Bản Mường ở thủ đô

04/08/2013 03:00 GMT+7

5 năm sau ngày tách từ H.Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập về H.Thạch Thất, TP.Hà Nội, 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung đã thay da đổi thịt, nhưng đằng sau những con đường trải nhựa phẳng lì liên xã, những ngôi nhà cao tầng, còn đó những nỗi lo…

Ai về Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung bây giờ, sẽ khó có thể nhận ra bản Mường của hơn 5 năm về trước. Con đường đất lổn nhổn dài hơn hai chục cây số giờ đã được trải nhựa, lại có cả cột đèn cao áp to tướng chiếu sáng. Trường học, nhà văn hóa thôn, các điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cũng nhiều hơn… Ông Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Trung, cho biết sau 5 năm sáp nhập về Hà Nội, “bộ mặt” địa phương này đã thay đổi từng ngày.


Bản Mường đã nhiều nhà cao tầng hơn 

Điều dễ nhận thấy nhất là những tuyến đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa cứ ngày một kéo dài thêm. Tính đến nay, 60% các tuyến đường dân sinh ở xã Yên Trung đã trải nhựa, đổ bê tông. Nhờ đó, việc đi lại của người dân, đặc biệt là những hộ nằm trong các thôn vùng sâu, xa nhất của xã đã trở nên thuận tiện hơn trước rất nhiều. “Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2013 này sẽ bê tông hóa được 80% các tuyến đường. Vì địa hình ở đây có nhiều đồi núi nên vào mùa mưa, đường trơn trượt, lầy lội rất khó đi. Nếu không đổ bê tông bà con sẽ rất khó khăn trong việc đi lại”, ông Phương khoe.

Thoát nghèo nhờ bán đất

Vẫn theo ông Hoàng Phương, cũng từ ngày về thủ đô, số hộ nghèo xã ông giảm được già nửa, hiện chỉ còn hơn 50 hộ. Đây quả thật là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, có một thực tế là sau khi được “cắt khẩu” về thủ đô Hà Nội một thời gian, đi tới đâu bà con xã Yên Trung cũng kháo nhau tin có nhiều dự án lớn sắp xây dựng. Và rồi ở Yên Trung liên tục xuất hiện những đại gia bụng to, đeo kính đen, đi ô tô con bóng lộn về hỏi mua đất ruộng, đất rừng. Khởi điểm, nhiều hộ dân bán 21 triệu đồng/sào đất, sau tăng lên đến 75 triệu đồng/sào…

 
Nhiều tuyến đường liên thôn được trải đá dăm

Có tiền trong tay, người dân phóng tay thỏa sức mua sắm, xây dựng nhà cửa. Khi đó, ở Yên Trung, người Mường thường nói đùa vui với nhau “bán đất để thoát nghèo”. Chẳng sai, khi sáp nhập về thủ đô, toàn Yên Trung có 130 hộ nghèo, hơn hai năm sau chỉ còn khoảng 50 hộ. Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng thôn Hội, cũng nhìn nhận: “Nhiều hộ có chút tiền bán đất là đem ra xây nhà rồi mua xe máy, ti vi thế là thoát hộ nghèo. Khi hết tiền rồi lại kéo nhau ra thủ đô, rồi nhiều tỉnh thành khác để làm thuê. Giờ động một tí việc hiếu, hỉ phải đóng góp là nhiều hộ lại phải chạy đi vay mượn. Giờ chỗ đất bán người ta còn chưa đòi lại, vẫn cho cấy hái. Nhưng ít lâu nữa, hộ đòi đất để xây dựng thì không biết những hộ này làm gì ra mà ăn nữa”.

Vào rừng kiếm măng đóng học phí cho con

 

Khi những hộ dân này không còn đất sản xuất, không kiếm được tiền chỉ để chi phí những sinh hoạt thường nhật, thì họ lại tái nghèo trong chính những ngôi nhà cao tầng khang trang

Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng thôn Hội

Trong ba xã của Lương Sơn sáp nhập vào Hà Nội, Yên Trung là xã nghèo nhất. Con đường nối từ UBND xã đến xóm Hương khoảng 5 km đã được bê tông hóa. Gia đình anh Nguyễn Văn Bình (36 tuổi) nằm ở điểm cuối cùng của con đường ấy, cũng chính là điểm đầu của con đường mòn nhỏ, ngoằn ngoèo đi về phía rừng. Khi chúng tôi đến, ba bố con anh đang lúi húi rửa sọt măng tre ở nền giếng trước nhà. Đó là thành quả của chuyến đi rừng kéo dài từ tờ mờ sáng đến tận xế chiều mà vợ chồng anh vừa thực hiện. Được biết, không chỉ vợ chồng anh Bình, mà còn nhiều người khác trong xã cũng theo nhau lên núi tìm măng về bán để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, đóng học phí cho con...

