Việt Nam - Campuchia 10 năm 'Ươm mầm hữu nghị'

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
08/11/2022 06:00 GMT+7

Chương trình 'Ươm mầm hữu nghị' với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên nước bạn Campuchia ,

Ra đời từ năm 2012, chương trình “Ươm mầm hữu nghị” với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên nước bạn Campuchia, góp phần “ươm mầm” những nhịp cầu hữu nghị lâu dài giữa nhân dân hai nước.

Chiều 6.11, trong khuôn khổ gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ 5, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm chương trình “Ươm mầm hữu nghị” và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các tổ chức hữu nghị nhân dân hai nước.

Sự kiện có sự tham gia của đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do bà Men Sam An, Phó chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó thủ tướng Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam, làm trưởng đoàn.

Gần 500 sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tuấn Khanh, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, cho biết chương trình “Ươm mầm hữu nghị” ra đời từ năm 2012 trong bối cảnh quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác trên lĩnh vực GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực.

Chương trình ra đời nhằm góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ lưu học sinh, sinh viên (SV) Campuchia học tập tại Việt Nam có điều kiện học tập tốt nhất trong khả năng có thể, để sau khi tốt nghiệp về nước, các bạn sẽ là nguồn nhân lực quan trọng, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia, đồng thời là nhịp cầu hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Bà Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam (thứ 2 từ trái sang) và bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, trao bằng khen của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho các tập thể có thành tích xuất sắc

HOÀNG GIÁP

Qua 10 năm, chương trình đã được tổ chức dưới nhiều hình thức trên nguyên tắc tự nguyện, thiết thực và hiệu quả. Theo đó, tập thể, gia đình, cá nhân nhận đỡ đầu trực tiếp một hoặc một số SV, trên cơ sở có sự đồng ý của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Campuchia tại Việt Nam . Tập thể, cá nhân hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết để cải thiện điều kiện sinh hoạt và học tập của SV tại các cơ sở GD-ĐT; khen thưởng, trao tặng học bổng cho các SV có tinh thần vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập; thăm hỏi động viên, tặng quà các SV có hoàn cảnh khó khăn hoặc khi ốm đau; tổ chức cho SV đi tham quan, tìm hiểu thực tế tại các khu di tích lịch sử, cơ sở văn hóa, kinh tế - xã hội, danh lam thắng cảnh ở các địa phương...

Phong trào đỡ đầu trực tiếp, khởi sự ban đầu có 12 gia đình nhận đỡ đầu cho 34 SV Campuchia đang học tập ở Hà Nội và Thái Bình. Đến nay, chương trình đã phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành phố có SV Campuchia theo học với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân với gần 500 SV được nhận đỡ đầu.

Cũng trong 10 năm qua, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp các cấp, ngành, địa phương tổ chức hàng trăm hoạt động hỗ trợ hàng ngàn lượt SV dưới những hình thức như khen thưởng, tặng quà, trao học bổng, tổ chức gặp gỡ, giao lưu hữu nghị… giúp đỡ SV an tâm học tập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.

Thành công bước đầu của chương trình là hầu hết các bạn SV đều tự tin và có kết quả học tập tốt, đạt loại khá, giỏi, xuất sắc trong các kỳ thi tốt nghiệp. Các bạn sau khi về nước đều có việc làm ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo và có nhiều cơ hội phát triển, có bạn đã học lên thạc sĩ, tiến sĩ và vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về một thời SV học tập ở Việt Nam , vẫn thường xuyên liên lạc, tâm sự, chia sẻ vui buồn với tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu ở Việt Nam như những người thân trong gia đình.

Ông Lê Tuấn Khanh cho biết thêm Quốc vương Norodom Sihamoni và Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, đồng thời giao nhiệm vụ cho hội hữu nghị của hai nước có trách nhiệm chăm lo giáo dục, giúp đỡ thế hệ trẻ, học sinh, SV hai nước có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.

