Tối nay, người Việt có thể ngắm mưa sao băng từ sao chổi Halley cổ đại

29/04/2024 20:33 GMT+7

Trong kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, bạn có thể quan sát mưa sao băng Eta Aquarid trên bầu trời Việt Nam, bắt đầu từ tối nay 29.4.

Eta Aquarids có gì thú vị?

Sau trận mưa sao băng Lyrids diễn ra từ ngày 16.4 và vừa kết thúc vào ngày 25.4 vừa qua, với cực điểm rơi vào đêm 22 - 23 cùng tháng, người yêu thiên văn Việt Nam tiếp tục có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng lớn hơn là Eta Aquarid.

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), Eta Aquarid là một mưa sao băng trên mức trung bình, đạt tới 60 sao băng một giờ ở cực điểm. Hầu hết sao băng sẽ quan sát được ở Nam bán cầu. Ở Bắc bán cầu, tần suất chỉ đạt khoảng 30 sao băng mỗi giờ.

Eta Aquarid là một mưa sao băng trên mức trung bình

Eta Aquarid là một mưa sao băng trên mức trung bình

HAS

Mưa sao băng Eta Aquarids được hình thành từ những hạt bụi của sao chổi Halley - thiên thể được biết đến và quan sát từ thời cổ đại. Mưa sao băng Eta Aquarids thường xảy ra hằng năm từ 29.4 - 28.5, tức bắt đầu từ đêm nay.

“Cực điểm của năm nay vào đêm ngày 5.5, rạng sáng ngày 6.5. Ánh sáng của trăng gần tròn sẽ che lấp hầu như tất cả sao băng, ngoại trừ những vệt sao băng sáng nhất. Nhưng nếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể sẽ nhìn được một vài vệt sao băng đẹp”, HAS thông tin.

Theo các nhà nghiên cứu, tốt nhất nên quan sát mưa sao băng này ở những địa điểm tối từ sau lúc nửa đêm. Các sao băng có xu hướng tỏa ra từ chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ đâu trên bầu trời.

Để không bỏ lỡ...

Theo thông tin từ Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), mưa sao băng này có nguồn gốc từ sao chổi Halley. Các mảnh vụn của sao chổi này để lại nằm thành những đám cắt qua quỹ đạo trái đất và khi hành tinh của chúng ta đi qua khu vực này, các mảnh vụn (các thiên thạch) lao vào khí quyển trái đất và cháy sáng do áp suất khí quyển tạo thành rất nhiều sao băng có thể nhìn thấy từ mặt đất.

Sao chổi Halley là sao chổi chu kỳ ngắn, cứ 76 năm nó lại tới gần mặt trời và có thể được quan sát từ trái đất. Lần tiếp theo nó xuất hiện sẽ là năm 2061.

Tối nay, người Việt có thể ngắm mưa sao băng từ sao chổi Halley cổ đại- Ảnh 2.

Cần kiên nhẫn khi ngắm mưa sao băng

HUY HYUNH

Theo chuyên gia, khi quan sát mưa sao băng, bạn cần có sự kiên nhẫn. Bạn nên chuẩn bị tư thế quan sát cho mình, một chiếc ghế dài để ngả lưng sẽ là một cách lý tưởng. Bạn không cần bất cứ thiết bị nào để theo dõi hiện tượng này, hãy dùng mắt thường vì đó chính là cách tốt nhất.

Là người đam mê thiên văn, anh Thanh Long (20 tuổi) cho biết kỳ nghỉ lễ này là cơ hội tuyệt vời để ngắm bầu trời đêm, khi anh không bận việc học hành và được về quê thăm gia đình.

Sinh sống và học tập ở TP.HCM, anh cho biết khu vực mình sống ở vùng ngoại ô, tuy nhiên vẫn có ô nhiễm ánh sáng nên việc quan sát bầu trời đêm gặp nhiều khó khăn. “Về quê, không khí trong lành, bầu trời ít ô nhiễm ánh sáng hơn nên mình dự định sẽ quan sát trời đêm, biết đâu gặp một vài sao băng. Vì chưa cực điểm nên mình cũng không quá hy vọng sẽ có nhiều vệt", anh nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.