Sau bão số 10, hồ Vực Mẫu oằn vai xả lũ

01/10/2013 19:53 GMT+7

(TNO) Chiều tối 1.10, dưới áp lực của bão số 10, kèm mưa đặc biệt lớn, các hồ chứa trên địa bàn Thanh Hóa đang oằn mình xả lũ. Có 2 hồ chứa nhỏ đã vỡ vì tần suất nước vượt quá thiết kế.

(TNO) Chiều tối nay 1.10, dưới áp lực của bão số 10, kèm mưa đặc biệt lớn, các hồ chứa trên địa bàn Thanh Hóa đang oằn mình xả lũ. Có 2 hồ chứa nhỏ đã vỡ vì tần suất nước vượt quá thiết kế. Riêng hồ Vực Mẫu đang phải xả lũ với lưu lượng 1.000 m3/s xuống hạ du.


Mưa lớn, hồ Vực Mẫu xả lũ, thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước - Ảnh: K.Hoan

Trao đổi với Thanh Niên Online khi đang trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa), ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, cho biết mưa đặc biệt lớn, cộng với nước lũ tràn xuống từ 2 hồ chứa trên địa bàn đã gây ngập úng nghiêm trọng.

“Theo anh em địa phương báo cáo lại, lượng mưa đo được tại Tĩnh Gia từ 8 giờ tối qua đến chiều nay lên tới trên 700 mm. Các hồ chứa lớn hiện vẫn đảm bảo an toàn nhưng có 2 hồ nhỏ, dung tích 200.000 - 500.000 m3 bị vỡ do nước về hồ vượt tần suất thiết kế”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, hiện mưa đã ngớt, mực nước ngập trên QL1 đã giảm dần nhưng lũ trên địa bàn vẫn đang còn ở mức rất cao.

Tại thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An), theo ông Thắng, do mưa lớn cộng với hồ Vực Mẫu mở cả 5 cửa xả lũ với lưu lượng rất lớn, trên 1.000 m3/s, cũng gây ngập úng nghiêm trọng. Hồ Vực Mẫu có dung tích chứa lên tới trên 5 triệu m3 nước, do mới được đầu tư nâng cấp, nên độ an toàn rất cao.

“Ngập úng sẽ tiếp diễn vì hồ Vực Mẫu vẫn phải tiếp tục xả nước cho dù lưu lượng xả đã giảm so với sáng nay. Chúng ta tiếp tục phải xả nước hợp lý để giữ được sự hài hòa nhất định, vừa đảm bảo phía hạ lưu có thể chấp nhận được, vừa đảm bảo an toàn đập”, ông Thắng thông tin.

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết trong đêm nay tại Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa to, lượng mưa được dự báo là sẽ ở mức 50 - 100 mm, do chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh tràn về. Trong 2 ngày 2 và 3.10, mưa rào sẽ tiếp tục xuất hiện tại khu vực này, một số nơi có mưa vừa.

“Khu vực Bắc Trung bộ, trong đó trọng tâm là nam Thanh Hóa và bắc Nghệ An, các hồ chứa vẫn phải tiếp tục xả nước khi đã đầy ắp nước nhưng nước vẫn tiếp tục đổ về hồ nên cần đề phòng lũ lên cao, ngập úng nghiêm trọng”, ông Hải cảnh báo.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng lưu ý, các địa phương tiếp tục rà soát và di dời người dân ra khỏi những khu vực có thể chịu ảnh hưởng từ việc xả lũ của các hồ chứa đến nơi an toàn, tổ chức tuần tra giám sát an toàn hồ chứa để phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến sự cố hồ đập.

Nơm nớp vì những "quả bom nước"

Chiều 1.10, ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết bão số 10 quét qua Hà Tĩnh hôm qua 30.9 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho địa phương này.


Nhiều nhà cửa, trường học trên địa bàn Hà Tĩnh bị tốc mái

Các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đang phối hợp cùng người dân khắc phục những hậu quả do bão số 10 gây ra.

Theo ông Bắc, tính đến thời điểm chiều tối hôm nay 1.10, các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh vẫn chưa thể thống kê được cụ thể những thiệt hại do bão số 10 gây ra trên địa bàn. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ ban đầu, Hà Tĩnh đã có 18 người bị thương vì bão số 10 (cụ thể ở H.Hương Sơn có 4 người; H.Hương Khê 1 người,; H.Thạch Hà 7 người; H.Cẩm Xuyên 4 người và H. Kỳ Anh 2 người).

Ngoài ra,  bão số 10 cũng đã làm hơn 40.000 nhà dân bị tốc mái, khoảng 4.000 ha cây trồng, hoa màu bị đổ gãy và 12.000 gia cầm bị chết. Mưa bão cũng đã làm 243 cột điện bị gãy, làm sạt lở hơn 11.000 m3 đất đá.

Ngày 1.10, theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, tại nhiều xã của H.Kỳ Anh, công việc khắc phục hậu quả sau bão số 10 ở đây đang diễn ra hết sức khẩn trương. Các cơ quan chức năng của huyện ra sức tuyên truyền, hướng dẫn và cùng chung tay với nhân dân lợp lại những mái nhà, trường học và trụ sở làm việc bị bão làm tốc mái, hư hại nặng.

Đến 17 giờ cùng ngày, có hàng ngàn căn nhà bị tốc mái và nhiều cây cối, trụ điện bị đổ gãy trên địa bàn H.Kỳ Anh đã được khắc phục, sinh hoạt của người dân dần trở lại bình thường.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Đặng Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết điều đáng lo ngại nhất hiện nay là toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 349 hồ đập đã chứa đầy nước. Lúc 17 giờ chiều qua 30.9, bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh mang theo một lượng mưa rất lớn, cộng với lượng mưa nhiều ngày trước đó và mưa do hoàn lưu sau bão trong ngày hôm nay đã làm cho 349 hồ đập trên tích quá đầy nước, biến thành những “quả bom nước” rất nguy hiểm.

Để đề phòng và hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do mưa bão gây ra, nhiều ngày nay, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã cho xả tất cả các hồ đập đã đầy và hiện đang cảnh giác, chủ động để đối phó với những diễn biến phức tạp về mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 10.


Trụ điện, bảng hiệu và cây cối gãy đổ


Người dân Hà Tĩnh lợp lại nhà và tiếp tục chèn chống bao cát lên mái nhà để đối phó với hoàn lưu sau bão số 10

Tin ảnh: Nguyên Dũng

 

 

 

Bùi Trần

>> Mưa to kèm xả lũ, cả thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước
>> Hồ thủy lợi xả lũ, hàng chục nhà dân bị ngập
>> Thủy điện xả lũ gây ngập ở Kon Tum
>> Hồ Dầu Tiếng tiếp tục xả lũ
>> Hàng trăm nhà dân bị ngập do thủy điện xả lũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.