Đủ điện cho miền Nam năm 2014

08/11/2013 14:13 GMT+7

Tăng trưởng điện miền Nam và TP.HCM năm 2014 theo dự báo không cao hơn so với 2013, tuy nhiên, nhà điện vẫn phải chú trọng đảm bảo an toàn cung cấp điện các tháng mùa khô, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5.

Đủ điện cho miền Nam năm 2014 
Điện cho miền Nam năm 2014 cơ bản đủ, nhưng tiết kiệm vẫn là giải pháp tối ưu - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong khi nhiều dự án nguồn điện khu vực miền Nam vào chậm nhằm hạn chế tình trạng sản xuất điện bằng nguyên liệu dầu DO, FO có giá thành cao, giải pháp tối ưu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra cho năm 2014 và những năm tới vẫn là truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam.

Theo tính toán của Bộ Công thương, tăng trưởng điện của khu vực miền Nam giai đoạn từ 2014 trở đi sẽ không ngừng tăng cao, dao động trong khoảng 13-15%. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, tác động lớn nhất đến nhu cầu điện của TP.HCM và miền Nam tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính là nhóm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và nhóm hộ gia đình, dân cư, nhưng hai năm 2012 - 2013, hai chỉ số này vẫn có xu hướng giảm tiêu thụ điện do khó khăn chung của nền kinh tế.  Bởi vậy, dự báo tăng trưởng điện của TP.HCM năm 2014 sẽ chậm hơn so với cả khu vực miền Nam và chỉ đạt khoảng 8% (dự báo cả miền Nam trong năm tới rơi vào khoảng 11-12%).

Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (trung tâm), tính toán sơ bộ cân đối giữa nguồn và tải năm 2014 cho thấy, hệ thống điện (HTĐ) có đủ khả năng cung cấp đủ điện cho toàn HTĐ quốc gia, trong đó có cả khu vực miền Nam. Để đảm bảo tốt nhất việc cung cấp điện cho miền Nam, EVN đã chỉ đạo trung tâm và các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp như tích nước tối đa các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện miền Nam, để cung cấp tốt nhất cho mùa khô 2014.

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó TGĐ Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) cho biết, để đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ năm 2014 theo hệ thống truyền tải, hàng loạt các công trình lưới điện cao áp đang phải gấp rút hoàn thành. Cùng với việc đầu tư xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, là các trạm 500kV Cầu Bông và các đường dây đấu nối nhánh rẽ của đường dây này.

Tuy nhiên, theo ông Khu, dù HTĐ đã cung cấp đủ điện nhưng khó khăn lớn nhất là phải truyền tải một lượng lớn công suất điện qua hệ thống truyền tải cao áp 500kV-220kV từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, trong tình trạng hệ thống luôn đầy và quá tải. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện cũng như cấp điện an toàn, EVN đã yêu cầu NPT sớm đưa đường dây 500 kV mạch 3 PleiKu - Mỹ Phước - Cầu Bông vào vận hành để tăng cường khả năng cung cấp điện cho miền Nam. Theo tính toán của A0, về cơ bản, năm 2014 sẽ đảm bảo cung cấp đủ điện cho miền Nam. Tuy nhiên sử dụng điện tiết kiệm điện hiệu quả vẫn là giải pháp tối ưu cho cả hệ thống điện cũng như mỗi khách hàng.     

Ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là phải đảm bảo xây dựng các nhà máy điện tại chỗ để đáp ứng điện cho miền Nam. Nhưng trước mắt, để giải quyết điện cho miền Nam khi nguồn tại chỗ chưa đáp ứng đủ, EVN đã triển khai một giải pháp tiết kiệm điện như quản lý cầu. Theo ông Tước, kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, nước này đang áp dụng đầu tư hệ thống tích trữ điện (ESCO), cơ chế kinh doanh điện vào giờ thấp điểm, mua và tích trữ điện lên lưới vào giờ thấp điểm để phát lại lên lưới vào giờ thấp điểm. Giải pháp này có thể giảm tải vào giờ cao điểm, giúp cắt giảm kinh phí đầu tư các nhà máy điện. Nếu làm được như vậy sẽ giúp cân bằng được phụ tải giữa ngày và đêm, giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm cùng như giữa các mùa.

Vũ Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.