Không bay được, quan chức Indonesia cho người đóng đường băng

24/12/2013 16:30 GMT+7

(TNO) Hành động ngang ngược của vị chủ tịch huyện gây tức giận trong công chúng và đặt ra vấn đề về hiệu quả của việc phân quyền hồi cuối thập niên 1990 ở Indonesia.

Ông Marianus Sae phát biểu trước dân chúng huyện Ngada. Cậy quyền, ông đã cho lính đóng cửa đường băng sân bay vì không lên được chuyến bay đầy chỗ - Ảnh: Inilahflores.com
Ông Marianus Sae phát biểu trước dân chúng huyện Ngada. Cậy quyền, ông đã cho lính đóng cửa đường băng sân bay vì không lên được chuyến bay đầy chỗ - Ảnh: Inilahflores.com

Sự việc xảy ra vào sáng sớm 21.12 tại tỉnh Đông Nusa Tenggara, gần đất nước Đông Timor.

Ông Marianus Sae, chủ tịch huyện Ngada với dân số khoảng 140.000 người, được biết là gấp gáp muốn bắt chuyến bay của hãng nội địa Merpati Nusantara từ thủ phủ Kupang của tỉnh về huyện nhà để kịp dự một cuộc họp hội đồng nhân dân quan trọng.

Thế nhưng, do không lấy được vé để lên máy bay vì chuyến bay đã đầy khách, ông Marianus đã điện thoại về huyện, lệnh cho lực lượng giữ gìn trật tự địa phương kéo quân ra sân bay Ngada và đỗ xe ngay giữa đường băng để máy bay không hạ cánh được.

Đến Ngada, máy bay Merpati với 54 hành khách lượn vòng đến 40 phút mà không thể hạ cánh, buộc nó phải bay ngược lại nơi xuất phát.

Nhờ sự ra quân của cảnh sát, sân bay mới được mở cửa trở lại sau khoảng 2 giờ bị đóng.

Chính phủ Indonesia hôm 23.12 chính thức lên tiếng phê phán hành động của ông Marianus trước sự chỉ trích gay gắt của công chúng.

Thành viên của Ủy ban giao thông vận tải của quốc hội Saleh Husin cáo buộc ông Marianus là phá rối luật hàng không, đe dọa nhân mạng và an toàn chuyến bay, cũng như làm ô danh ngành hàng không nước này.

Biện minh cho hành động của mình, ông này nói: “Tôi đã năn nỉ hãng Merpati đến 5 tiếng đồng hồ mà câu trả lời nhận được chỉ là 'máy bay đầy khách rồi'”.

Việc hãng Merpati không thu xếp được chỗ bay khi không còn ghế trống được vị chủ tịch huyện cho là “không hỗ trợ phát triển kinh tế của huyện”.

Ông giải thích, tại cuộc họp hội đồng nhân dân mà ông bị lỡ phiên toàn thể đầu tiên đó, có những nguồn quỹ sẽ được rót cho huyện để nâng cấp sân bay Turolelo So'a mà hãng Merpati sẽ được hưởng lợi. Và vì vắng mặt ông, nguồn quỹ này sẽ chậm được rót về huyện nhà.

Tuy vậy, hãng Merpati cũng tiết lộ rằng vài phút trước khi máy bay cất cánh, các quan chức hãng này báo cho ông Marianus là đã sắp xếp được một ghế cho ông trên chuyến bay, nhưng ông này lại từ chối và nói rằng đã mua được vé máy bay của hãng khác.

Quan làng lạm quyền

Sự cố hôm 21.12 làm nóng lại dư luận quanh chuyện quan chức địa phương lộng hành sau khi Indonesia thực hiện phân tán quyền lực về địa phương - gồm cấp tỉnh, cấp huyện - theo sau sự sụp đổ của chính quyền Suharto năm 1998.

Trong số 34 tỉnh với 502 thành phố và quận huyện trải khắp quần đảo rộng gần 2 triệu km2 với tổng dân số khoảng 250 triệu người, theo báo Straits Times, có một số ít xây dựng được một nền hành chính tốt như thành phố Surabaya và Solo trên đảo Java, hay Manado ở tỉnh Bắc Sulawesi nhờ cơ chế phân quyền.

Với phần lớn còn lại, cơ chế này đã tạo ra những ông quan làng tham nhũng và lạm quyền.

Cứ 3 ông thị trưởng hoặc huyện trưởng đương quyền thì có 1 người đang bị điều tra vì các hành vi phi pháp, mà chủ yếu là tham nhũng, theo Straits Times.

Từ năm 2005, những vị trí này được dân bầu trực tiếp.

Dân chúng hiện theo dõi chính quyền xử lý ông Marianus như thế nào.

Cho đến hôm 23.12, mặc dù cực lực chỉ trích hành động của ông này, Bộ Giao thông và Cảnh sát quốc gia vẫn chưa có động thái xử lý.

Jakarta Post cho hay, phát ngôn viên Bộ Giao thông Bambang Ervan nói rằng Bộ này sẽ gửi thư cảnh cáo ông Marianus, còn Cảnh sát quốc gia và Bộ Nội vụ có trách nhiệm truy tố ông này ra tòa.

Theo luật hàng không Indonesia, bất kỳ ai cản trở hoặc đe dọa an toàn bay có thể lãnh án đến 3 năm tù giam, và/hoặc bị phạt tiền đến 1 tỉ rupiah (1,73 tỉ đồng).

Một số vụ quan chức lạm quyền với ngành hàng không Indonesia

Ngày 12.6.2013: Ông Zakaria Umar, Chủ tịch Cơ quan điều phối đầu tư tỉnh Bangka Belitung, tát một nữ tiếp viên hàng không khi cô này nhắc ông tắt điện thoại di động khi máy bay chuẩn bị cất cánh.

Ngày 7.7.2013: Một nhóm quan chức huyện Jayavijaya, tỉnh Papua, đã đánh ông Junika Pakonda (giám đốc sân bay Wamena tỉnh nhà) và một nhân viên điều khiển không lưu của sân bay. Lý do là các quan chức này yêu cầu phải hoãn một chuyến bay đến và không được chấp nhận.

Ngày 28.10.2013: Bà Azlaini Agus, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát và điều tra hoạt động chính phủ, bị cáo buộc là đã hành hung một nhân viên mặt đất tại một sân bay ở tỉnh Riau, sau khi chuyến bay của bà bị trễ vì ảnh hưởng của núi lửa. Bà Azlaini phủ nhận cáo buộc này.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Indonesia bắt một người Việt buôn lậu methamphetamine
>> Indonesia - Trung Quốc tập trận chung trên biển Đông
>> Indonesia phạt tù người tị nạn Rohingya
>> Úc xoa dịu Indonesia sau vụ bê bối nghe lén
>> Indonesia cam kết bảo vệ công dân Úc
>> Núi lửa Indonesia bùng nổ dữ dội, hàng ngàn người tháo chạy
>> Phát hiện xác tàu ngầm Đức ở Indonesia
>> Người biểu tình Indonesia ném trứng vào Đại sứ quán Úc
>> Phát hiện tàu ngầm phát xít Đức ngoài khơi Indonesia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.