Từ chiếc điện thoại 'cùi'

18/07/2014 10:22 GMT+7

Báo Thanh Niên vừa nhận được lá thư của bác Nguyễn Mỹ, cán bộ hưu trí ở Q.Tây Hồ, TP Hà Nội, kể về việc bác được nhân viên của Khu du lịch Yang Bay trả lại chiếc máy điện thoại mà bác đánh rơi trong khi tham quan tại khu du lịch này. Theo bác Mỹ, giá trị của chiếc máy điện thoại “không lớn, chỉ đáng vài trăm ngàn”, nhưng cách hành xử của nhân viên của khu du lịch này đối với “thượng đế” của mình thì không nhỏ.

Sau một ngày tham quan Khu du lịch Yang Bay, bác Mỹ phát hiện chiếc máy di động đã rời khỏi túi nhưng chắc chắn không phải bị kẻ trộm lấy cắp, bác báo với lái xe và hướng dẫn viên tour lần tìm khắp các địa điểm mà đoàn đã đi qua nhưng không tìm ra. Những tưởng của đã mất nhưng đến tối, khi về nghỉ tại một khách sạn ở Nha Trang thì có người đến tìm và trả lại chiếc máy. Người đó xưng là nhân viên của Khu du lịch Yang Bay, sau khi bắt gặp chiếc máy nằm lẫn trong đám cỏ của khu du lịch, anh ta tìm hiểu một vài thông tin còn lưu trong máy và liên lạc để tìm chủ nhân. Quãng đường từ Yang Bay về Nha Trang khá xa, lại trời tối nhưng sợ chủ nhân của chiếc máy di động kết thúc sớm chuyến du lịch trên đất Khánh Hòa, anh ta vội vã vượt 40km, để trả lại chiếc máy di động cho chủ nhân của nó. “Nếu chỉ nghĩ đơn giản rằng chiếc máy di động “cùi”, đáng giá vài trăm ngàn thì không một ai có thể bỏ công sức như thế để tìm chủ nhân trả lại, nhưng đây là cách ứng xử của những người làm du lịch chuyên nghiệp. Tôi sẽ kể điều này với bạn bè tôi, nếu có dịp đến Khánh Hòa thì không nên bỏ qua địa chỉ Yang Bay”, bác Mỹ kết luận.

Thực ra việc trả lại của rơi cho người mất là chuyện không mới mẻ để mà “ồn ào” trên báo, nhất là của rơi ấy, giá trị không lớn như chiếc điện thoại “cùi” của bác hưu trí nọ. Nhưng cử chỉ này rất đáng để nói vì lẽ, hằng ngày, du khách vẫn kêu ca về thái độ phục vụ của nhiều khu du lịch trên khắp cả nước, kể cả ở Khánh Hòa. Tình trạng “chặt chém” vô tội vạ khiến du khách chỉ đến một lần là không bao giờ muốn quay trở lại nữa. Thật khó chấp nhận với cảnh lừa gạt, móc túi du khách vẫn thường diễn ra tại bãi biển Nha Trang. Dĩ nhiên thủ phạm là đám ma cô nhưng dẫu sao, trong mắt du khách, Nha Trang sẽ không còn là “thành phố thân thiện” như khẩu hiệu giăng mắc khắp nơi nữa. Cũng thật khó để “nuốt trôi” một tô mì gói lên đến 50.000đ-60.000đ ở các sân bay, trong đó có sân bay Cam Ranh mà báo chí đã nhiều lần phản ảnh.

Nha Trang-Khánh Hòa luôn được địa phương này quảng bá là nơi thân thiện và mến khách. Hàng triệu du khách đã đến xứ trầm hương này mỗi năm đã nói lên điều đó. Tuy vẫn còn những “con sâu” làm rầu lòng du khách, song những nghĩa cử nhỏ bé như của anh nhân viên Khu du lịch Yang Bay nói trên sẽ góp phần chứng minh những câu khẩu hiệu “văn minh-thân thiện” được treo khắp các ngả đường không chỉ là những con chữ khô khan.

Trần Đăng

>> Tuyên dương trung úy biên phòng trả lại của rơi
>> Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân: Người 'đi nhặt của rơi của cha ông
>> 2 sinh viên trả lại của rơi nhận bằng khen của T.Ư Đoàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.