img
Vị Phó giáo sư già từng làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với nghiên cứu bảng chữ viết mới - Ảnh 1.

Gần trưa ngày 24.11.2017, tôi hoàn thành bài viết Khi 'Tiếng Việt' được viết thành 'Tiếq Việt' gửi lên tòa soạn. Bài báo viết về một nghiên cứu tâm huyết suốt nhiều năm của PGS-TS Bùi Hiền, 82 tuổi, nguyên Hiệu phó trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông.

Theo đó, nghiên cứu có tên "Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế" đưa ra bảng chữ cải tiến với một số nguyên âm và phụ âm được viết hoàn toàn khác với chữ quốc ngữ hiện hành.

Ngoài chia sẻ của PGS-TS Bùi Hiền, tôi còn phỏng vấn thêm 2 nhà ngôn ngữ học uy tín khác nhận xét về chữ cải tiến của ông để nội dung đa chiều và có tính khách quan. Bài được duyệt đăng lúc 11 giờ 45.

Vị Phó giáo sư già từng làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với nghiên cứu bảng chữ viết mới - Ảnh 2.

Sau khoảng 15 phút, tôi thấy trên Facebook có một số bạn bè của mình share bài. Tôi vào thử ứng dụng CMS của báo thì bất ngờ khi thấy lượng truy cập nhảy số chóng mặt. Cứ sau vài phút, lượng người đọc lại tăng lên hàng ngàn, một lúc sau tăng thành hàng chục ngàn.

Mạng xã hội bắt đầu tràn ngập các post share lại bài viết từ trang fanpage của báo. Tôi tò mò vào các post đó xem họ viết gì, thì choáng váng khi hầu hết đều có phản ứng dữ dội với chữ cải tiến của ông. Thật kinh khủng khi rất nhiều người dùng lời lẽ nặng nề để phản đối, thậm chí còn phẫn nộ, thóa mạ PGS-TS Bùi Hiền.

Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Không biết PGS-TS Bùi Hiền có đọc những bài viết đó hay không? Một ông lão 82 tuổi khi biết được dư luận đang xôn xao vì mình, trong đó có rất nhiều người trẻ chỉ trích mình bằng ngôn từ bất kính, thì sẽ thế nào?

Buổi tối, tôi gọi cho ông và không thể tin được khi ở đầu bên kia điện thoại, giọng ông hiền từ và điềm tĩnh:

Vị Phó giáo sư già từng làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với nghiên cứu bảng chữ viết mới - Ảnh 3.

Trong một email hôm sau gửi tôi, ông viết: "Sóng gió đã nổi lên, không phải vì người ta bàn chuyện khoa học mà vì rất nhiều động cơ khác nhau và bằng rất nhiều cách khác nhau. Mình hoàn toàn bình tĩnh và an tâm tiếp tục hoàn thành công trình".

Ông cũng khẳng định, công trình nghiên cứu này là đề xuất khoa học mang tính cá nhân, nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành chứ không hề tác động vào hệ thống âm vị làm cho tiếng nói khác đi dẫn tới ý nghĩa lời nói cũng khác đi. Và ông chỉ quan tâm tới những phản biện mang tính khoa học, những lời bình luận cảm tính ông sẽ "bỏ ngoài tai".

Giữa làn sóng chỉ trích dữ dội, thời điểm đó cũng có ý kiến công khai ủng hộ ông dù ít ỏi, như tiến sĩ kinh tế Lương Hoài Nam. Ông Nam cho rằng với những người quen với những đề xuất đổi mới, thì nghiên cứu của PGS-TS Bùi Hiền là rất bình thường và đáng khích lệ.

"Không phải mọi cải tiến đều phá hỏng sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta cần những cải tiến làm cho tiếng Việt đã khoa học còn khoa học hơn nữa, đã trong sáng còn trong sáng hơn nữa. Chúng ta không muốn ngôn ngữ Việt bị 'đóng băng' hàng trăm năm", ông Nam đã nhận định trong bài phỏng vấn đăng trên Báo Thanh Niên thời điểm đó.

Vị Phó giáo sư già từng làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với nghiên cứu bảng chữ viết mới - Ảnh 4.

Những ngày sau đó, mỗi lần hoàn thành xong một công việc gì liên quan đến chữ cải tiến, ông Bùi Hiền lại viết email cho tôi để chia sẻ.

