Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu thăm chính thức Trung Quốc

Mai Hà
Mai Hà
25/06/2023 08:34 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao 2 nước, thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước.

Trưa nay 25.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ rời Hà Nội tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự hội nghị WEF Thiên Tân từ 25 - 28.6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu thăm chính thức Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng rời sân bay Nội Bài trưa nay 25.6, dự kiến máy bay sẽ tới Bắc Kinh 4 giờ 30 chiều cùng ngày

NHẬT BẮC

 Trung Quốc là nước lớn, nước láng giềng có chung đường biên giới, là nước bạn bè truyền thống xã hội chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với Việt Nam.

Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Trước thềm chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trao đổi với báo chí.

*Xin ông đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

- Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Chuyến thăm lần này có 3 ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất, đây là chuyến thăm tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và Trung Quốc đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và quyết tâm phát triển mối quan hệ này ngày càng bền vững hơn, ổn định hơn và thực chất hơn.

Thứ hai, chuyến thăm là một bước phát triển mới rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm hết sức thành công của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 11.2022, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới suy giảm.

Chuyến thăm này sẽ tập trung vào tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương cũng như tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.

Thứ ba, chuyến thăm lần này cũng sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp đối với những vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển, tăng cường giao lưu giữa người dân, giữa địa phương hai bên, từ đó góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng ổn định hơn thực chất hơn và bền vững hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó của chuyến thăm và với sự coi trọng, sự tích cực phối hợp với phía Trung Quốc cho thành công của chuyến thăm lần này, tôi tin tưởng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành công tốt đẹp và tiếp tục góp phần đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào phát triển ổn định, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và hòa bình ổn định cho khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ

HỒNG NGUYỄN

 

*Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ tham dự hội nghị WEF tại Thiên Tân. Ông có thể thông tin thêm về sự kiện này?

Hội nghị của các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới lần này diễn ra tại Thiên Tân (WEF Thiên Tân) là hội nghị hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang có sự suy giảm và các nước đang tìm mọi cách để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để phục hồi kinh tế.

Hội nghị có sự tham gia của rất nhiều nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nơi trên thế giới. Việc Thủ tướng là một trong bốn lãnh đạo Chính phủ chủ chốt được mời tham dự Hội nghị này cho thấy sự coi trọng của WEF cũng như là cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế vai trò của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam.

Trong lúc bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tôi tin tưởng rằng, sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam lần này sẽ góp phần rất quan trọng cho thành công chung của hội nghị.

*Vậy Việt Nam sẽ đóng góp gì tại hội nghị WEF sắp tới?

Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi và có độ mở lớn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp khu vực và toàn cầu cũng như các Chính phủ trong bối cảnh ngày càng khó khăn như hiện nay cần phải tăng cường hợp tác, mở cửa thị trường hóa cho thương mại và đầu tư, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và khơi thông các nguồn lực để phục hồi kinh tế đang có xu hướng suy giảm hiện nay.

Thông qua hội nghị lần này, Thủ tướng cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những kinh nghiệm, bài học của các nền kinh tế thành viên khác cũng như các doanh nghiệp lớn trong việc tạo dựng khơi thông, kích hoạt và tranh thủ các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn. Góp phần hiện thực hóa các mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Thủ tướng Việt Nam là một trong bốn lãnh đạo Chính phủ được mời tham dự hội nghị này, cho thấy sự coi trọng của WEF cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ

Đặc biệt, tại hội nghị quan trọng với sự tham dự đông đảo của chính phủ và các doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục quan tâm và tăng cường đầu tư hơn nữa vào thị trường Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng sẽ nêu bật những tiềm năng, lợi thế của nền kinh tế Việt Nam cũng như những định hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, nhất là các lĩnh vực ưu tiên để từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư chất lượng cao và các doanh nghiệp hàng đầu tham gia hợp tác cùng có lợi vào các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, trình độ, năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế số.

Trong các bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng sẽ nêu một số kiến nghị liên quan tới các mô hình hợp tác công tư, mô hình phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp cũng như các biện pháp để thu hút các nguồn tài chính xanh, bền vững vào nền kinh tế Việt Nam.

Tôi tin rằng những đóng góp và sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần vào thành công chung của hội nghị.

*Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.