Vụ 'bác sĩ Trần Khoa': Đánh vào lòng trắc ẩn để quyên góp từ thiện

Ngọc Lê
Ngọc Lê
13/08/2021 09:10 GMT+7

Có những nhóm gồm nhiều người, sử dụng những kịch bản giả nhằm đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng để kêu gọi, quyên góp từ thiện rồi chiếm đoạt. Mới đây là câu chuyện hư cấu về "bác sĩ Trần Khoa".

Liên quan vụ việc “bác sĩ Trần Khoa nhường máy thở người nhà cho sản phụ” lan truyền trên mạng xã hội tối 7.8, Sở TT-TT TP.HCM nhận định có một nhóm dựng lên và khởi nguồn phát tán thông tin này bao gồm một số tài khoản giả nhưng tương tác thật. Cơ quan chức năng đang xác minh các tài khoản trên có hành vi giả mạo thông tin để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM hay không.
Từ vụ việc này, một số chuyên gia an ninh mạng cho rằng việc kêu gọi, quyên góp từ thiện trên mạng xã hội hiện nay có nhiều biến tướng, vì vậy người dân cần cảnh giác. 

Nhóm "bác sĩ Khoa" dùng tên giả nhưng tương tác thật, hoạt động có tổ chức

Trả lời PV Thanh Niên, ông Võ Khánh Thiên (chuyên gia giám sát thông tin, Trung tâm an ninh mạng ATHENA) cho biết, hiện nay có những tổ chức, nhóm gồm nhiều người, sử dụng những kịch bản khác nhau để đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng.
Cụ thể, họ lợi dụng chuyện đau ốm, dịch bệnh Covid-19, thiên tai lũ lụt, rồi dựng lên những câu chuyện đau buồn để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Có thể họ tạo CMND giả, tài khoản ngân hàng giả thực hiện giao dịch để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Điển hình như kịch bản trong vụ việc hư cấu về “bác sĩ Trần Khoa” mà họ sử dụng.

Kịch bản giả nhưng tiền mất thật

Ông Thiên phân tích, họ sử dụng nhiều tài khoản ảo, nhưng thực tế là thật vì có sự tương tác, có kết bạn bè qua lại, có bình luận, chia sẻ... Chỉ có tên người đăng ký tài khoản Facebook đó là không thật, nếu người bình thường nhìn vào cứ nghĩ đó là tài khoản thật. Sau đó, họ đưa ra những câu chuyện lấy sự thương cảm, lấy nước mắt của người khác để kêu gọi quyên góp. Như vậy, nhân vật trong câu chuyện là giả, kịch bản là giả nhưng cái thật là tiền của những người bị đánh lừa khi vào quỹ sẽ thành tiền riêng của nhóm thực hiện.  
Theo ông Thiên, trước đây hoạt động của các tổ chức này đơn lẻ, không gây chú ý lớn nên ít người để ý. Nếu việc tung tin các câu chuyện giả mạo trên mạng nhằm mục đích lợi dụng lòng tốt để chiếm đoạt tiền quyên góp của những người hảo tâm thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

TP.HCM đã ghi nhận hơn 139.000 ca Covid-19 cộng đồng, tổng cộng 65.135 bệnh nhân hồi phục

Không nên đưa hình ảnh của cá nhân, gia đình lên mạng

Trước tình trạng sử dụng hình ảnh của người khác để lập tài khoản trên mạng xã hội, ông Võ Khánh Thiên nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu xác định được thông tin tài khoản nào là giả mạo, cần báo cáo Facebook để khóa tài khoản đó lại, báo cho người khác biết để phòng ngừa.
“Như trong vụ việc “bác sĩ Trần Khoa”, khi lực lượng chức năng chưa vào cuộc thì khó xác định được Facebook đó là giả. Bởi đối tượng sử dụng thông tin, hình ảnh của cá nhân ở nước ngoài, mọi thông tin trên Facebook Trần Khoa ai nhìn vào cũng nghĩ là có bác sĩ Khoa. Thậm chí không ít người khẳng định rằng bác sĩ Khoa là bạn của mình. Trước thủ đoạn tinh vi của các đối tượng như trên, việc quyên góp từ thiện trên mạng không nên làm theo phong trào để tránh bị lừa, mất tiền oan”, ông Thiên nhấn mạnh.
Một nguồn tin từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm về sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an cho biết, có tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức sẽ viết lên câu chuyện cảm động đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng mạng như câu chuyện của “bác sĩ Trần Khoa”. Vì vậy người dân khi đóng góp từ thiện, phải tìm hiểu kỹ cá nhân đó, tổ chức đó có uy tín không, để tránh bị lừa.
Nguồn tin này cũng cảnh báo, người dùng mạng xã hội không nên đưa hình ảnh gia đình, người thân, hình ảnh về giấy tờ của mình như căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu… lên mạng vì rất dễ bị đối tượng lấy sử dụng vào mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.