Vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ: Yêu cầu khảo sát tìm giải pháp xử lý

Quế Hà
Quế Hà
04/05/2023 19:44 GMT+7

Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu báo cáo vụ việc sạt lở cũng như đánh giá nguyên nhân xung quanh vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ xuống Bàu Bà, thuộc danh thắng Bàu Trắng, xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình, Bình Thuận).

Yêu cầu khảo sát tìm giải pháp xử lý khẩn cấp vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ 

Sau khi Báo Thanh Niên đăng tin đồi cát Trinh Nữ thuộc điểm du lịch Bàu Trắng bị sạt lở khoảng 1.500 m2 xuống Bàu Bà, thuộc danh thắng Bàu Trắng, xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình), ngay trong chiều 3.5, Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn gửi Huyện ủy Bắc Bình và các sở ngành liên quan, yêu cầu báo cáo rõ sự việc; đồng thời phối hợp với UBND H.Bắc Bình khảo sát thực địa, đánh giá mức độ, nguyên nhân.

Lạ lùng đồi cát nổi tiếng ở Bình Thuận bỗng dưng sạt lở xuống Bàu Bà

Sáng 4.5, PV Thanh Niên có mặt tại hiện trường ghi nhận thực tế và tình trạng sạt lở không còn diễn ra.

Vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ : yêu cầu khảo sát tìm giải pháp xử lý - Ảnh 1.

Khu sạt lở ở đồi cát Trinh Nữ, ảnh chụp sáng 4.5

QUẾ HÀ

Khu vực sạt lở được ghi nhận khoảng 1.500 m2, cát trên đồi sạt xuống hồ nước tạo thành 1 đường cung. Ban quản lý điểm du lịch Bàu Trắng đã cho làm hàng rào bao quanh vị trí sạt lở nhằm ngăn chặn sự tiếp cận, đảm bảo an toàn cho du khách.

Ngay trong chiều 4.5, UBND H.Bắc Bình chủ trì, phối hợp đại diện Sở TN-MT, Sở NN-PTNT và Sở VH-TT-DL tiến hành khảo sát tại vị trí sạt lở. Theo đó, các cơ quan trên sẽ có đánh giá mức độ nghiêm trọng đến đâu, hướng xử lý như thế nào để tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận vào ngày 7.5.

Vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ : yêu cầu khảo sát tìm giải pháp xử lý - Ảnh 2.

Khu vực sạt lở ở đồi cát Trinh Nữ thành eo vòng cung nếu nhìn từ trên cao

QUỐC TUẤN

Mời các nhà khoa học và chuyên gia đến khảo sát

Ngay trong chiều 4.5, UBND H.Bắc Bình và Sở VH-TT-DL Bình Thuận đã có báo cáo khẩn đến UBND tỉnh, sau kiểm tra sự cố sạt lở đồi cát Trinh Nữ.

Trong báo cáo, Sở VH-TT-DL Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở KH-CN chủ trì, cùng UBND H.Bắc Bình mời các nhà khoa học, chuyên gia liên quan lập đoàn khảo sát đánh giá nguyên nhân sạt lở và đưa ra giải pháp phòng chống.

Đồng thời, khẩn trương lựa chọn đơn vị tham gia thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh theo đề xuất của Sở VH-TT-DL đã được duyệt có chủ đề: "Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo và phát huy thắng cảnh Bàu Trắng, góp phần phát triển du lịch bền vững".

Vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ : yêu cầu khảo sát tìm giải pháp xử lý - Ảnh 3.

Cát tràn lấn ra giữa Bàu Bà thu hẹp mặt hồ nước ngọt có từ lâu đời bên cạnh đồi cát Trinh Nữ

QUẾ HÀ

Đồng thời, Sở VH-TT-DL Bình Thuận cũng kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở TN-MT phối hợp Sở NN-PTNT kiểm tra, rà soát lại tổng thể hiện trạng việc sử dụng đất (trong vùng bảo vệ 1, vùng bảo vệ 2) của di tích thắng cảnh Quốc gia Bàu Trắng. Dựa trên cơ sở đó, có ý kiến cụ thể việc quản lý, sử dụng đất đai tại điểm du lịch Bàu Trắng hiện nay có đúng với quy định pháp luật về đất đai hay không.