Ông vui mừng kể sau bài báo của tôi, bên cạnh những người phản đối thì còn rất nhiều người ủng hộ, chẳng hạn những giáo viên ở Ninh Thuận, Sơn La, các chiến sĩ công an ở Quảng Ninh, một luật sư ở Canada hay bác lái xe ôm chăm đọc báo và biết chữ cải tiến của ông... Ông nhận được nhiều tin nhắn, email động viên. Đặc biệt có một học sinh đã viết thư cho ông bằng chữ cải tiến mà không mắc một lỗi chính tả nào. "Đấy là phần thưởng đầu tiên cho mình", ông nói.

Vị Phó giáo sư già từng làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với nghiên cứu bảng chữ viết mới - Ảnh 5.

Công trình nghiên cứu được đăng ký bản quyền

NVCC

Vào tháng đầu tháng 1.2018, sau khi làn sóng tranh cãi về công trình cải tiến chữ quốc ngữ hoàn thiện cả phần phụ âm lẫn nguyên âm của PGS-TS Bùi Hiền vừa lắng xuống, thì ông viết email cho tôi thông báo rằng toàn bộ công trình của ông đã được cấp giấy đăng ký bản quyền tác giả.

"Sở dĩ tôi đăng ký bản quyền tác giả là để chống sự xuyên tạc của một số bạn không đồng tình với công trình này của tôi. Chứ không phải tôi sợ công trình của mình bị ăn cắp nên đi đăng ký. Thực tế sau khi báo chí đưa tin về công trình nghiên cứu này, đã có một số bạn sử dụng chữ của tôi để viết xuyên tạc những câu thơ trong Truyện Kiều, nhưng lại viết sai. Đồng thời họ dùng chính chữ của tôi để chửi bới tôi, và gán ghép những luận điệu nhằm hại tôi. Do đó, tôi phải đăng ký để chữ cải tiến của mình không bị xuyên tạc nhằm vào mục đích xấu", PGS-TS Bùi Hiền chia sẻ.

Ông đã gửi cho tôi file tác phẩm Truyện Kiều gồm 3.254 câu thơ lục bát đã được "chuyển thể" sang chữ viết cải tiến. 

Vị Phó giáo sư già từng làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với nghiên cứu bảng chữ viết mới - Ảnh 6.

Năm nay, PGS-TS Bùi Hiền đã bước sang tuổi 89. Thế nhưng, qua hình ảnh ông gửi, qua những lần trò chuyện với ông trên Zalo, Facebook hay email, tôi biết sức khỏe ông khá ổn và đang có cuộc sống rất bình an, vui vẻ bên những người bạn già trong viện dưỡng lão EK Diên Hồng 5 ở Xuân Mai, Hà Nội.

Ông kể ở viện dưỡng lão, ông nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già là chính, nhưng vẫn không buông niềm đam mê nghiên cứu khoa học và tìm cách đưa chữ quốc ngữ cải tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS-TS Bùi Hiền (đeo kính) cùng bạn già trong viện dưỡng lão

NVCC

Có buổi sáng ông gửi cho tôi 3-4 bức ảnh ngồi câu cá với các cụ và nói "thích lắm bạn ạ, vừa câu được 3 kg cá trong ao của viện dưỡng lão Diên Hồng". Rồi ông còn nói khi nào có dịp ra Hà Nội mời tôi lên Diên Hồng làm phóng sự về mô hình chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam.

Ông tiếp tục gửi tôi các bài "Vai trò của chữ quốc ngữ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", "Cẩm nang chữ quốc ngữ cải tiến"... mà thời gian qua ông đã nghiên cứu, viết và chỉnh sửa.

Có lẽ trong những năm làm báo của tôi, PGS-TS Bùi Hiền là một nhân vật đặc biệt nhất, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất - kính trọng, quý mến, cảm phục và cả rưng rưng xúc động khi chứng kiến hình ảnh một ông cụ ở tuổi "thượng thọ" lẽ ra phải nghỉ ngơi mà vẫn miệt mài làm việc, miệt mài theo đuổi đam mê, luôn từ tốn, khiêm tốn và coi mọi ồn ã, xô bồ trong cuộc sống này nhẹ bỗng như không. 

Vị Phó giáo sư già từng làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với nghiên cứu bảng chữ viết mới - Ảnh 8.

Một vị phó giáo sư luôn từ tốn và có nụ cười hiền hậu

NVCC

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.