Vì sao Ngân hàng Thế giới hủy tài trợ dự án 10 triệu USD ở Khánh Hòa?

26/12/2023 10:42 GMT+7

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có thông báo hủy tài trợ hoàn toàn 2 hợp đồng trị giá hơn 10 triệu USD trong hợp phần 2 của tiểu Dự án môi trường bền vững tại TP.Nha Trang (viết tắt CCSEP Nha Trang).

Ngày 26.12, ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý Phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản gửi WB kiến nghị cho phép dùng nguồn vốn ngân sách địa phương thay cho nguồn vốn WB để thực hiện hợp phần 2 của Dự án CCSEP Nha Trang. "Hiện phía WB chưa có phản hồi về đề nghị trên của tỉnh, khi nào có ý kiến chính thức từ WB thì tỉnh sẽ có phương án triển khai tiếp theo", ông Hiến cho biết.

Dự án CCSEP Nha Trang được khởi công vào năm 2019 với 4 hợp phần, tổng mức đầu tư 72 triệu USD, trong đó, gần 61 triệu USD vốn vay từ WB và hơn 11 triệu USD nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Dự án có mục tiêu cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, giải quyết tình trạng ngập lụt, tăng khả năng thoát lũ, chống sạt lở 2 bờ sông Cái và nâng cao công suất Nhà máy xử lý nước thải phía nam.

Vì sao Ngân hàng Thế giới hủy tài trợ dự án 10 triệu USD ở Khánh Hòa?- Ảnh 1.

WB thông báo hủy hai hợp đồng thuộc hợp phần 2 thuộc tiểu Dự án môi trường bền vững tại TP.Nha Trang

THẾ QUANG

Tỉnh chậm trễ trong việc thu hồi đất và tái định cư

Trước đó, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB đã có thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc hủy tài trợ vốn đầu tư cho 2 hợp đồng thuộc hợp phần 2 thuộc Dự án CCSEP Nha Trang.

Hai hợp đồng trên gồm hợp đồng xây dựng kè và đường nam sông Cái Nha Trang, kè bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử (khu vực Tháp Bà Ponagar) có tổng vốn hơn 10 triệu USD (hơn 250 tỉ đồng).

Theo bà Carolyn Turk, trong cuộc họp ngày 12.7.2023, tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị World Bank tiếp tục tài trợ cho hai hợp đồng thuộc hợp phần 2 dự án. Tuy nhiên, do chậm trễ đáng kể trong thực hiện thu hồi đất và tái định cư cho hợp phần này nói riêng và cho tiểu dự án Nha Trang nói chung, cả công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như công tác thi công của hợp phần 2 đều không thể hoàn thành trước ngày kết thúc dự án, là ngày 30.6.2024.

Bà Carolyn Turk cũng đề nghị tỉnh Khánh Hòa hủy hoàn toàn hợp phần 2 khỏi tiểu dự án, để tránh mọi nhầm lẫn về việc liệu các hoạt động của hợp phần 2 có phải là một phần của dự án do WB tài trợ hay không.

Thế nhưng, phía tỉnh Khánh Hòa không thống nhất với yêu cầu trên của WB. Theo WB, nếu tỉnh quyết định tài trợ hoàn toàn cho các hoạt động của hợp phần 2 bằng nguồn vốn đối ứng thì nguồn vốn này phải được cấp trước khi bất kỳ hoạt động thu hồi đất và tái định cư nào thuộc hợp phần 2 được triển khai lại và trước ngày kết thúc dự án.

Trong thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bà Carolyn Turk cũng lưu ý, theo thỏa thuận với WB, các hoạt động thu hồi đất và bồi thường cho các hạng mục thuộc hợp phần 2 đã bị đình chỉ kể từ ngày 17.3.2023.

Trước ngày đình chỉ, công tác thu hồi đất và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã đạt được một số tiến độ. Do hợp phần 2 vẫn là một phần của dự án và công tác thu hồi đất và tái định cư đã được thực hiện ở mức độ hạn chế nên bắt buộc phải đảm bảo tuân thủ khung chính sách tái định cư và kế hoạch hành động tái định cư của tiểu dự án, đã được quy định trong Hiệp định vay và Hiệp định tài trợ của dự án.

Vì sao Ngân hàng Thế giới hủy tài trợ dự án 10 triệu USD ở Khánh Hòa?- Ảnh 2.

2 hợp đồng xây dựng kè và đường nam sông Cái Nha Trang, kè bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử bị WB hủy tài trợ

THẾ QUANG

Vì lý do này, đoàn công tác của WB đã tiến hành rà soát, thẩm định và phát hiện rằng, ở hợp phần 2, 76 hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận bồi thường, trong đó 60 hộ đã bàn giao đất cho tiểu dự án. Trong số 76 hộ bị ảnh hưởng, qua rà soát thẩm định cho thấy 50 phương án không tuân thủ khung chính sách tái định cư của dự án và kế hoạch hành động tái định cư của tiểu dự án. Do đó, 50 phương án bồi thường này cần phải được gửi cho WB xem xét và thông qua...

Kiến nghị WB cho phép dùng vốn ngân sách tiếp tục thực hiện dự án

Ngày 24.11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi bà Carolyn Turk về việc cho phép tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương thay cho nguồn vốn vay để thực hiện hoàn thiện hợp phần 2 Dự án CCSEP Nha Trang.

Tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc hủy hoàn toàn hợp phần 2 ra khỏi Dự án CCSEP Nha Trang sẽ gây bất lợi lớn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các hạng mục thuộc hợp phần 2 và khẳng định ngân sách địa phương hoàn toàn đủ khả năng cân đối để bố trí vốn thực hiện hợp phần 2.

Tuy nhiên, địa phương cần hoàn tất một số thủ tục như báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách để thực hiện; lập hồ sơ, thủ tục báo cáo Chính phủ thống nhất chủ trương cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để tiếp tục triển khai thực hiện hợp phần 2...

Vì sao Ngân hàng Thế giới hủy tài trợ dự án 10 triệu USD ở Khánh Hòa?- Ảnh 3.

Khánh Hòa kiến nghị WB cho phép dùng vốn ngân sách địa phương để tiếp tục Hợp phần 2 của dự án

THẾ QUANG

Từ đó, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị với WB cho phép khởi động lại các hoạt động thu hồi đất và bồi thường cho các hạng mục thuộc hợp phần 2 (đã bị đình chỉ kể từ ngày 17.3.2023) sau khi Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để tiếp tục triển khai thực hiện hợp phần 2 của Dự án CCSEP Nha Trang.

Trong trường hợp được sự chấp thuận của WB, tỉnh Khánh Hòa cam kết thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo tuân thủ theo Khung chính sách tái định cư và Kế hoạch hành động tái định cư theo hiệp định vay và tài trợ của dự án.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.