Kiến nghị giao cho Sở KH-ĐT phối hợp Sở VH-TT-DL và UBND H.Bắc Bình đánh giá việc các doanh nghiệp đang tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ tại thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng có đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư hay không.

Vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ : yêu cầu khảo sát tìm giải pháp xử lý - Ảnh 4.

Người dân địa phương canh tác và chăn nuôi dựa vào Bàu Ông, Bàu Bà với nguồn nước ngọt không bao giờ cạn bên cạnh "tiểu sa mạc" Trinh Nữ

QUẾ HÀ

Từ đó, đưa ra các giải pháp chấn chỉnh, quản lý hiệu quả nhằm phát huy danh thắng, phát triển du lịch tại thắng cảnh quốc gia này.

Nguyên nhân sạt lở từ đâu ?

Theo TS Đinh Kiệm (giảng viên chuyên ngành Du lịch), đồi cát Trinh Nữ ở Bàu Trắng là một tài nguyên du lịch ven biển đặc sắc không nơi nào có được. Ở đây có hồ thiên nhiên rộng lớn chưa từng cạn nước, lại nằm ngay sát ở một đồi cát được mệnh danh là "tiểu sa mạc" ven biển.

"Tuy nhiên, hiện nay với việc khai thác ồ ạt, thiếu kiểm soát dưới dạng du lịch đại trà (Mass Tourism) bộc lộ nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến sự bền vững của tài nguyên thiên nhiên vô giá này", TS Đinh Kiệm nêu.

Vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ : yêu cầu khảo sát tìm giải pháp xử lý - Ảnh 5.

Du khách khắp nơi đến danh thắng Bàu Trắng trải nghiệm chạy xe địa hình trên đồi cát Trinh Nữ

QUẾ HÀ

Cũng theo TS Đinh Kiệm, đặc điểm đồi cát Trinh Nữ trong danh thắng Bàu Trắng cách biển chừng 1,5 km, có dạng cấu tạo rất đặc biệt. Các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực này cho rằng, dạng địa hình như đồi Trinh Nữ được tạo thành trong thời kỳ đệ tứ, cách đây hơn 4.000 năm. "Đây là dạng đồi cát ven biển Bình Thuận và Nam Trung bộ, thời kỳ biển tiến vào lục địa, đẩy các dạng vật liệu cát biển và trầm tích ven bờ vào sâu trong nội địa, có nơi tiến vào đất liền vài cây số như ở Tân Thành - Hàm Thuận Nam, Hàm Đức - Hàm Thuận Bắc, Hòa Thắng - Bắc Bình, Bình Thạnh - Tuy Phong", TS. Đinh Kiệm dẫn chứng từ các nguồn tài liệu.

Vụ sạt lở đồi cát Trinh Nữ : yêu cầu khảo sát tìm giải pháp xử lý - Ảnh 6.

Sở VH-TT-DL Bình Thuận kiến nghị cần đánh giá lại việc thực hiện pháp luật tại Bàu Trắng đối với việc sử dụng đất đai, đầu tư để bảo tồn và phát huy danh thắng quốc gia này

QUẾ HÀ

"Theo tôi, cần trưng cầu ý kiến các chuyên gia về môi trường, địa chất để cho phép (hay không) các phương tiện xe cơ giới chạy trên đồi cát, bao gồm cả các hoạt động dân sinh quanh hồ nước bàu Bà và ở đồi cát Trinh Nữ như hiện nay. Lưu ý, hiện nay đồi cát Trinh Nữ đang cạn dần, chân móng có cấu tạo không bền vững, do đó không nên tiếp tục cho phép các loại xe cơ giới nặng, xe địa hình chạy trượt trên đồi cát dễ gây sụp lở ở các khu vực tiếp giáp bàu nước", TS.Đinh Kiệm đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.