Tiếng Việt trong SGK thiếu chất văn

22/10/2013 03:20 GMT+7

Tác phẩm văn học trong sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học ngoài các tiêu chí sư phạm, khoa học cần phải hấp dẫn về nội dung, nghệ thuật, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

 Học sinh tiểu học trong giờ học tiếng Việt - d
Học sinh tiểu học trong giờ học tiếng Việt - Ảnh : Đào Ngọc Thạch

Chẳng dễ thuộc, dễ yêu chút nào !

Ngữ liệu tiếng Việt trong sách giáo khoa (SGK) vừa phải là một văn bản mẫu mực vừa là sự gợi mở để học sinh (HS) tiếp tục sáng tạo theo sự hiểu biết của mình. Có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu dạy học cả hai phần văn và tiếng, vừa nâng cao khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ vừa tạo ra chất văn.

Thế nhưng, một số bài khóa làm ngữ liệu dạy học chưa thực sự là những áng văn chương mẫu mực, gợi nhiều hứng thú cho cả thầy và trò. Bài tập đọc Khi mẹ vắng nhà (Tiếng Việt 3, tập 1, tr.15) là một ví dụ. 2/3 nội dung bài thơ là kể việc. Trừ 4 dòng thơ cuối là ngôn ngữ thơ, 8 dòng thơ còn lại nặng tính văn xuôi. Vì thế, bài thơ thoạt nghe thì đơn giản, chỉ từng ấy thời gian, từng ấy công việc, nhưng để thuộc được, yêu được thật chẳng dễ chút nào.

Áp lực của chủ điểm, của động cơ giáo dục khiến đội ngũ biên soạn có phần dễ dãi khi lựa chọn ngữ liệu. Nói thế là bởi Trần Đăng Khoa đã có một bài thơ khá hay về đề tài này (Mẹ ốm, Tiếng Việt 4, tập 1, tr.9), đưa thêm một bài nữa, lại trúc trắc, khó nhớ như thế, có nên chăng?

'Hồng mao' là bờm (ngựa) ?

SGK cũng thường đưa một số bài khá dài như Chiếc bút mực, Sáng kiến của bé Hà, Bông hoa Niềm Vui (Tiếng Việt 2, tập 1), Ông Mạnh thắng Thần Gió, Quả tim khỉ (Tiếng Việt 2, tập 2), Người mẹ, Hũ bạc của người cha (Tiếng việt 3, tập 1), Cuộc chạy đua trong rừng (Tiếng Việt 3, tập 2), Bốn anh tài, Ăn “mầm đá” (Tiếng Việt 4, tập 2), Chú đi tuần (Tiếng Việt 5, tập 2)… Với những ngữ liệu này, để đạt được mục tiêu dạy học tiếng (đọc, nghe, nói) trong vòng 35 phút, cả thầy và trò đã khá vất vả rồi, đâu còn điều kiện và hứng thú để tích hợp dạy học văn.

Phần giải nghĩa từ ở các phân môn, nhất là tập đọc, ngoài tác dụng mở rộng vốn từ còn giúp HS qua lớp vỏ ngôn từ, tiếp cận dễ dàng giá trị thẩm mỹ của văn bản. Từ góc độ dạy văn qua tiếng Việt, có thể thấy đây cũng là khâu còn nhiều hạn chế của SGK hiện nay. Không ít từ giải nghĩa không sát với giá trị thẩm mỹ trong bài học, đặc biệt với những từ nhiều nghĩa, gần nghĩa. Ví như từ “ghé” trong hai dòng thơ Nắng ghé vào cửa lớp - Xem chúng em học bài (Tiếng Việt 2, tập 1, tr.60) được xem như là “ghé mắt” và giải thích là “nhìn, ngó”. Thực ra, nếu đặt trong văn cảnh của bài thơ (Cô giáo lớp em), sẽ dễ thấy nghĩa của “ghé” phải là: Tạm dừng lại (ở bên ngoài cửa lớp) để xem HS học bài với sự say mê, thích thú. Việc giải thích sai hoặc không sát nghĩa của từ, kéo theo nội dung, giá trị thẩm mỹ của bài học bị giảm sút không ít.

Chẳng hạn, cách giải nghĩa các từ “cựa”, “hồng mao” trong bài Sơn Tinh, Thủy Tinh (Tiếng Việt 2, tập 2; tr.61): “Cựa”: móng nhọn mọc ở phía sau chân gà trống; “Hồng mao”: bờm (ngựa). Chúng ta dễ dàng nhận ra nhiều bất ổn ở đây.  Móng phải mọc ở đầu ngón chân (của gà) chứ; còn cựa sao có thể là “móng nhọn” được. Còn “hồng mao” trong văn cảnh này được hiểu là lông (của bờm ngựa) có màu đỏ; đấy mới là ngựa quý, ngựa hiếm. Có như thế thì gà, ngựa mới xứng là lễ vật của các thần nhân xin cưới Mị Nương - viên ngọc báu của đất Phong Châu. Nếu chỉ là “bờm ngựa” chung chung, trung tính hoặc “móng nhọn” tầm thường như thế thì dẫu “gà chín cựa”, “ngựa chín hồng mao” chăng nữa, chân giá trị của viên ngọc ấy cũng... giảm giá đi nhiều.

TS Bùi Thanh Truyền
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong sách giáo khoa - Kỳ 1: Sách giáo khoa ‘bỏ quên’ Đại tướng!
>> Tặng 2.000 bộ sách giáo khoa
>> Nâng chất lượng sách giáo khoa: Hình thức cũng phải đẹp
>> Thay đổi chất lượng sách giáo khoa
>> Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.