Tuổi trẻ nói không hề ra tiếng

15/04/2015 10:03 GMT+7

(TNTS) Vào một đêm mùa hè oi bức của tuổi trẻ, tôi mở cuốn phim được làm từ năm 1967, do ngôi sao kỳ cựu Dustin Hoffman thủ vai chính chỉ để lần nữa được lắng nghe giai điệu rất đỗi quen thuộc đã từng gắn liền với thanh niên Mỹ những năm 1960.

(TNTS) Vào một đêm mùa hè oi bức của tuổi trẻ, tôi mở cuốn phim được làm từ năm 1967, do ngôi sao kỳ cựu Dustin Hoffman thủ vai chính chỉ để lần nữa được lắng nghe giai điệu rất đỗi quen thuộc đã từng gắn liền với thanh niên Mỹ những năm 1960.

Đó là The sound of silence, ca khúc đưa tên tuổi của cặp song ca dòng nhạc Folk, Simon & Garfunkel lên đỉnh cao danh vọng vào thập niên 1960. Âm thanh gợi nhớ đến những mùa hè oi bức chính là thứ âm thanh mà cả nước Mỹ đã cất vang đầu năm 1964, sau cái chết của Tổng thống John.F.Kennedy.
“Trong ánh sáng đèn trần tôi đã thấy/Mười ngàn người, có khi hơn/Người ta nói không hề ra tiếng/Họ nghe mà chẳng hiểu/Người ta viết nên những khúc ca không bao giờ được vang lên/Và không ai dám làm náo động âm thanh của tĩnh lặng”.
Lời thì thầm của The sound of silence không hẳn dành cho một cái chết mà còn tiễn đưa hàng ngàn tuổi trẻ trong một trạng thái hoang mang lúc bấy giờ, những tuổi trẻ bị dồn tới cùng cực chia cắt vì sự phân hóa xã hội, sự khác biệt thế hệ, sự lạc lõng tự nhiên... Nước Mỹ những năm 1960 đầy rẫy nỗi buồn trú ngụ. Bài hát xuất hiện trong tác phẩm điện ảnh The graduate cùng hình ảnh Benjamin Braddock vô định lướt nhanh trên chiếc thang cuốn. Anh ta thậm chí chưa kịp lãng đãng là đã phải nở nụ cười vội vã với ai đấy đang đứng đợi bên ngoài cánh cửa. Ben vừa tốt nghiệp đại học, thủ khoa, ở độ tuổi hai mươi. Qua cái cách gia đình Ben mở tiệc ăn mừng tốt nghiệp và những người bạn mà họ giao du, dễ dàng thấy họ thuộc tầng lớp thượng lưu của Mỹ. Vậy thì, điều gì đưa đẩy một cậu ấm vừa giàu vừa giỏi đến những ngột ngạt mơ hồ phảng phất trong ánh mắt ướt át của cậu ta?
Không giống những chàng trai của Rừng Na Uy, Wantanabe hay Nagasawa, bị chới với trong khoảng không bao la mang tên tuổi trẻ, để rồi rớt xuống đáy vực cô đơn, chàng thanh niên mới tốt nghiệp Benjamin Braddock của The graduate là một kiểu mẫu khác. Khi Ben còn đang loay hoay suy nghĩ về tương lai và vẫn nhẩn nha tận tưởng những ngày nắng giòn phơi mình bên bể bơi thì bố anh đã rất nghiêm khắc thúc giục anh lựa chọn một ngôi trường khác để học lên. Anh ta trăn trở trong không gian tù túng được xây dựng từ những mẫu mực của những người đi trước. Nó là góc nhìn của chính Ben, nơi đạo diễn Mike Nichols chọn đặt máy quay, bị chắn bởi một chiếc kính bơi đồng bộ với bộ đồ lặn to lớn mà mới trông qua sẽ dễ lầm tưởng là chiếc giáp kim loại. Ben chào đón tuổi 21 bằng việc chiều lòng bố mẹ lặn xuống đáy hồ sâu 6 m để thử món quà sinh nhật khá xa hoa ấy. Cuộc sống của Ben hoàn toàn bị áp đặt và tấn công. Một trò giễu nhại, chắc rồi, vì đạo diễn đã quyết định thả Ben vào mối quan hệ vụng trộm với bà Robinson, người phụ nữ gấp đôi tuổi anh. Ben hồ hởi bước vô câu chuyện mà anh không đủ sành sỏi để nhận thấy rằng, ở nơi đó, anh vẫn chỉ được đóng vai một cậu bé bị đặt để trong mọi tình huống. Và cao trào diễn ra khi bố mẹ Ben muốn, thực chất là buộc Ben hẹn hò Elaine, cô con gái cưng của ông bà Robinson mới trở về từ Berkeley. Dù đã rất cố gắng thể hiện hình ảnh một gã tay chơi cục súc ra sức gây tổn thương Elaine song cuối cùng, hai con người trẻ có chung hoàn cảnh sống vẫn hút lấy nhau. Chủ đề họ thao thao chia sẻ và cũng chính là động lực dẫn tới pha cướp cô dâu cực kỳ kinh điển làm nên chuẩn mực cho điện ảnh không gì khác ngoài tuổi trẻ. Họ đã nói những lời không hình dạng, không đầu cuối, không sắc thái... nghe như cơn gió lơ lửng giữa đêm đen, và họ rất hiểu những gì mình đang nói. Đã có một thỏa thuận ngầm về một cuộc chạy trốn, thầm kín và hứng khởi, tìm đến trước pha cướp cô dâu từ không khí của lần gặp gỡ đầu tiên.
Có vẻ như, đạo diễn Mike Nichols không cố ý làm một phim tình cảm lãng mạn, và điều này càng được khẳng định ở cuối phim, đoạn hai người trẻ đang háo hức vì vừa chạy thoát khỏi lễ cưới của Elaine. Họ sung sướng leo lên một chiếc xe buýt trong tiếng im bặt của sự điên cuồng mà họ vừa bỏ lại ở nhà thờ, có cả đôi mắt giận dữ của bà Robinson. Rồi khi khoảnh khắc họ nhảy xổ vào tự do đã trôi qua, Ben và Elaine vô tình quay sang nhìn nhau, một cách ngượng ngùng, họ không hề che giấu cảm giác xa lạ với tình yêu. Chả ai biết sau đấy họ sẽ đi đâu về đâu. Hòa mình vô dòng chảy hippy trong phong trào phản chiến? Đưa nhau tới một miền đất lạ để sinh sống? Hay là đường ai nấy đi, có thể lắm? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, tại cái giây phút họ trao đổi bằng những lời tưởng chừng rối tung và vô nghĩa, họ đã giúp nhau mở ra một thế giới khác. Và Ben, trong những năm tháng chông chênh lạc lối nhất cuộc đời, hẳn vẫn còn những đêm: “Trong giấc mơ liên hồi tôi cô đơn cất bước/Con đường hẹp sỏi đá/Bên dưới vầng sáng của ánh đèn đường...”. Âm thanh của tĩnh lặng cứ ngân nga, nhưng rõ ràng là, nỗi cô đơn của những tuổi trẻ của Ben hay của Elaine giờ đây không cần lén lút nữa.
Lời tiên tri cho sự bùng nổ những cái tôi lạc loài những năm đầu thập niên 1970 chăng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.