Vì sao rủi ro trên cao tốc tăng ?

11/07/2023 00:02 GMT+7

Đường nhỏ, ít làn, tốc độ giới hạn thấp, không có trạm dừng chân... là những bất cập chung của hệ thống cao tốc ở VN. Nhưng nhiều tài xế còn bức xúc khi một số tuyến cao tốc cắm biển báo lộn xộn, chất lượng mặt đường xuống cấp trầm trọng không được sửa chữa kịp thời, tiềm ẩn rủi ro cao.

Rối với "ma trận"biển báo

"Đi cao tốc mà có đoạn đang chạy 120 km/giờ, đột nhiên thấy biển 60 (tốc độ cho phép không quá 60 km/giờ - PV), mà trước đó không thấy biển báo 100 hay 80 để giảm tốc độ dần. Xe trước, xe mình và các xe sau đạp phanh chẳng khác gì dồn toa. Không giữ được khoảng cách là mệt luôn chứ chẳng đùa", anh Đ.Thi (TP.HCM) bức xúc kể lại hành trình qua tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hồi đầu tháng 6. Theo anh Thi, dù cho tuyến chính thông xe nhưng nhiều đoạn vẫn đang tiếp tục thi công, nhiều nút giao chưa hoàn thành nên một số điểm trên cao tốc chưa có con lươn cứng, khá nguy hiểm. Chưa kể nhiều chỗ đơn vị thi công lắp đặt biển giới hạn tốc độ, nhưng biển hết hạn chế lại không thấy.

Vì sao rủi ro trên cao tốc tăng ?  - Ảnh 1.

Một người điều khiển xe máy vô tư chạy lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An

Lê Lang

Rồi cùng trên tuyến cao tốc mà lúc thì giới hạn 100 km/giờ, đoạn thì 80 km/giờ, đoạn thì lại chỉ cho chạy 60 km/giờ. Đến khi ra khỏi cao tốc, đường dẫn vào QL1A thì giới hạn 60 km/giờ, rồi 40 km/giờ nhưng cũng không thấy biển hết giới hạn. "Cắm biển 100-80-60 xong hết hiệu lực 80 km/giờ thì vẫn không biết nên chạy 120 km/giờ hay 60 km/giờ. Đáng ra trên cao tốc là được thoải mái chạy tốc độ cao, chạy nhanh, nhưng đằng này thì lo chạy kịp biển báo đã hết hơi. Mình biết là công trình đang thi công nên phải giới hạn tốc độ để đảm bảo an toàn, nhưng như thế này rất khó cho tài xế. Nhiều khi biển báo bên công trường cắm không có hiệu lực nhưng tài xế chạy thì chịu, không phân biệt được đâu là bảng của ai nên mong là mấy anh cắm bảng cho rõ ràng", anh Đ.Thi nói.

Theo thông tin từ Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tình trạng "loạn" biển báo trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mà nhiều chủ phương tiện phản ánh là do còn một số đoạn chưa hoàn chỉnh, đang thi công gần vách núi. Đơn vị thi công lo ngại một số vật liệu sẽ văng ra và không may trúng vào các phương tiện, nên cần thiết phải hạn chế tốc độ. Trước đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu tuyến cao tốc này cũng đã yêu cầu chủ đầu tư, các cơ quan chức năng liên quan gắn thêm những biển báo hạn chế tốc độ ở những nơi còn thi công. Đoàn khảo sát dự án sau đó đã đi thực địa, nhận thấy một số vị trí không còn cần thiết đặt biển hạn chế 60 km/giờ nên tạm thời tháo trước để các phương tiện qua lại thuận tiện hơn. Tuy vậy, các tài xế cũng phải "méo mặt" vì loạn biển báo trên tuyến cao tốc này suốt hơn 1 tháng.

Tình trạng biển báo cắm loạn xạ trên cao tốc không phải xa lạ. Là lái xe chuyên vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng đi các tỉnh phía bắc, anh Trương Thanh Khang nhận xét tình trạng cắm biển báo, biển hướng dẫn giao thông một cách tùy tiện diễn ra ở nhiều tuyến đường, biển hướng dẫn giao thông cái này che lấp cái kia khá phổ biến. Cùng với đó, tình trạng những biển phụ được gắn kèm biển báo rất nhiều khiến người tham gia giao thông như bị rơi vào "ma trận".

Việt Nam có bao nhiêu cây số đường cao tốc?

Rủi ro từ những tuyến cao tốc xuống cấp

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhiều năm nay nhận về không ít lời phàn nàn về chất lượng, số vụ tai nạn cũng như sự cố gây kẹt xe nghiêm trọng ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ), trong năm 2021 tuyến cao tốc huyết mạch từ TP.HCM dài 62 km đi qua Long An, Tiền Giang này đã xảy ra 144 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6 người, bị thương 32 người. 

Từ đầu năm đến nay, tuyến đường này cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn liên hoàn dẫn đến thương vong. Tỷ lệ tai nạn có thể không cao bằng QL1, song vấn đề của cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tình trạng xuống cấp sau nhiều năm khai thác. Công trình thông xe từ năm 2010, sau khi dừng thu phí từ cuối năm 2018, lượng xe hay số vụ tai nạn trên cao tốc này đều tăng. 

Do không mất phí, lưu lượng phương tiện từ quốc lộ đi vào cao tốc này tăng rất cao so với thời điểm còn thu phí, với hàng chục ngàn lượt xe lưu thông mỗi ngày, cao điểm có thể lên đến hơn 51.000 lượt xe/ngày, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng nặng. Dọc tuyến có nhiều đoạn chắp vá, hàng rào gãy đổ, mố sắt nhô cao gây nguy hiểm. Hệ thống tín hiệu cảnh báo, đảm bảo an toàn ở 2 bên đường cũng đã bị hư hỏng nặng. Thực trạng này khiến tuyến đường huyết mạch giờ được nhiều tài xế ví là "con đường tử thần" khi thường xuyên xảy ra tai nạn.

