Vụ học sinh bị thương vì nổ ống nghiệm: Làm sao để đảm bảo an toàn?

Bích Thanh
Bích Thanh
24/01/2024 18:33 GMT+7

Sau sự việc học sinh bị thương trong giờ thực hành ở phòng thí nghiệm, giáo viên đưa ra những lưu ý để đảm bảo an toàn.

Vụ học sinh bị thương vì nổ ống nghiệm: Làm sao để đảm bảo an toàn?- Ảnh 1.

Học sinh và giáo viên cần lưu ý về tính an toàn trong thực hành thí nghiệm

BẢO CHÂU

Tập huấn cho học sinh

Mới đây, 5 học sinh tại Trường THPT Châu Văn Liêm (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) bị thương nhẹ sau sự cố nổ ống nghiệm trong giờ thực hành môn hóa học. Trước đó, cũng có nhiều vụ học sinh bị thương khi làm thí nghiệm.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao để bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia các tiết thực hành trong phòng thí nghiệm.

Về vấn đề này, các giáo viên bộ môn vật lý, hóa học cho rằng phải có nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho biết, trong yêu cầu cần đạt môn hóa học của Chương trình GDPT 2018, học sinh phải được thực hành và thao tác với dụng cụ. Qua đó, học sinh nghiên cứu nội dung liên quan đến tính chất hóa học, điều chế, ứng dụng.

Chính vì vậy, thạc sĩ Thanh cho rằng việc quản lý học sinh tại phòng thí nghiệm là cần thiết để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Theo thầy Thanh, vào đầu năm học, tổ bộ môn cần có 1-2 tiết tập huấn kỹ năng để học sinh nắm được nội quy, quy tắc an toàn khi vào phòng thí nghiệm. Nếu sự cố xảy ra thì giáo viên cùng học sinh (đã được tập huấn) sẽ không hoang mang, hốt hoảng và biết cách ứng phó theo đúng quy trình an toàn.

Vụ học sinh bị thương vì nổ ống nghiệm: Làm sao để đảm bảo an toàn?- Ảnh 2.

Học sinh đọc kỹ nội quy và thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên

BẢO CHÂU

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền nhấn mạnh thầy cô cần quán triệt cho học sinh chỉ được làm thí nghiệm khi có sự hiện diện của giáo viên trong phòng thí nghiệm, phải mặc áo blouse, mang kính bảo hộ, găng tay cao su, nữ phải cột tóc gọn gàng... Học sinh tuyệt đối không ăn hoặc uống, chạy, nhảy trong phòng thí nghiệm. Các em không được đặt mắt trực tiếp từ trên nhìn xuống ống thí nghiệm, nếu có sự cố phải báo ngay cho giáo viên, chuyên viên phòng thí nghiệm phối hợp xử lý.

Vẫn còn giáo viên "đốt cháy" giai đoạn

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nhấn mạnh an toàn trường học là công việc không đợi đến mùa, đến tháng, đến năm hay khi có sự cố mới lưu ý mà cần giám sát thường xuyên. Đặc biệt với phòng thí nghiệm, có hóa chất có thể gây nguy hiểm nên cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn.

Theo thầy Phú, giáo viên và học sinh cần được trang bị bảo hộ trong phòng thí nghiệm. Trước khi vào phòng thí nghiệm, học sinh phải đọc kỹ nội quy, giáo viên hướng dẫn từng loại dụng cụ và thị phạm thực hành trước khi cho học sinh thực hiện.

Từng là giáo viên hóa học, thầy Phú chỉ ra rằng vẫn còn bộ phận giáo viên "đốt cháy" giai đoạn, yêu cầu học sinh thực hành theo mệnh lệnh mà không thị phạm nên khi có sự cố, không kịp thời xử lý, còn học sinh thì không biết ứng phó như thế nào. "Các thao tác và quy trình nếu bất cẩn sẽ gây ra những hậu quả khó lường đến sức khỏe học sinh lẫn giáo viên".

Chính vì vậy, ông Phú cho rằng để đảm bảo an toàn, giáo viên và học sinh cần nắm vững nội quy, thực hiện đúng quy trình thực hành thí nghiệm. Nhà trường cũng phải lưu ý giáo viên kiểm tra thiết bị cơ sở vật chất đúng quy định, tiêu chuẩn thiết bị…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.