Bảo tàng cầm vàng lại để rơi

29/10/2013 03:00 GMT+7

Đám cháy nhà lang cuối cùng ở Hòa Bình cho thấy phần nào ý thức bảo tàng ở nước ta. Khách tham quan “trẻ trâu” phá hoại văn hóa. Còn chủ di sản cũng chưa chuyên nghiệp trong nghiệp vụ bảo tàng.

Đám cháy nhà lang cuối cùng ở Hòa Bình cho thấy phần nào ý thức bảo tàng ở nước ta. Khách tham quan “trẻ trâu” phá hoại văn hóa. Còn chủ di sản cũng chưa chuyên nghiệp trong nghiệp vụ bảo tàng. 

Bảo tàng cầm vàng lại để rơi
Giống như nhà lang ở Hòa Bình, nhà rông ở Bảo tàng Dân tộc học cũng là hiện vật gốc và rất cần được gìn giữ cẩn thận - Ảnh: Ngữ Thiên

Mạng lưới bảo tàng Việt Nam như run lên trong cơn sốt sau đám cháy nhà sàn cổ ở Bảo tàng Mường, Hòa Bình. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đó chính là ngôi nhà lang cuối cùng của người Mường. Một hiện vật gốc, một hình dung cụ thể về văn hóa Hòa Bình đã ra đi. “Một ngày buồn của di sản”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tăng của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ trong mạng lưới. Ông Tăng cũng ngay lập tức đặt câu hỏi liệu Bảo tàng Mường đã kịp tư liệu hóa những hiện vật của mình hay chưa? Thật may, theo thông tin của ông Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Mường, các hiện vật đều đã được tư liệu hóa bằng hình ảnh, video, hồ sơ hiện vật.

Theo sổ tay hướng dẫn bảo quản hiện vật do UNESCO thực hiện, đã có bản tiếng Việt, mỗi hiện vật của các bảo tàng đều phải được tư liệu hóa. Việc tư liệu hóa bao gồm hình ảnh chụp từ nhiều góc độ như thẳng từ trên xuống, mặt sau và cận cảnh những dấu hiệu đặc biệt. Hiện vật cũng cần có thông tin đi kèm. Hồ sơ hiện vật còn được lập kỹ cho từng lần di chuyển. Khi một hiện vật được mượn, chuyển khỏi vị trí của nó trong kho, thay vào chỗ hiện vật đó là một tấm thẻ ghi rõ việc cho mượn, di chuyển... “Những hướng dẫn này còn kèm theo hình ảnh dễ hiểu”, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, việc tư liệu hóa cũng như bảo quản hiện vật của bảo tàng tại Việt Nam hiện chưa được thực hiện đầy đủ như bộ chỉ dẫn trên của UNESCO. Điều này có thể thấy rất rõ qua nhiều vụ mất mát không thể phục hồi của nhiều bảo tàng.  

Những bài học 

Năm 2006, phiên bản cây cột đá ở chùa Dạm tại Bảo tàng Mỹ thuật đã bị thay mới. Cột đá nổi tiếng này đã được người trong giới coi là biểu tượng của mỹ thuật cổ Việt Nam. Tuy nhiên, phiên bản mới sai lạc so với bản gốc và hiệu quả thẩm mỹ cũng bị la ó. Trong khi, phiên bản dựng tại sân bảo tàng trước đó của bậc thầy Nguyễn Đỗ Cung được đánh giá cao hơn nhiều. Điều đau xót nhất chính là khi nhận ra bản mới không thể bằng bản cũ, thì phiên bản cũ đã không còn nữa. Nó đã bị đập bỏ trong quá trình những người thợ đá thực hiện bản mới.

Với câu chuyện cột đá Nguyễn Đỗ Cung, rõ ràng Bảo tàng Mỹ thuật khi ấy phải nhận thức rõ bản thân phiên bản do danh họa này thực hiện cũng chính là một hiện vật bảo tàng. Là phiên bản nhưng nó mang dấu ấn tính toán của ông Cung để tái hiện cây cột thật đã sứt vỡ. Do đó, nó cũng có thể coi là một hiện vật gốc. Khi đã là hiện vật bảo tàng, mọi di chuyển, thay đổi đối với cột đá Nguyễn Đỗ Cung này phải có quy trình, phải được lập hồ sơ, có người ký nhận trách nhiệm.

