Trung Quốc phóng sứ mệnh Hằng Nga 6, đốt cháy đường đua không gian

Trí Đỗ
Trí Đỗ
03/05/2024 14:22 GMT+7

CNN ngày 2.5 đưa tin, Trung Quốc phóng tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 6 vào hôm nay 3.5 nhằm thực hiện sứ mệnh lấy mẫu trên vùng tối của mặt trăng và quay trở về trái đất, đánh dấu nỗ lực đầu tiên trên thế giới thuộc loại này.

Việc phóng tàu thăm dò dự kiến triển khai trên tên lửa Trường Chinh 5 từ bãi phóng vệ tinh Văn Xương (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc). Thời gian dự kiến diễn ra vào khoảng từ 8 giờ 30 đến 11 giờ ngày 3.5 (theo giờ địa phương).

Hiện thực hóa "giấc mơ vĩnh cửu"

Theo CNN, tàu thăm dò Hằng Nga 6 được xem là sứ mệnh mặt trăng bằng robot phức tạp nhất của Trung Quốc cho đến nay, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tham vọng hiện thực hóa "giấc mơ vĩnh cửu" của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là xây dựng đất nước thành một cường quốc không gian.

Trung Quốc phóng tàu vũ trụ lên phần tối của mặt trăng

Sứ mệnh phức tạp về mặt kỹ thuật của Hằng Nga 6 được phát triển dựa trên di sản của từ Hằng Nga 4 năm 2019 và Hằng Nga 5 năm 2020. Để kết nối với trái đất từ vùng tối của mặt trăng, Hằng Nga 6 phải dựa vào vệ tinh liên lạc chuyển tiếp Thước Kiều 2 - đã được Trung Quốc phóng lên vào ngày 20.3.

Tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 6 bao gồm 4 phần: một tàu quỹ đạo (orbiter), một tàu đổ bộ (lander), tàu lấy mẫu vật (ascender) và tàu chứa nhỏ để mang các mẫu vật thu được về trái đất an toàn (reentry module).

Tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 6 và tổ hợp tên lửa đẩy Trường Chinh 5 Y8 trên bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc)

Tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 6 và tổ hợp tên lửa đẩy Trường Chinh 5 Y8 trên bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc)

REUTERS

Lộ trình của sứ mệnh cụ thể như sau: đầu tiên, tàu đổ bộ của Hằng Nga 6 thu thập bụi và đá mặt trăng sau khi đáp xuống bồn địa Nam Cực - Aitken có đường kính khoảng 2.500 km. Sau đó, tàu lấy mẫu vật sẽ vận chuyển các vật chất thu thập đến quỹ đạo mặt trăng đến tàu chứa nhỏ và quay trở lại Trái đất.

Sứ mệnh này giúp bổ sung tri thức cơ bản mới về nguồn gốc và lịch sử ban đầu của mặt trăng và hệ mặt trời, đồng thời tạo tiền đề cần thiết để các phi hành gia Trung Quốc đáp xuống mặt trăng trong những năm tới, theo ông James Head, giáo sư danh dự tại Đại học Brown, người đã cộng tác với các nhà khoa học nghiên cứu sứ mệnh Hằng Nga Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những tiến bộ nhanh chóng về mảng không gian - một lĩnh vực được cho là có truyền thống do Mỹ và Nga dẫn đầu. Cụ thể, Trung Quốc triển khai chương trình Hằng Nga vào năm 2007. Sau đó, vào năm 2013, Trung Quốc đưa robot Thỏ Ngọc của tàu Hằng Nga 3 hạ cánh xuống mặt trăng, trở thành quốc gia đầu tiên đạt được thành công trong việc đưa robot đáp lên mặt trăng sau gần 4 thập niên. Đến năm 2022, Trung Quốc phát triển trạm vũ trụ riêng mang tên Thiên Cung.

Theo The Guardian ngày 3.5, Trung Quốc có kế hoạch thực hiện thêm 2 sứ mệnh nữa trong chương trình Hằng Nga trước khi tiến đến mục tiêu năm 2030 về đưa phi hành gia lên mặt trăng và xây dựng trạm nghiên cứu trên cực nam mặt trăng – khu vực được cho là có chứa nước băng.

Giới chức Trung Quốc dự kiến phóng Hằng Nga 7 vào năm 2026 nhằm mục đích tìm kiếm tài nguyên trên cực nam của mặt trăng, và Hằng Nga 8 vào năm 2028 để nghiên cứu thêm về cách sử dụng vật liệu cho dự án xây dựng trạm nghiên cứu trên mặt trăng.

Trung Quốc phóng vệ tinh tới vùng tối của mặt trăng

Chạy đua cạnh tranh không gian

Trung Quốc phóng sứ mệnh Hằng Nga 6 trong bối cảnh nhiều quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình không gian nội địa để khám phá vùng đất mới, và tiếp cận nguồn tài nguyên mới, theo CNN ngày 2.5. Theo đó, năm 2023, Ấn Độ thành công phóng tàu vũ tàu vũ trụ Chandrayaan-3 xuống cực nam của mặt trăng - khu vực mà con người vốn chưa hiểu rõ.

Một tên lửa Trường Chinh 8, mang theo vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều 2 để liên lạc giữa trái đất và mặt trăng, được phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào ngày 20.3.2024.

Một tên lửa Trường Chinh 8, mang theo vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều 2 để liên lạc giữa trái đất và mặt trăng, được phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào ngày 20.3.2024.

REUTERS

Vào tháng 1 năm 2024, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu vũ trụ SLIM đáp thành công lên mặt trăng, mặc dù sau đó tàu của nước này gặp sự cố phát điện. Một tháng sau, Mỹ tuyên bố thực hiện sứ mệnh IM-1 đáp xuống gần cực nam mặt trăng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ Mỹ hạ cánh xuống mặt trăng sau hơn 50 năm.

Trước đó, Giám đốc NASA (Mỹ) Bill Nelson bày tỏ lo lắng rằng tốc độ phát triển nhanh chóng về ngành không gian của Trung Quốc, và kêu gọi Mỹ cấp bách quay lại đường đua mặt trăng. "Chúng tôi tin rằng phần lớn cái gọi là chương trình không gian dân sự của Trung Quốc có thể là một chương trình quân sự. Tôi nghĩ trên thực tế, chúng ta đang ở trong một cuộc đua", ông Nelson nói với các nhà lập pháp Mỹ vào tháng trước. Ông cũng quan ngại sâu sắc: "Trung Quốc có thể ngăn chặn Mỹ và một số quốc gia khác tiếp cận một số khu vực trên mặt trăng, nếu họ đến đó trước". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.