Nhắc đến sự kiện được trở thành công dân thủ đô năm 2008, người nông dân Mường này đắn đo mãi mới mở lời: “Từ ngày sáp nhập về Hà Nội, công bằng mà nói thôn xóm cũng có nhiều cái đổi mới. Đầu tiên là đường sá đẹp hơn, dễ đi hơn vì được trải nhựa, đổ bê tông. Trường lớp các cháu học cũng được xây mới, khang trang hơn. Mới đây còn có thêm nhà văn hóa mới. Nói chung là cũng được”. Nói ra những điều này, anh Bình bảo “cũng vui”, nhưng rồi lại khắng định “đó chỉ là bề nổi, là cái chung thôi. Còn thực tế cuộc sống những hộ thuần nông như vợ tôi ở xã Yên Trung thì vẫn vậy”. “Anh tính, nghề nghiệp không có, đất đai thì chẳng rộng thêm ra. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ trông vào cây ngô, cây lúa và đi rừng thôi. Đời mình chắc mãi thì vẫn thế, chỉ hy vọng các cháu về sau, chúng nó có điều kiện ăn học hơn, có nghề nghiệp đàng hoàng sẽ thoát đi nơi khác để mà thoát nghèo”, anh Bình tâm sự.

Nỗi lo tái nghèo

Thống kê của UBND xã Yên Bình cho thấy, cả xã có 10 thôn (có 8 thôn được công nhận làng văn hóa) với 6.500 dân, tương đương 1.500 hộ. Khoảng 12% người dân trong xã làm thương mại, tiểu thủ công nghiệp và đến 82% sản xuất nông nghiệp, trông vào 2.000 ha đất nông nghiệp. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất ở địa phương này lại là thiếu nước tưới tiêu và sinh hoạt. Suốt bao năm qua, người dân nơi đây lúc nào cũng phải đánh vật với việc đào giếng khơi tìm nước. Có nhà đào đến mấy cái giếng khắp vườn nhưng vẫn không đủ vì mỗi khi mùa khô đến, tất cả đều “rủ nhau” phơi đáy. Thế là cái cảnh chậu thau rồng rắn đi xin nhau từng xô nước tái diễn. Ruộng nương thì nứt nẻ vì không có nước dẫn vào. Nhắc đến vấn đề này, ông Đặng Hồng Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã Yên Bình, nại lý do thiếu nước là toàn bộ diện tích đất nông của xã đã nằm trong quy hoạch của một dự án từ năm 2008. Do đó, chính quyền địa phương chủ trương... không đầu tư mương máng dẫn nước cho tưới tiêu để... tránh lãng phí. Còn chuyện thiếu nước sinh hoạt của người dân, vị phó chủ tịch này ấp úng không trả lời được.

 
Hai cô con gái của anh Bình giúp bố làm măng trước khi đem ra chợ bán

Ở một câu chuyện khác, dù là xã đạt chuẩn y tế nhưng hiện tại nhiều hộ dân ở Yên Bình không có… nhà vệ sinh. Hoàn cảnh của gia đình ông Bùi Văn Nghiêm (58 tuổi) là ví dụ điển hình. Gia đình ông Nghiêm có 5 sào ruộng, thu nhập chính đều dựa vào cây lúa. Thế nhưng, điều khiến gia đình ông “khổ” nhất là không có nhà vệ sinh. Lý do không phải vì không có đủ đất để xây mà là vì thói quen được duy trì từ bao đời nay trong lối sống và nếp nghĩ của gia đình người nông dân này. Chuyện là nhà ông Nghiêm có nuôi một cặp bò và một đàn lợn, vừa để tăng gia vừa tranh thủ luôn phần chất thải của chúng làm phân bón. Bò, lợn chưa đủ, ông “vận động” các thành viên trong gia đình cùng tham gia “đóng góp”. Khi tôi tỏ ra thắc mắc về việc đi vệ sinh chung chạ này, ông Nghiêm nói với giọng ái ngại: “Các anh thông cảm. Gia đình tôi quen như thế này từ bao đời nay rồi. Tranh thủ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, lại tiết kiệm được kinh phí xây nhà vệ sinh. Chỉ có điều mỗi khi có khách thành phố là hơi ngại một tí”.

Trước thông tin nhiều nhà dân không có nhà vệ sinh, ông Ngọc nhìn nhận số này hiện chiếm khoảng 10% hộ gia đình trong xã. “Trước số hộ sử dụng chuồng trâu bò làm nơi vệ sinh là khá phổ biến, nhưng giờ đã khác nhiều rồi, đặc biệt là từ ngày được chuyển về thủ đô Hà Nội”, ông Ngọc nói.

Rời những bàn Mường khi trời đã nhập nhoạng tối, nhìn những ngôi nhà cao tầng chen nhau dưới chân núi, trong tôi cứ vẳng lên lời ông Phú: “Khi những hộ dân này không còn đất sản xuất, không kiếm được tiền chỉ để chi phí những sinh hoạt thường nhật, thì họ lại tái nghèo trong chính những ngôi nhà cao tầng khang trang”... 

Hà An - Nam Anh

>> Bức tranh làng quê Việt qua Sương sớm
>> Hỗn chiến náo loạn làng quê
>> Làng quê náo động vì tin đồn cua đinh “thiêng”
>> Cảnh đẹp yên bình nơi làng quê Mỹ
>> Tái hiện vở nhạc kịch “Hiệp sĩ làng quê”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.