Mong chương trình lan tỏa hơn nữa

Tại hội nghị, anh Thon Bunheng (32 tuổi) chia sẻ anh sinh ra và lớn lên tại huyện Mesang (tỉnh Prey Veng, Campuchia) và mới tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Anh Thon Bunheng cho biết đã qua Việt Nam học tập từ năm 2009. Những bước chân đầu tiên khi sang đến Việt Nam, Thon Bunheng và các bạn SV Campuchia khác gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp… Tuy nhiên được sự quan tâm của nhà trường, thầy cô và các bạn SV Việt Nam luôn động viên và giúp đỡ, các bạn SV Campuchia từng ngày khắc phục được khó khăn và vươn lên học tập tốt. Đặc biệt hơn nữa, Thon Bunheng còn được ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Công ty xây dựng Huy Thước (TP.HCM), đỡ đầu trong chương trình “Ươm mầm hữu nghị”.

“Từ khi được đỡ đầu, em cảm thấy mình như có người thân bên cạnh và được quan tâm trong lúc khó khăn, thậm chí chia sẻ những tâm sự vui buồn. Bố mẹ đỡ đầu đã luôn động viên, giúp đỡ và cho em được tham gia tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của Việt Nam như lễ tết, đi tham quan những địa điểm văn hóa, lịch sử”, Thon Bunheng xúc động.

Thon Bunheng cho biết anh mong muốn chương trình “Ươm mầm hữu nghị” ngày càng lớn rộng hơn nữa để tạo điều kiện cho nhiều bạn SV được tham gia, giúp các bạn SV Campuchia có nền tảng tốt khi đi làm và hơn nữa làm cầu nối về kinh tế, du lịch, văn hóa để duy trì bền vững mối quan hệ tốt đẹp của hai nước Việt Nam - Campuchia.

Tình đoàn kết không ngừng phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng cận kề. Nhân dân hai nước vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh bên nhau, đoàn kết và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, kể cả bằng xương máu của mình trong cuộc kháng chiến vì nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đánh đổ chế độ diệt chủng, bảo vệ thành quả xã hội và phát triển đất nước phồn vinh. Tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia vẫn không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, cả ở cấp T.Ư và địa phương.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đề nghị thời gian tới cần đẩy mạnh chương trình “Ươm mầm hữu nghị”, giúp đỡ các bạn học sinh, SV Campuchia đang học tập tại Việt Nam, tạo điều kiện giúp đỡ SV an tâm học tập, nâng cao nhận thức về truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước; khuyến khích, mở rộng hình thức tập thể, gia đình, cá nhân tự nguyện nhận đỡ đầu trực tiếp.

Dịp này, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia trao bằng khen cho 6 tập thể và 10 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác ươm mầm hữu nghị giai đoạn 2012 - 2022. Ngoài ra, 75 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương vì tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Giai đoạn 2022 - 2027, trên cơ sở xã hội hóa nguồn lực, chương trình “Ươm mầm hữu nghị” phấn đấu trung bình mỗi năm nhận đỡ đầu trực tiếp từ 80 - 100 SV; từ 2 - 3 chuyến tham quan, tìm hiểu thực tế, giao lưu hữu nghị với các địa phương, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho các SV Campuchia đang học tập tại Việt Nam. Mục tiêu là đưa chương trình phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Phát huy truyền thống hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri

Ngày 7.11, tại TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông), UBND tỉnh Đắk Nông, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam cùng phối hợp tổ chức chương trình “Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ 5”. Tham dự chương trình có ông Vann Phal, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - VN, Trưởng đoàn đại biểu Campuchia; ông Lê Hồng Liêm, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam ; bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam , cùng các cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông.

Sau khi đến tham quan Nhà máy Alumin Nhân Cơ (H.Đắk R’lấp), đoàn đại biểu của hai nước gặp gỡ, giao lưu với cựu quân nhân tình nguyện, cựu chuyên gia, Bộ đội biên phòng và Tỉnh đoàn Đắk Nông. Tại buổi gặp gỡ, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết địa phương luôn phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc. Những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) đã đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng

Xuân Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.