Vụ sông Mã bị ô nhiễm: Thanh Hóa xác minh thông tin Báo Thanh Niên phản ánh

15/05/2024 10:15 GMT+7

Sở TN-MT Thanh Hóa sẽ chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan để kiểm tra và xử lý vi phạm luật Bảo vệ môi trường đối với việc sông Mã đang bị ô nhiễm.

Ngày 15.5, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh này vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng vào cuộc xác minh, xử lý tình trạng sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng, như phản ánh của Báo Thanh Niên.

Hơn 14 tấn cá lồng của người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy bị chết do nước sông Mã ô nhiễm nghiêm trọng

Hơn 14 tấn cá lồng của người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy bị chết do nước sông Mã ô nhiễm nghiêm trọng

PHÚC NGƯ

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở TN-MT Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa, Sở NN-PTNT Thanh Hóa và các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm minh vi phạm luật Bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, như thông tin Báo Thanh Niên phản ánh.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa, cho biết sau khi UBND tỉnh có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm trên sông Mã mà Báo Thanh Niên phản ánh, đơn vị này đang triển khai việc lấy ý kiến các đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương xảy ra tình trạng cá chết, để xác định nhiệm vụ trọng tâm nhất cần triển khai là gì, nhằm tìm ra nguyên nhân sông Mã ô nhiễm.

Ông Toàn cũng nhận định việc tìm ra nguyên nhân sông Mã ô nhiễm không hề đơn giản, cần có cơ quan có nghiệp vụ điều tra; và nếu phát hiện cơ sở gây ô nhiễm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Vụ sông Mã bị ô nhiễm: Thanh Hóa xác minh thông tin Báo Thanh Niên phản ánh- Ảnh 2.

Nước sông Mã khu vực hồ thủy điện Bá Thước 2 (H.Bá Thước) đen ngòm thời gian qua

MINH HẢI

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, từ ngày 20.3 đến nay, cá lồng của người dân và các loài thủy sản tự nhiên trên sông Mã qua địa bàn các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy chết hàng loạt. Đến nay đã có hơn 14 tấn cá lồng bị chết, các loài thủy sản tự nhiên chết không được thống kê.

Kết quả phân tích các mẫu cá chết xác định cá không bị nhiễm dịch bệnh; không phát hiện các loại vi khuẩn nguy hiểm gây hại cho cá. Kết quả phân tích các mẫu nước của Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa (thuộc Sở TN-MT Thanh Hóa) cho thấy ở nhiều vị trí khác nhau nguồn nước sông Mã đang rất xấu, có nồng độ chất gây ô nhiễm cao.

Cụ thể, có tới 14/15 mẫu nitơ chỉ đạt mức C (chất lượng nước xấu; hệ sinh thái trong nước có hàm lượng ô xy hòa tan giảm mạnh do chứa một số lượng lớn các chất ô nhiễm); 3/15 mẫu thông số BOD5 chỉ đạt mức C; 1 mẫu thông số COD đạt mức C. Đặc biệt, có 7/15 mẫu chỉ số DO (ô xy hòa tan) chỉ đạt mức D chất lượng nước rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước do nồng độ ô xy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao); 3/15 mẫu chỉ số BOD5 ở mức D; 2/15 mẫu chỉ số COD ở mức D; và 1/15 chỉ số nitơ ở mức D.

Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa cũng cho biết, từ kết quả nói trên cho thấy đa số các khu vực kiểm tra hàm lượng ô xy hòa tan thấp, có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu COD, BOD5, tổng nitơ và không loại trừ khả năng ô nhiễm do chất thải công nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.