 

Vẫn có khả năng dựng lại nhà Lang

Theo ông Vũ Đức Hiếu, khi tro bụi rơi hết, các nghệ nhân quan sát và nhận thấy ngôi nhà lang chỉ bị cháy phần mái trên và đầu cột. Cấu trúc gỗ ở đế sàn vẫn còn. Rường cột căn bản của công trình chỉ bị xém ngoài vỏ, vẫn có khả năng dựng lại được. Bản thân Bảo tàng Mường cũng đã tư liệu hóa được các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, giá trị của bảo tàng chính là ở hiện vật gốc. Ngôi nhà mới dù có giống hệt cũng không phải ngôi nhà lịch sử, tại đó gia đình một quan lang từng sinh sống.

“Bảo tàng cần chịu trách nhiệm với tất cả các hiện vật rời khỏi bảo tàng. Điều này cần phải được ghi trên mẫu xuất hiện vật cũng như cơ sở dữ liệu trên máy tính, nếu có. Mẫu xuất hiện vật được in sẵn số ký hiệu và có các liên được sao bằng giấy than. Liên gốc được bảo tàng lưu giữ tại hồ sơ gốc”, UNESCO nêu rõ trong sổ tay về bảo quản hiện vật. Hậu quả là cây cột mà ông Cung dày công thực hiện đã không còn nữa.

Một bài học hiện vật khác gần đây chính là sự thất lạc của chiếc chén “Tham thì thâm” mà cụ Vương Hồng Sển tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Chiếc chén ngọc này chỉ rót nước tới mức độ nhất định, quá mức đó, chén sẽ tự chảy hết nước. Theo lời bà Trần Thúy Phương, Giám đốc bảo tàng, chén bị mất khi thực hiện chỉnh lý phòng trưng bày “Sưu tập Vương Hồng Sển”. Cán bộ phụ trách rời khỏi phòng làm việc mà không chịu đóng và khóa cửa phòng. Khi quay về chiếc chén đã biến mất.

Giờ đây, lại thêm một bài học nữa xảy ra với Bảo tàng Mường. Khi nhân viên không có mặt để giám sát, nhóm khách vô ý thức đã nhóm lửa tại nơi không được  phép và thiêu rụi căn nhà sàn cổ hơn trăm tuổi. Theo sổ tay an ninh của UNESCO, nước và lửa là yếu tố rủi ro lớn nhất với các bảo tàng. Vì thế, cả hai yếu tố này phải được kiểm soát tối đa. Thậm chí, UNESCO còn yêu cầu cả việc kiểm soát các thùng rác, các gầm cầu thang, nước từ nhà vệ sinh để tránh mọi nguy cơ có thể, nhưng rồi thực tế đau lòng vẫn xảy ra. Chưa hết, bên cạnh những mất mát nghiêm trọng như cháy nhà, mất đồ, nhiều sơ suất khác cũng thường xuyên xảy ra. Trong khi UNESCO khuyến cáo về việc không được mang đồ ăn thức uống vào bảo tàng thì ở Việt Nam đây là chuyện thường ngày. Khi UNESCO nêu rõ cần kiểm soát việc ăn kẹo cao su, tránh việc khách dính bã kẹo vào đế hiện vật thì việc này ở bảo tàng Việt Nam khá nhiều. Khi UNESCO yêu cầu hạn chế đèn flash để giữ hiện vật, cũng như không dùng chân máy ảnh để khỏi vướng khi xảy ra sự cố thì ở nước ta chuyện này rất hay gặp.

“Những cẩm nang này của UNESCO là điều mọi cán bộ bảo tàng cần phải thuộc nằm lòng”, TS Lê Thị Minh Lý nói. Cũng theo các nhà chuyên môn, việc tập huấn cho khách, tập huấn cho cán bộ về những quy tắc trên cần phải được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bảo tàng cũng chưa thực hiện đúng điều đó.

Trinh Nguyễn 

>> Cháy nhà Lang cuối cùng của người Mường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.