Bộ trưởng GTVT: Tập trung làm bù các trạm dừng nghỉ cao tốc

Thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ GTVT chiều 10.7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung hoàn tất các thủ tục để đầu tư hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc hiện nay.

"Trước đây, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 không chú ý đến xây dựng trạm dừng nghỉ, nên hiện nay đang phải làm bù. Các đơn vị phải tập trung vào làm, hoàn tất các thủ tục, tiêu chuẩn. Với các quy chuẩn đã có ý kiến thông qua, phải làm nhanh, quyết liệt lên, đấu thầu rất nhanh để chọn các nhà đầu tư thì mới kịp khi giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam xong thì giai đoạn 1 cũng phải hoàn thành hệ thống các trạm dừng nghỉ", ông Thắng nêu.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường bộ VN triển khai các giải pháp đồng bộ, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX). Đề xuất sửa đổi theo thực tiễn nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt là lái xe sau đào tạo, triển khai thanh kiểm tra đào tạo lái xe. "Kết quả thanh tra đào tạo sát hạch GPLX trên 63 tỉnh, thành cả nước cho thấy có nhiều vấn đề. Các sở GTVT cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm hoạt động vận tải, chấn chỉnh cấp đổi GPLX", ông Thắng nhấn mạnh.

Năm 2023, Bộ GTVT được giao giải ngân số vốn kỷ lục hơn 90.000 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm đã giải ngân được 37%, cao so với mặt bằng chung, song để 6 tháng cuối năm giải ngân 63% còn lại là cả vấn đề rất lớn. "Số vốn này bằng cả nhiệm kỳ trước nên giải ngân phải quyết liệt, tranh thủ từng giây, từng phút một để đạt hiệu quả giải ngân. Các lãnh đạo bộ đã quyết liệt đi thị sát dự án và phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn", ông Thắng nêu và yêu cầu Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) tham mưu có chế tài xử lý với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân không đạt tiến độ. Vụ Tài chính (Bộ GTVT) hoàn thiện và sớm trình đề án thu phí đường bộ cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư.

Mai Hà

Bộ GTVT cũng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc VN (VEC) nâng cao trách nhiệm trong khắc phục sửa chữa hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý bảo trì. Đặc biệt là tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đều xuất hiện tình trạng hư hỏng, rạn nứt nền mặt đường, hằn lún vệt bánh xe tại một số vị trí. Tương tự, tại một số đoạn thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai, biển báo, sơn kẻ vạch, hệ thống báo hiệu đường bộ bị mờ gây khó khăn cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Chuyên gia cầu đường Vũ Thắng cho biết độ an toàn của cao tốc phụ thuộc 3 yếu tố. Thứ nhất là chất lượng công trình. Mặt đường phải phẳng, nhẵn, kiên cố, tất cả hệ thống báo hiệu, tín hiệu, chiếu sáng và các công trình phụ trợ phải đầy đủ. Hiện nay nhiều tuyến đường chưa đảm bảo tốt yếu tố này, đường lún, các hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, không khôi phục lại theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Các công trình phụ trợ không được giữ gìn trong tình trạng hoàn hảo. Trong yếu tố hạ tầng cũng ghi nhận lỗi bảo dưỡng công trình. Các quy định hiện hành đã đặt ra đầy đủ hệ thống và phân công tới từng đơn vị để chịu trách nhiệm nhưng nhiều đơn vị quản lý vẫn chưa làm tốt những quy định tiêu chuẩn.

Thứ hai là yếu tố con người. Người điều khiển phương tiện trên cao tốc phải tuân theo tất cả chỉ dẫn, đơn cử như chạy đúng làn, đúng tốc độ quy định, nhưng trên thực tế nhiều tài xế vẫn chạy ẩu, vi phạm.

Cần tổng rà soát về chất lượng quản lý của hệ thống cao tốc

Chuyên gia cầu đường Vũ Thắng phân tích: "Về cơ bản, các tuyến đường cao tốc đều được thiết kế, xây dựng theo các quy chuẩn. Vấn đề là anh quản lý có đúng với quy chuẩn của tuyến đường hay không. Đường quá tải thì xe chạy trên đó phải khác với chạy trên đường lưu lượng phương tiện thấp. Đường chật, xe đông nhưng quản lý không theo kịp ắt sẽ phát sinh hệ lụy, hệ số tai nạn sẽ tăng lên. Cần một cuộc tổng rà soát để có cái nhìn tổng quan về chất lượng quản lý của hệ thống cao tốc hiện nay".

Thứ ba là phương tiện. Trước khi lưu thông lên đường cao tốc các xe phải được kiểm tra, kiểm định đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn.

Theo ông Vũ Thắng, quy hoạch thiếu tầm nhìn, triển khai công trình chậm trễ là thực trạng, song để xảy ra tai nạn thì lỗi chính nằm ở khâu quản lý. Quy định về các loại đường cao tốc hiện vẫn chưa được áp dụng theo từng loại cụ thể. Đơn cử, di chuyển trên đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp sẽ cần thêm những điều kiện, lưu ý đặc biệt hơn so với trên các tuyến đường có đầy đủ các làn thiết kế, trang bị... Những tuyến cao tốc có lưu lượng xe tăng nhanh thì phải có giải pháp để hạn chế tác động xấu, phải "chăm" kỹ hơn, tăng thời gian tuần tra, tăng tần suất đi kiểm soát, sửa chữa nhanh hơn những chỗ hư hỏng... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.