Thuế bỏ sót 'người giàu'?: Lập công ty để né thuế

01/06/2023 04:14 GMT+7

Trong khi toàn bộ mọi khoản thu nhập của người làm công ăn lương đều được cơ quan thuế nắm rất rõ thì nhiều YouTuber, TikToker, cá nhân kinh doanh có nhiều cách để chuyển doanh thu, né thuế.

Né thuế, giao dịch bằng tài khoản cá nhân…

Chị Thùy Linh (Q.10, TP.HCM) cho biết mới đến một thẩm mỹ viện trị nám bắn tia laser với chi phí hơn 5 triệu đồng và mua các loại kem bôi mặt hơn 2 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chi bằng tiền mặt và không xuất hóa đơn vì chị không có nhu cầu. Nếu lấy hóa đơn, chị sẽ phải trả thêm 10% thuế giá trị gia tăng. Tương tự, gia đình chị Thanh An (Q.3, TP.HCM) cũng hay ra ngoài ăn uống thì một số nơi có tình trạng không nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, chỉ nhận tiền mặt hay chuyển khoản. 

Đáng nói, số tài khoản khi thì được nói là của kế toán nhà hàng, lúc thì quản lý… Như vậy, doanh thu của nhà hàng sẽ chảy vào tài khoản một cá nhân nào đó thay vì tài khoản của công ty có đăng ký mã số thuế. Những trường hợp nói trên đều có thể trở thành kẽ hở lớn khiến cơ quan thuế khó nắm được doanh thu chính xác của nhiều đơn vị kinh doanh. Đồng nghĩa với việc số thuế sẽ nộp giảm đi, thất thoát tăng lên.

Thuế bỏ sót 'người giàu'?: Lập công ty để né thuế - Ảnh 1.

Tỷ lệ đóng thuế của người làm công ăn lương cao hơn nhiều so với cả doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chưa hết, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5 - 35% trong khi doanh nghiệp (DN) chỉ nộp thuế thu nhập DN 20% trên mức lãi. Chưa kể cá nhân chỉ được giảm trừ chi phí "cứng" là 11 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thì DN sẽ được khấu trừ mọi chi phí hợp lý, hợp lệ trước khi tính thuế. Vì vậy để né thuế, nhiều cá nhân đã tìm cách lập công ty để giảm số thuế phải nộp. 

Chị Thanh Nhàn (Q.7, TP.HCM) là một cá nhân có kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện. Những năm qua, đến dịp hè chị được một công ty trò chơi trẻ em thuê thực hiện chương trình với chi phí 500 triệu đồng. Mỗi lần nhận tiền, chị Nhàn bị trừ tiền thuế 10%, tương ứng 50 triệu đồng. Chưa hết, do có 2 nguồn thu nhập khác nhau nên cuối năm chị phải tự thực hiện kê khai và quyết toán thuế tại cơ quan thuế. Với tổng cộng thu nhập cả năm khoảng 1,1 tỉ đồng, chị Nhàn chỉ được giảm trừ gia cảnh cho bản thân 132 triệu đồng, số tiền thuế phải đóng lên 220 triệu đồng. 

"Thực ra số tiền 500 triệu đồng để tổ chức sự kiện thấy nhiều vậy chứ khâu tổ chức đi lại cũng tốn kém chi phí. Tôi cũng phải kiếm thêm người phụ nên phải trả công cho họ. Nhưng công ty chi trả cho tôi nên toàn bộ đều tính vào thu nhập của tôi và tôi phải gánh toàn bộ số thuế. Sau đó mấy người bạn khuyên nên mở công ty riêng để được trừ chi phí nên tôi làm theo thì lợi hơn hẳn", chị Nhàn nói và cho biết thêm chị lấy căn nhà đang thuê ở làm trụ sở, đưa người thân vào danh sách nhân viên, thêm những khoản chi phí đi lại, tiếp khách lấy hóa đơn… Kết quả số tiền thuế phải đóng khi tách phần 500 triệu đồng qua công ty không đáng kể vì lãi còn rất ít sau khi trừ hết các chi phí hoạt động. Đồng thời, thu nhập của chị ở một công ty khác trong năm qua chỉ khoảng 600 triệu đồng với số thuế nộp gần 80 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức gộp lại của cả 2 khoản thu nhập khi chưa lập DN.

