Thủ tướng đối thoại với các doanh nghiệp FDI: Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó

Mai Hà
Mai Hà
22/04/2023 10:28 GMT+7

Trong hơn nửa năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đối thoại 2 lần với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mong muốn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Sáng 22.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài

Hội nghị có sự tham dự của các Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang, các bộ trưởng và 180 đại diện của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng đối thoại các doanh nghiệp FDI: Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó - Ảnh 1.

Các thành viên Chính phủ trực tiếp lắng nghe và giải đáp kiến nghị với các nhà đầu tư nước ngoài

NHẬT BẮC

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. 

Các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam. 

 Về phía Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương sẽ chia sẻ về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhiều lần nhắc tinh thần lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. 

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. 

 Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đây là chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên.

Thủ tướng đối thoại các doanh nghiệp FDI: Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

NHẬT BẮC

Dù vậy, lĩnh vực FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần giải quyết, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía. 

Tới đây, việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia, khu vực.

Cách đây hơn nửa năm, tháng 9.2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp FDI. Khi đó, hai bên đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chân thành trên cơ sở niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành từ cả hai phía; thống nhất các giải pháp tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục hợp tác hiệu quả.

Tiếp tục tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị hội nghị hôm nay tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Các cơ quan phía Việt Nam cũng đã khảo sát, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp cụ thể liên quan tới giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các chính sách tiền tệ trong một vài ngày tới về khoanh nợ, giảm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ… 

"Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", Thủ tướng nêu rõ. 

Dòng vốn FDI dự báo giảm trong 2023

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, khảo sát tháng 1 về môi trường kinh doanh của Eurocham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vừa qua, trong Báo cáo hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia. 

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua. 

Năm 2023, Việt Nam nhận định sẽ có nhiều thách thức; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023, trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao. 

Bộ KH-ĐT cũng nêu ra hàng loạt giải pháp trước mắt và dài hạn để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI cũng như tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, vốn FDI toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… 

Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.