Tuổi thọ con người vào năm 2050 sẽ ra sao?

Trí Đỗ
Trí Đỗ
17/05/2024 13:41 GMT+7

Dù con người sẽ sống lâu hơn nhưng họ có thể phải trải qua nhiều năm hơn trong tình trạng sức khỏe kém.

Theo một nghiên cứu mới, tuổi thọ trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng gần 5 năm vào năm 2050. Dự báo chỉ ra rằng từ năm 2022 đến năm 2050, tuổi thọ của nam giới dự kiến sẽ tăng từ 71,1 tuổi lên 76 tuổi, và từ 76,2 tuổi lên 80,5 tuổi đối với nữ giới, theo South China Morning Post ngày 17.5.

Một cụ bà xếp hàng tiêm vắc xin Covid-19 hồi tháng 8.2021.

Một cụ bà xếp hàng tiêm vắc xin Covid-19 hồi tháng 8.2021.

REUTERS

Theo Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) năm 2021, các quốc gia có tuổi thọ hiện đang thấp, dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng lớn nhất trong những năm tới. Nhiều chuyên gia cho biết xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi các biện pháp y tế công cộng tiên tiến giúp ngăn ngừa và cải thiện tỷ lệ sống sót từ các loại bệnh truyền nhiễm.

Tiến sĩ Chris Murray, Trưởng khoa Khoa học Đo lường Sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) và Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME), đánh giá: "Ngoài việc tăng tuổi thọ nói chung, chúng tôi còn nhận thấy rằng sự chênh lệch về tuổi thọ giữa các khu vực địa lý cũng sẽ giảm. Đây là một dấu hiệu cho thấy dù sự bất bình đẳng về sức khỏe giữa các khu vực có thu nhập cao nhất và thấp nhất vẫn còn, nhưng khoảng cách đang được thu hẹp lại, với mức tăng tuổi thọ lớn nhất được dự đoán là ở khu vực châu Phi cận Sahara", theo bà Murray.

Nghiên cứu kéo dài tuổi thọ ở Trung Quốc gây lo ngại về đạo đức

Tuổi thọ toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 73,6 tuổi vào năm 2022 lên khoảng 78,1 tuổi vào năm 2050 (tăng 4,5 năm). Nhưng tuổi thọ sức khỏe toàn cầu sẽ chỉ tăng 2,6 năm, từ 64,8 tuổi vào năm 2022 lên 67,4 tuổi vào năm 2050. Điều này cho thấy rằng mặc dù nhiều người được kỳ vọng sẽ sống lâu hơn nhưng họ lại được cho là sẽ phải sống nhiều năm hơn trong tình trạng sức khỏe kém.

Tiến sĩ Emmanuela Gakidou, giáo sư Khoa học Đo lường Sức khỏe tại IHME, cho biết: "Các yếu tố nguy cơ hiện dẫn đến sức khỏe kém như: béo phì và các thành phần khác của hội chứng chuyển hóa, tiếp xúc với ô nhiễm không khí dạng hạt ở môi trường xung quanh và hút thuốc lá, phải được giải quyết. Cần kết hợp giữa các nỗ lực chính sách y tế toàn cầu và hạn chế phơi nhiễm để giảm thiểu rủi ro sức khỏe và cải thiện sức khỏe người dân".

Bà Murray cho biết: "Có rất nhiều cơ hội phía trước để chúng ta tác động đến tương lai của sức khỏe toàn cầu bằng cách vượt qua các yếu tố nguy cơ chuyển hóa và chế độ ăn uống đang gia tăng này, đặc biệt là những yếu tố liên quan đến các yếu tố hành vi và lối sống như lượng đường trong máu cao, chỉ số khối cơ thể cao và huyết áp cao".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.