TP.HCM phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%

07/12/2023 06:14 GMT+7

TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5 - 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước...

Ngày 6.12, HĐND TP.HCM bắt đầu kỳ họp cuối năm, dự kiến kéo dài trong 3 ngày. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết năm 2024, TP.HCM đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH.

Cụ thể, TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5 - 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỉ đồng; nằm trong nhóm 5 tỉnh/TP dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh… Về xã hội, TP.HCM phấn đấu đạt 297 phòng học trên 10.000 dân, tạo việc làm mới cho 140.000 người, đưa vào hoạt động 3 bệnh viện đa khoa ở cửa ngõ khu vực Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi…

Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'TP.HCM năm nay vừa làm tới vừa làm lui'

Trong kỳ họp này, UBND TP.HCM trình 47 tờ trình, trong đó 10 nội dung cụ thể hóa các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Một số dự án giao thông trọng điểm kéo dài nhiều năm sẽ được xem xét, thông qua như: Vành đai 2 (đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng) hơn 4.500 tỉ đồng, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức) hơn 2.000 tỉ đồng, cầu đường Nguyễn Khoái hơn 3.700 tỉ đồng…

Về dự án cầu Cần Giờ, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin dự án cầu Cần Giờ dài 3,4 km để thay thế phà Bình Khánh có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm nhưng phải lỡ hẹn. Sở GTVT đã trình Hội đồng thẩm định TP.HCM báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, nếu cơ quan thường trực làm kịp sẽ trình HĐND TP.HCM vào kỳ họp tiếp theo. Dự án có 50% nguồn vốn sử dụng từ ngân sách TP.HCM, phần còn lại được thực hiện theo hình thức BOT. Đối với đề án cảng trung chuyển Cần Giờ, ông Lâm cho biết đã trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, chuẩn bị trình Chính phủ.

Đề xuất hơn 4.500 tỉ đồng để làm 2,5 km khép kín đường Vành đai 2 TP.HCM

Lấy phiếu tín nhiệm để cán bộ tự soi lại mình

Theo dự kiến trong hôm nay (7.12), các đại biểu HĐND TP.HCM sẽ chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Q.12, giám đốc một số sở ngành và lấy phiếu tín nhiệm đối với 31 chức danh do HĐND TP.HCM bầu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý việc lấy phiếu tín nhiệm cần đảm bảo khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Việc đánh giá cần đúng thực chất những kết quả thực hiện, xem xét đạo đức chính trị của người được đánh giá một cách khách quan, trung thực.

"Qua đó, người được đánh giá cũng tự soi mình, đối chiếu với kế hoạch hành động mà mình đã cam kết, hứa trước HĐND TP.HCM để biết bản thân thực hiện được đến đâu mà rèn luyện, nâng cao hiệu suất công việc, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao", Bí thư Nên nói.

Bầu bổ sung Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên

Ngày 6.12, tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã bầu bổ sung chức danh Phó chủ tịch HĐND tỉnh và các chức danh trưởng ban, phó trưởng ban của HĐND tỉnh Phú Yên.

Tại kỳ họp, 49/49 đại biểu tham dự đã thống nhất thông qua nghị quyết xác nhận kết quả bầu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đỗ Thái Phong, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Sông Cầu; đồng thời giao Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên hoàn thiện hồ sơ nhân sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu theo quy định của pháp luật.

Ông Đỗ Thái Phong (43 tuổi, quê quán xã Hòa Thắng, H.Phú Hòa, Phú Yên) có trình độ chuyên môn Đại học Cảnh sát kinh tế, thạc sĩ ngành luật học; trình độ chính trị: cao cấp lý luận chính trị.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Phú Yên tiến hành thủ tục miễn nhiệm và bầu các chức danh trưởng ban, phó trưởng ban của HĐND tỉnh; bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.