Tôi có ý kiến: Phải có cơ chế tạo sự công bằng

08/01/2016 05:16 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 7.1 đăng bài Lì như giá cước và Dùng quyền tẩy chay .

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 7.1 đăng bài Lì như giá cướcDùng quyền tẩy chay.

Bất công bằng
Các doanh nghiệp (DN) liên kết với nhau để cùng định ra một mức giá chung nhằm thu lợi và khiến người tiêu dùng bị thiệt hại là vi phạm luật cạnh tranh. Dù giá tăng nhưng người tiêu dùng không thể có lựa chọn nào khác bởi các DN đã liên kết với nhau, khách hàng cho dù đi đâu cũng phải trả một mức giá đó. Cuối cùng, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt hại. Đây là một sự bất công mà nhà nước cần phải can thiệp để giải quyết, không thể để DN lũng đoạn thị trường như vậy được.
Nguyễn Văn Nguyên (Bắc Ninh)
Nghịch lý
Trong khi các nước cạnh tranh nhau cố gắng giảm triệt để chi phí nguyên - nhiên vật liệu, phí vận chuyển, chi phí quản lý để giảm giá nhằm cạnh tranh thì tại VN vẫn cố thủ giữ nguyên mức cước vận tải cho dù giá xăng dầu đã giảm. Đây là một nghịch lý cần phải giải quyết ngay. Tư tưởng kinh doanh của tiểu thương chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt đã khiến nền kinh tế nước nhà càng trì trệ.
Đào Phương Anh (Nghệ An)
Nhà nước cần can thiệp
Mình là sinh viên, các ngày lễ hay dịp được nghỉ đều đi xe khách về quê thăm nhà. Năm nay, thấy giá xăng dầu giảm, cũng nghe nói nhà nước yêu cầu các DN báo cáo việc giảm giá cước, mình cũng mừng. Thế nhưng cho dù giá xăng dầu đã giảm rất nhiều, mình vẫn không hiểu tại sao giá vé xe về quê vẫn không giảm. Thậm chí mình mua vé xe về tết lại còn tăng gần gấp đôi. Thế giá cước vận tải trong trường hợp này là giá nào? Có đúng với giá trị thật của nó hay là các nhà xe quyết định liên kết đề ra một mức giá chung. Dù rằng kinh tế thị trường, các DN có quyền quyết định mức giá, nhưng không thể lợi dụng vị thế, liên kết với nhau để làm giá như thế nào cũng được. Cơ quan chức năng cần phải can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Thiên Ân (TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị)
Chưa hợp lý
Giá xăng thế giới đã giảm đến 70% trong khi VN chỉ giảm nhỏ giọt mà cũng lại giảm theo nhiều lần, nhiều đợt từng chút một. Trong khi đó, thủ tục điều chỉnh giá cước lại nhiêu khê, phức tạp cũng là nguyên nhân khiến DN “ngại” giảm giá. Vì vậy, theo tôi, trước khi buộc DN giảm giá theo đúng giá trị thật thì trước hết nhà nước nên xem xét điều chỉnh giá xăng dầu cho đúng thực tế của nó. Nếu giá xăng dầu và các thuế, phí… đã giảm đúng giá trị mà DN vẫn cố tình lì giảm cước thì cứ theo quy định mà xử phạt.
Trần Minh Đức (Q.10, TP.HCM)

Theo tôi, các cơ quan chức năng, hội bảo vệ người tiêu dùng phải có biện pháp can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dù trong nền kinh tế thị trường, nhà nước không thể can thiệp kinh tế bằng biện pháp hành chính nhưng cũng cần phải có các chính sách quản lý để điều chỉnh giá cho phù hợp, tạo sự công bằng giữa lợi ích DN và người tiêu dùng, như vậy thì nền kinh tế mới phát triển.
Lương Thị Ân Ân (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Trong nền kinh tế thị trường, các DN có quyền quyết định giá cả sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, hành vi liên kết nhau để làm giá nhằm hưởng lợi là vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý. Nhà nước nên có quy định, chính sách quản lý, không thể để DN muốn làm gì thì làm, gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng được.
Đỗ Đức Duy (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
T.T - Hải Nam (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.