đội B đặt một chiếc lá lên trên ô vuông đó để biến tấu thành hình ngọn nến...

Lớp học như càng thêm “nóng” khi giảng viên Nguyễn Chua, Trường Đoàn Lý Tự Trọng đưa thêm những trò chơi - bài tập kích thích sự năng động và ý tưởng sáng tạo, đẩy lui căn bệnh sức ỳ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ cho rằng, phụ huynh không nên quá cầu toàn trước những việc làm của trẻ. Bởi như vậy, dễ dẫn đến việc gì cũng làm thay cho con hoặc con làm gì cũng chê trách, triệt tiêu sự cố gắng của trẻ. Bà chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Ăn cơm, uống nước xong, con đưa ly, chén cho mẹ thì mình khuyến khích một bước nữa là con đưa xuống bếp. Tập từ những cái nhỏ nhất, con mới hình thành tính gọn gàng tự lực”.

Như Lịch

>> Giáo dục con kiểu Hoàng gia Nhật
>> Hạn chế sai sót khi giáo dục con
>> Cần xem lại cách giáo dục con cái
>> Những bài học trong giáo dục con cái
>> Giáo dục con trai tuổi "teen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.