‘Cái khó ló cái khôn’

16/06/2014 16:13 GMT+7

Thực tế trong nhiều năm qua, Trung Quốc thường có mặt trong các dự án của Việt Nam và họ thường thắng thầu theo lối tổng thầu EPC, BOT. Cách để có thể thắng thầu của họ? Đó là họ bỏ thầu với giá cực thấp để "đè" đối thủ, rồi thì hứa hẹn cũng rất ngọt tai.

Thực tế trong nhiều năm qua, Trung Quốc thường có mặt trong các dự án của Việt Nam và họ thường thắng thầu theo lối tổng thầu EPC, BOT.

>> Bị đối tác Trung Quốc chơi xấu
>> Rút nhà thầu, Trung Quốc chịu thiệt đầu tiên
>> Phạt nhà thầu Trung Quốc 570 triệu đồng
>> Xử phạt hai nhà thầu Trung Quốc thi công cảng Vĩnh Tân
>> Phạt nhà thầu Trung Quốc 6 triệu USD

Cách để có thể thắng thầu của họ? Đó là họ bỏ thầu với giá cực thấp để "đè" đối thủ, rồi thì hứa hẹn cũng rất ngọt tai. Sau đó thì làm chậm chạp và "chạy" để được cấp thêm vốn với vô vàn lý do khéo léo. Bên cạnh đó là cách "ngoại giao", vốn được coi là thế mạnh của các doanh nghiệp châu Á, cái mà ở châu u, châu Mỹ, họ không hề biết.

Như trong bài viết trước, khi đề cập tới vấn đề an ninh năng lượng của chúng ta đang "có vấn đề" trong nhiều năm Trung Quốc thắng thầu liên tục, để rồi tới giờ, chất lượng kém cỏi, phụ tùng thay thế khó tìm được thứ tương thích của nước khác. Vậy là lại phải tìm cách đặt mua của Trung Quốc với giá cao.

 ‘Cái khó ló cái khôn?’
Dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh bị đội vốn lên 62% - Ảnh: Ngọc Thắng

Tất cả những chuyện tương tự diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác, nó cũng chẳng khác gì nhau. Chính vì vậy, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào Trung Quốc rất lớn ở khía cạnh khác (không phải chỉ là câu chuyện vốn vay của Trung Quốc - hiện nay với Trung Quốc thực sự là không lớn, như vừa rồi, trên diễn đàn Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng khẳng định).

Nếu năm 2012 chúng ta nhập siêu 16,4 tỉ USD thì nó đã gấp tới 85 lần so với năm 2001. Năm 2013, ta nhập siêu 23,7 tỉ USD (kim ngạch nhập khẩu gần 38 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Điều đáng lo là chúng ta nhập khẩu 70,9% điện thoại và linh kiện điện tử; nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may tới 46-47%; phân bón tới 50% rồi thuốc bảo vệ thực vật tới 44,6%. Như vậy, chúng ta có thể thấy giá sản phẩm mà dân mình chấp nhận chắc rất hấp dẫn. Song liệu ai có thể đảm bảo chất lượng của chúng ra sao, nhất là những thứ liên quan tới đời sống sức khoẻ của người dân liệu có an toàn?

Hiện chúng ta có 41/76 dây chuyền sản xuất xi măng là dây chuyền hoặc đồng bộ, hoặc là những công đoạn chủ yếu sử dụng thiết bị công nghệ của Trung Quốc (chiếm 54%).

Ở lĩnh vực khai thác khoáng sản, Trung Quốc trúng thầu 87%; phân đạm, hoá chất chiếm 60%. Họ đang có nhiều dự án lớn đáng lưu ý như dự án Alumin Nhân Cơ, Alumin Tân Rai, các nhà máy Đạm Hà Bắc, Ninh Bình, Cà Mau...

Đến như lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông mà tôi được biết, đã có tới 80% vật tư thiết bị cơ sở hạ tầng của một vài tập đoàn lớn là của Trung Quốc. Trên thế giới, có nhiều nước đã có những biện pháp "cấm cửa" một vài doanh nghiệp Trung Quốc bởi đã đe dọa tới an ninh của nước họ. Còn Việt Nam thì không rõ liệu có chuyện gì không khi thấy doanh nghiệp này cũng có mặt tại nước ta.

Còn trên lĩnh vực đầu tư giao thông thì thật đáng lo, điển hình là Dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh tại Hà Nội, chỉ sau có 2 năm thi công đã phải điều chỉnh, bị đội vốn tới 62% khiến dư luận cả nước "sôi sùng sục" bởi cung cách làm ăn kỳ lạ của Việt Nam. Được biết, các công ty của Trung Quốc đã trúng 17 gói thầu của 9 dự án lớn trên lĩnh vực giao thông với tổng giá trị hợp đồng gần 24 ngàn tỉ đồng. Không rõ rồi đây, sau dự án đội vốn kỷ lục của đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh sẽ là dự án nào nữa? Nghĩ mà thấy kinh!

Thực tế cho thấy, hầu hết các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đều bị chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư, sử dụng nhiều lao động phổ thông quá mức thoả thuận ban đầu với Trung Quốc, máy móc thiết bị của họ lại lạc hậu hơn nhiều và không tương thích với thiết bị của các nước công nghiệp phát triển, nay bị hỏng hóc nên buộc phải đặt mua của Trung Quốc với giá không rẻ.

Với các dự án đã đi vào hoạt động, khi Trung Quốc hạn chế hoặc ngừng cung cấp phụ tùng thay thế, hoặc sử dụng các bí quyết công nghệ nhằm tạo ra sự cố thì khi đó chúng ta cũng phải lường trước để tính toán.

Tất cả những vấn đề nêu trên đang đặt ra trước mắt chúng ta, nó cần có những đáp án cụ thể để không bị động nếu gặp khó khăn sau này. Trong "cái khó", nhiều khi lại "ló cái khôn"; "trong hoạ có phúc”. Cổ nhân đã chiêm nghiệm những điều như thế. Chúng ta nên có niềm tin để có thể vượt qua muôn vàn khó khăn ở phía trước.

 Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống và làm việc tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.