Trung Quốc khánh thành cơ sở nghiên cứu với tham vọng tạo 'mặt trời nhân tạo'

19/09/2023 15:53 GMT+7

Cơ sở nghiên cứu phản ứng tổng hợp hạt nhân mà Trung Quốc vừa khánh thành có biệt danh là 'Khoa Phụ', tên người khổng lồ đi tìm mặt trời trong thần thoại nước này.

Cơ sở Nghiên cứu Toàn diện về Công nghệ Nhiệt hạch (CRAFT), tọa lạc tại tỉnh An Huy của Trung Quốc, được xem là trung tâm nghiên cứu phản ứng tổng hợp hạt nhân lớn nhất của quốc gia này. Không gian bên trong của tòa nhà chính vừa mới hoàn thành tại cơ sở này lần đầu tiên được hãng tin Tân Hoa xã hé lộ trong một tường thuật ngày 18.9.

Trung Quốc khánh thành cơ sở nghiên cứu với tham vọng tạo ra 'mặt trời nhân tạo' - Ảnh 1.

Không gian bên trong CRAFT

TÂN HOA XÃ

Theo Tân Hoa xã, toàn bộ cơ sở hạ tầng của CRAFT dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, nhưng các nhà khoa học đã bắt đầu thực hiện các dự án tại đây trong nỗ lực chế tạo "mặt trời nhân tạo".

Theo một câu chuyện thần thoại Trung Quốc, người khổng lồ Khoa Phụ đã cố gắng đuổi theo và bắt lấy mặt trời để chấm dứt hạn hán. Mặc dù không chịu nổi cơn khát trước khi kịp bắt được mặt trời, nhân vật này vẫn được coi là biểu tượng của lòng dũng cảm.

Phản ứng tổng hợp hạt nhân, hay còn gọi là phản ứng nhiệt hạch, xảy ra khi hai hạt nhân nhẹ hơn kết hợp với nhau và tạo thành một hạt nhân nặng hơn. Quá trình này giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ và đó cũng là cách mặt trời tạo ra năng lượng. Khi nhu cầu về năng lượng phi carbon gia tăng trên toàn cầu, phản ứng nhiệt hạch có thể là cách con người "bắt được" mặt trời như tham vọng của Khoa Phụ.

Phản ứng nhiệt hạch xảy ra với sự tham gia của deuterium và tritium, hai đồng vị của nguyên tố hydro thường được tìm thấy trong đại dương. Theo Tân Hoa xã, một lít nước biển có đủ deuterium để tạo ra năng lượng nhiệt hạch tương đương với việc đốt cháy 300 lít xăng.

Trung Quốc khánh thành cơ sở nghiên cứu với tham vọng tạo ra 'mặt trời nhân tạo' - Ảnh 2.

Nhân viên thử nghiệm thiết bị tại CRAFT

TÂN HOA XÃ

Phản ứng nhiệt hạch không thải ra khí nhà kính, thay vào đó giải phóng khí heli, và chất thải phóng xạ tạo ra có thể được tái chế trong vòng một thế kỷ. Phản ứng này cũng không sử dụng uranium hoặc plutonium và lò phản ứng nhiệt hạch không có nguy cơ nóng chảy.

CRAFT là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tái tạo năng lượng mặt trời. Vào năm 2022, một nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết nước này đã hoàn thành 80% nghiên cứu công nghệ quan trọng cần thiết để sản xuất năng lượng nhiệt hạch, và khả năng trong vòng 30 đến 50 năm nữa sẽ tạo ra được năng lượng nhiệt hạch có thể sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.