Thực hiện giảm khí thải carbon là cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp

Mai Phương
Mai Phương
27/11/2023 17:12 GMT+7

Sáng 27.11, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh (GREEN MEDIA HUB) phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm về kinh tế tuần hoàn cùng cơ hội và thách thức của thị trường tín chỉ carbon, giảm khí thải.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận định: Với cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và cam kết chống suy thoái rừng theo quy định chống phá rừng EUDR của Ủy ban châu Âu sẽ áp dụng vào cuối năm 2024, ngành gỗ vừa có cơ hội lớn lâu dài lại vừa có thách thức trước mắt. Trong đó có việc thực hiện tín chỉ carbon để giảm khí thải nói chung. 

Thực hiện giảm khí thải carbon là cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp khi phải thực hiện giảm khí thải

QUANG THUẦN

Cụ thể, ngành gỗ được hưởng lợi từ xu hướng sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho cho các vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê tông... Bên cạnh đó, cơ hội về tín chỉ carbon trong ngành công nghiệp gỗ sẽ đến từ carbon lâm nghiệp. Cụ thể, Việt Nam có 14,2 triệu hecta rừng, chiếm 42% diện tích đất nước, trong đó có 7 triệu hecta trừng trồng sản xuất. Ở hai khu vực rừng tự nhiên và trừng trồng sản xuất này, nếu biết quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải, thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào.

Tuy vậy, thách thức cho ngành gỗ là việc xây dựng nguồn nguyên liệu đủ và ổn định về khối lượng cả trong nước lẫn nhập khẩu để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm ngành công nghiệp gỗ; đồng thời bảo đảm các mục tiêu về bền vững môi trường trong nước và các cam kết giảm khí thải của Việt Nam. Ông đề xuất ngoài việc có các chính sách pháp luật, rất cần có một cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho thị trường này. Cụ thể là một cơ sở hạ tầng về dữ liệu lâm nghiệp, nông nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi tối đa từ hiệu quả của thị trường tín chỉ carbon.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, tín chỉ carbon là cả một thời đại kinh tế. Đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Một số lĩnh vực khi xuất khẩu vào EU đã bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo khí thải nhà kính. Thế nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp không thực hiện báo cáo được. Đến năm 2026 khi tất cả hàng hóa muốn xuất khẩu vào khu vực này phải tuân thủ quy định, nếu vượt quá tín chỉ carbon sẽ phải đóng thuế từ 60 - 70 USD/tấn carbon. Việc tạo lập thị trường tín chỉ carbon cần phải được thúc đẩy nhanh, tạo ra bên mua lẫn bên bán để tham gia. Từ đó góp phần thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải ròng tại Việt Nam...

Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh chính thức công bố Giải báo chí Phát triển Xanh thường niên lần thứ nhất. Giải báo chí Phát triển Xanh là hoạt động quan trọng, góp phần tuyên truyền, truyền thông; tham vấn, phản biện chính sách; thúc đẩy thực hiện kịp thời các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 và tăng cường thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon… Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi kết thúc ngày 28.2.2025. Tổng kết, trao giải dự kiến tháng 6.2025.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.