Vó ngựa vùng rau

14/01/2014 09:51 GMT+7

Tại vùng rau Đơn Dương, bên bờ Đa Nhim ở miền cao nguyên Lâm Đồng, hằng ngày tiếng nhạc ngựa vẫn gõ dồn từ sáng sớm cho đến tối mịt trên mọi nẻo đường…

nhạc ngựa

 Hối hả cho kịp chuyến hàng

Kiếp ngựa

Hình ảnh những chiếc xe thổ mộ và tiếng nhạc ngựa “lốc cốc, lốc cốc” đã trở nên quen thuộc với bà con vùng rau lớn nhất nước này suốt mấy chục năm qua.

Ngựa ở đây không được trang điểm lộng lẫy như những chú ngựa làm du lịch ở phố hoa Đà Lạt. “Ngựa du lịch thảnh thơi “làm chơi ăn thật”, chứ ngựa ở đây cực lắm anh ơi, suốt ngày “è cổ” vận chuyển nông sản, hàng hóa không ngơi nghỉ. Đúng là khổ như kiếp ngựa”, xà ích Nguyễn Quốc Trưởng ở xã Lạc Lâm thổ lộ. Năm nay mới 31 tuổi nhưng Trưởng đã có kinh nghiệm 16 năm trong nghề và hiện đang có trong tay 2 xe ngựa. “Mới đến lớp 8 thì mình nghỉ học, về nối nghiệp cha. Nghề này vất vả lắm, bởi không chỉ đánh xe ngựa mà còn kiêm luôn cả việc bốc vác”. Theo Trưởng, mỗi ngày anh cũng kiếm được ba - bốn trăm ngàn. Nhưng để kiếm được từng ấy tiền, thân anh chẳng khác gì … kiếp ngựa! Không riêng gì Trưởng, cả vùng rau này, xà ích nào gắn với rau đều như thế hết.

“Tính ngựa như tính người”

Ngựa ở vùng rau Đơn Dương hầu hết được các xà ích chọn mua từ những chú ngựa du lịch hoặc ngựa đua bị thải ở khắp nơi về tập làm ngựa kéo (sắm cả ngựa lẫn xe mất từ 30 – 40 triệu đồng). Những con ngựa ở đây được đặt tên theo màu lông như: trắng, lam, tía, hồng, nâu, đạm… chứ không được đặt tên như ngựa đua. Cũng tùy theo ngựa và cách chăm sóc của chủ nhân mà thời gian khai thác lâu mau khác nhau, ít thì vài tháng, nhiều cũng đến 5 - 10 năm.

 Qua thời gian gắn bó lao động cùng nhau, tình cảm người – ngựa cũng xuất hiện. Bị đau lưng phải giải nghệ cách đây đã 17 năm, nhưng ông Nguyễn Quốc Xuân (57 tuổi, Lạc Lâm) vẫn nhớ rất rõ tình cảm của mình dành cho những chú ngựa yêu trong hơn 20 năm làm xà ích. “Công việc phải làm chứ mỗi khi nhìn cảnh ngựa gắng sức kéo hàng qua những vũng sình hay leo lên dốc cao đi không nổi, mình nhìn mà muốn rơi nước mắt. Rồi những khi ngựa trở chứng, mình đánh nó, nó chảy nước mắt, mình cũng muốn khóc theo”, ông Xuân kể. Xà ích Đinh Bạc Khương cho biết thêm: “Tính ngựa như tính người vậy, nó cũng biết yêu thương, hờn giận và thích được “nịnh” lắm. Có người gắn bó nhiều năm, khi ngựa già họ không bán đi mà mang thả vào rừng, hay khi ngựa bị chết họ đưa đi chôn cất... Ngựa cũng biết nhìn người mà bắt nạt cơ đấy, người lạ không thể nào đánh xe được, nó không chịu đi; có con gặp người lạ nó cụp tai hoặc giậm chân, đá đá, mồm miệng cứ nhăn nhăn như muốn cắn. Rồi những lúc đói, khát, đau ốm hay vui mừng, ngựa cũng có những biểu hiện “ra dấu” cho mình biết…”.  Thể hiện sự thân thiện, yêu quý của mình với ngựa, xà ích Võ Văn Chí nói vui: “Tôi chăm sóc ngựa chẳng thua gì chăm người thân tôi nữa đấy, cùng đi làm về nhưng tôi chỉ uống nước lọc chứ nó (ngựa) thì được uống mật, nước cám ngon lành…”

Chia tay họ, những người xà ích này thể hiện niềm tin rằng, chỉ cần chịu khó, phục vụ vui vẻ thì dù đường sá được bê tông hóa hay xe tải có nhiều đi nữa thì những cỗ xe thổ mộ ở vùng rau này sẽ khó mà “chết” được. Họ luôn tin, mảnh đất này xe ngựa vẫn có những lợi thế riêng của nó, “rừng xanh lo gì thiếu củi đun”…

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.