Bạo lực leo thang, Nam Sudan có nguy cơ tái diễn nội chiến

21/12/2013 22:00 GMT+7

(TNO) Những vụ đụng độ đẫm máu giữa các phe và quân chính phủ Nam Sudan nổ ra kể từ ngày 15.12 khiến hàng chục ngàn người dân phải lánh nạn tại các căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ), khiến cộng đồng thế giới lo ngại quốc gia non trẻ này sẽ rơi vào tình trạng nội chiến.

(TNO) Những vụ đụng độ đẫm máu giữa các phe và quân chính phủ Nam Sudan nổ ra kể từ ngày 15.12 khiến hàng chục ngàn người dân phải lánh nạn tại các căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ), khiến cộng đồng thế giới lo ngại quốc gia non trẻ này sẽ rơi vào tình trạng nội chiến.

Các nước đang nỗ lực sơ tán công dân của họ ra khỏi Nam Sudan, theo AFP ngày 21.12.

Nước láng giềng Kenya ngày 21.12 đã gửi quân đến Nam Sudan để sơ tán người dân Kenya bị mắc kẹt tại đây. Uganda cũng gửi quân sang Nam Sudan để sơ tán công dân.

Theo AFP, 3 trực thăng quân sự của Mỹ đã bị bắn trúng trong lúc tiến hành chiến dịch sơ tán công dân Mỹ ra khỏi thị trấn Bor, khiến các binh sĩ Mỹ bị thương.

Thị trấn Bor, cách thủ đô Juba 200 km về phía bắc, là thủ phủ bang Jonglei, một trong những khu vực bất ổn nhất ở Nam Sudan.

Phiến quân Nam Sudan, trung thành với cựu Phó tổng thống Nam Sudan Riek Machar, đã chiếm được thị trấn Bor vào ngày 18.12.

Bạo lực, bất ổn tại Nam Sudan leo thang trong những ngày qua mặc cho tổng thống nước này, ông Salva Kiir, kêu gọi đàm phán với cựu Phó tổng thống Machar.

Ông Kiir trước đó cáo buộc ông Machar âm mưu đảo chính. Ông Machar đã bị bắt nhưng sau đó bỏ trốn. Tổng thống Kiir sa thải ông Machar hồi tháng 7.2013.

Nhưng ông Machar lại tố tổng thống Kiir kích ngòi những vụ bạo lực đẫm máu, nhanh chóng thành lập lực lượng phiến quân nhằm lật đổ chính quyền Nam Sudan, theo AFP.

Ít nhất 500 người đã thiệt mạng ở thủ đô Juba, Nam Sudan, sau những cuộc giao tranh trong 6 ngày qua.

Trên 35.000 người dân Nam Sudan lánh nạn tại các căn cứ của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại nước này.

Tái diễn nội chiến?

Những vụ đụng độ đẫm máu giữa các phe phái và quân chính phủ Nam Sudan, bạo lực sắc tộc tiếp tục nổ ra tại thị trấn Bor và thủ đô Juba trong ngày 21.12, theo AFP.

Thiếu tướng James Koang Choul, chỉ huy quân đội Sudan, cũng đã đào tẩu. Quân đội Nam Sudan cho rằng ông James đã bỏ chạy theo phe phiến quân trung thành với ông Machar.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) của Mỹ dẫn lời các nhân chứng ở Nam Sudan cho rằng các binh sĩ Nam Sudan và phiến quân đã hành quyết nhiều người vì họ thuộc những bộ tộc khác.

“Các binh sĩ ở thủ đô Juba hỏi từng người về bộ tộc của họ rồi giết chết hoặc thả họ ra”, HRW dẫn lời các nhân chứng.

AFP cho hay Nam Sudan có trên 60 bộ tộc khác nhau với hai tộc người chính là Nuer và Dinka.

Nam Sudan giành được độc lập, tách khỏi Sudan, trở thành quốc gia non trẻ nhất trên thế giới hồi tháng 7.2011 sau cuộc nội chiến kéo dài 2 thập kỷ, khiến 2 triệu người chết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21.12 lên tiếng cảnh báo Nam Sudan có nguy cơ rơi vào tình trạng nội chiến, chia rẽ sắc tộc.

Mỹ đã cử ông Donald Booth, Đặc phái viên Mỹ về Sudan và Nam Phi, đến Nam Sudan để xúc tiến hòa đàm giữa các bên.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có một cuộc điện đàm với Tổng thống Kiir vào ngày 17.12, kêu gọi các bên ngồi lại đối thoại, giải quyết các bất đồng trong hòa bình.

Phúc Duy

>> Phiến quân Nam Sudan chiếm giữ thị trấn gần thủ đô
>> Hàng trăm người chết vì những vụ đụng độ đẫm máu ở Nam Sudan
>> Sudan bất ổn sau khi chính phủ tăng giá xăng dầu
>> Ả Rập Xê Út cấm cửa Tổng thống Sudan
>> Tổng thống Sudan “tháo chạy khỏi Nigeria”
>> Sudan phóng thích toàn bộ tù chính trị
>> Quần thể tiểu kim tự tháp ở Sudan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.