Bỏ sót nhiều nguồn thu

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, cho biết trong thực tế, nhiều cá nhân vẫn có thể né thuế bằng cách giảm thu nhập, từ đó kéo giảm số thuế phải nộp. Ngay cả các hộ kinh doanh nộp thuế khoán, cơ quan thuế vẫn khó có thể quản lý hết được nguồn thu. Chỉ có người làm công ăn lương là không thể né đi đâu được, nhận đồng nào tính thuế đồng đó. Theo ông Sơn, chính vì thuế suất thuế TNCN ở mức cao nên mới dẫn đến tình trạng nhiều người muốn "né". 

Với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế hiện nay ở 11 triệu đồng/tháng và chỉ 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc thì rất khó trang trải cuộc sống, đặc biệt ở những tỉnh thành giá cả đắt đỏ như TP.HCM. Chưa kể thời điểm luật Thuế TNCN chính thức áp dụng từ năm 2007, đưa ra 7 bậc thuế từ 5 - 35%, nhưng khoảng cách giữa các bậc khá gần nhau, từ 5 - 20 triệu đồng là nhảy bậc, đặc biệt những bậc thấp chỉ 5 triệu đồng đã nhảy từ 5% lên 10% càng gây nhiều áp lực cho người nộp thuế. 

Vì vậy, ông Sơn đề nghị nên cho cá nhân được khấu trừ các khoản chi phí hợp lý hợp lệ, có hóa đơn chứng từ đầy đủ trước khi xác định thu nhập chịu thuế. Chẳng hạn như tiền học, tiền ăn, chữa bệnh, trả góp tiền mua nhà… Lúc này, cá nhân sẽ lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ, từ đó cơ quan thuế có thể sẽ nắm được nhiều hơn doanh thu thực tế từ các cơ sở, hộ kinh doanh.

Nếu cùng với số tiền thu nhập 1,5 tỉ đồng/năm, cá nhân kinh doanh mỗi năm đóng thuế từ 22,5 - 105 triệu đồng tùy theo ngành nghề kinh doanh với thuế suất từ 1,5 - 7%. Trong khi đó, người đi làm nếu có thêm 1 người phụ thuộc sẽ được giảm trừ gia cảnh trong năm 184,8 triệu đồng, nên số thu nhập chịu thuế là 1,31 tỉ đồng. Số thuế TNCN mà cá nhân này phải nộp lên 342 triệu đồng (28,5 triệu đồng/tháng x 12 tháng). Như vậy, tỷ lệ thuế TNCN trên tổng thu nhập là 22,8%. Nếu so sánh với cá nhân kinh doanh buôn bán hàng hóa (chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành nghề) chỉ nộp thuế ở mức 1,5% thì người làm công ăn lương đang phải đóng thuế cao hơn 15 lần.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính Marketing, cũng cho rằng quy định về thuế TNCN đối với người làm công ăn lương hiện nay chưa hợp lý, nhất là mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lẫn người phụ thuộc là quá thấp, không đủ đảm bảo cho chi tiêu đời sống của nhiều gia đình. Trong khi đó, các ca sĩ, nghệ sĩ, YouTuber, TikToker có thể dễ dàng lập công ty tư nhân, từ đó khai báo thêm nhiều nhân viên và được khấu hao hết các chi phí hợp lý hợp lệ nhưng thực tế doanh thu cũng đều thuộc về chính bản thân cá nhân đó. Vì vậy tỷ lệ đóng thuế thông qua DN sẽ thấp hơn so với tỷ lệ thuế mà cá nhân người làm công ăn lương phải nộp hằng năm. Hơn nữa, DN sẽ có nhiều cách phân bổ chi phí sao cho có lợi nhất trước khi tính thuế nên tỷ lệ thuế càng thấp hơn. 

Đó chính là những bất cập của luật thuế, gây bức xúc cho người làm công ăn lương nhiều năm qua. Cũng vì thuế chưa công bằng, chưa hợp lý mới dẫn tới nhiều người tìm cách trốn thuế, né thuế, gây thất thu ngân sách. 

Xem thêm:

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 1.6: Người siêu giàu Việt Nam gấp đôi sau 5 năm | Siêu kênh đào 10,3 tỉ USD kéo Trung Quốc lại gần ASEAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.