Vốn ngoại ồ ạt vào chứng khoán

09/01/2014 09:00 GMT+7

Nhiều chuyên gia cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán sẽ tạo cú hích cho thị trường này phát triển trong năm nay.

Vốn ngoại ồ ạt vào chứng khoán

Số lượng NĐTNN mở tài khoản giao dịch đang tăng - Ảnh: D.Đ.M

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cả năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6.829 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK) VN, tương đương 325 triệu USD, tăng hơn 55% so với hồi năm 2012. Chỉ tính riêng từ 31.12.2013 - 3.1.2014, khối ngoại đã mua ròng hầu hết ở các phiên, tổng cộng đạt  256,3 tỉ đồng. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã góp phần không nhỏ vào việc giúp chỉ số VN-Index không bị giảm sâu, khi các nhà đầu tư (NĐT) trong nước đang có xu hướng bán ra để chốt lời. Chính dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường trong năm qua đã góp phần giúp chỉ số VN-Index tăng hơn 22% trong cả năm.

 

Đẩy mạnh giải pháp thúc đẩy thị trường

Theo UBCKNN, tính đến hết năm 2013 TTCK VN đạt giá trị vốn hóa 964.000 tỉ đồng, tương đương 31% GDP, tăng 199.000 tỉ đồng so với cuối năm 2012. Trong năm 2014, một loạt những giải pháp thúc đẩy thị trường tiếp tục được đưa ra như điều hành đẩy mạnh triển khai các sản phẩm mới; xây dựng hệ thống đối tác thanh toán trung tâm, hệ thống vay và cho vay chứng khoán  để chuẩn bị cho triển khai TTCK phái sinh và các sản phẩm mới…

Ngoài 2 quỹ đầu tư Market Vector Vietnam ETF và FTSE Vietnam UCITS ETF liên tục huy động được luồng vốn mới từ các NĐT quốc tế, TTCK bắt đầu có sự xuất hiện của những gương mặt mới. Chẳng hạn, đầu tháng 12.2013, Công ty quản lý quỹ Asia Frontier Capital (chuyên đầu tư vào các thị trường sơ khai tại châu Á) công bố mở một quỹ mới mang tên AFC Vietnam Fund cho thị trường VN với mục tiêu vốn là 50 triệu USD. Sự xuất hiện của Asia Frontier Capital cho thấy các triển vọng lạc quan trong trung và dài hạn, dù nền kinh tế VN hiện tại còn nhiều khó khăn.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) lớn cho biết số lượng NĐTNN đến tìm hiểu và mở tài khoản giao dịch cũng tăng. Theo công bố của Trung tâm lưu ký chứng khoán VN, trong năm 2013 đã có thêm 728 NĐTNN mở tài khoản giao dịch mới, trong đó có 291 NĐT là tổ chức. Đặc biệt từ đầu quý 4/2013 đến nay, thông tin về dự thảo nâng tỷ lệ sở hữu (room) của NĐTNN từ 49% hiện nay lên 60% ở một số công ty niêm yết đã được trình Chính phủ càng thu hút sự chú ý của NĐTNN.

Cần chiến lược dài hơi

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP.HCM, nhận định nếu việc mở room cho khối ngoại được thông qua sẽ thu hút đáng kể dòng vốn của NĐTNN vào thị trường. “Loại trừ một số CP lớn trên sàn như VNM, MSN, VIC, VCB... thì P/E (giá/thu nhập của CP) của TTCK VN tương đối thấp so với những nước trong khu vực. Lợi nhuận của 100 doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường vẫn khả quan. Đó là những yếu tố hấp dẫn các NĐTNN. Nhiều NĐTNN đã mở tài khoản giao dịch. Dù tiền giải ngân thật sự chưa nhiều nhưng điều đó cũng chứng tỏ sự quan tâm của các NĐTNN tới TTCK VN. Trong năm 2014, những yếu tố nói trên sẽ khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp vào TTCK tăng”, ông Giang nhận định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp nâng room cho khối ngoại ở một số công ty niêm yết cũng chỉ có tác dụng ngắn hạn và cũng không đủ mạnh để tạo ra cú hích về dòng vốn ĐTNN gián tiếp vào VN. Vì vậy, TTCK cần thêm nhiều giải pháp khác. Ông Louis Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), cho rằng dòng vốn của khối ngoại trong năm 2014 sẽ tăng nhưng chưa mạnh do kinh tế VN vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn. Đó là câu chuyện nợ xấu, sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng vẫn chưa được giải quyết triệt để hoặc những chính sách ban hành cho TTCK còn quá chậm. “Chính phủ cần có quyết sách mạnh hơn và thực hiện nhanh hơn để giải quyết những vấn đề này”, ông Lữ kiến nghị.

Theo ông Trịnh Hoài Giang, các NĐTNN mong muốn trước tiên là thông tin về doanh nghiệp phải rõ ràng, minh bạch và theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, họ quan tâm đến mức độ đủ lớn của TTCK và của riêng từng CP. Ví dụ, theo kinh nghiệm, qua khảo sát của cơ quan quản lý TTCK Thái Lan, những công ty nào có giá trị vốn hóa thị trường từ 200 triệu USD trở lên (tương đương 4.200 tỉ đồng) và có giao dịch bình quân/ngày từ 10 triệu USD (từ 210 tỉ đồng) trở lên sẽ dễ lọt vào “tầm ngắm” của nhiều NĐTNN nhất. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch và thanh toán phải được cải thiện hơn nữa cũng như xây dựng nhanh TTCK phái sinh.

Giám đốc đầu tư một quỹ đầu tư của Nhật cho biết bản thân quỹ đầu tư này đã gặp rất nhiều khó khăn trong kế hoạch cơ cấu danh mục đầu tư khi thanh khoản của nhiều CP ở mức quá thấp. Đây cũng là e ngại của nhiều NĐTNN muốn tham gia TTCK VN. “Giá trị vốn hóa của TTCK VN dù tăng trong thời gian qua nhưng vẫn còn khá nhỏ so với những nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Vì vậy, Chính phủ phải có chiến lược thúc đẩy thị trường phát triển mạnh hơn như đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và niêm yết các DN nhà nước có quy mô lớn, mở rộng các công cụ khác như thị trường phái sinh, chứng chỉ lưu ký... để có thể thu hút các NĐT trong và ngoài nước tham gia nhiều hơn”, nhà đầu tư Nhật nói.

Mai Phương

>> 10 công ty chứng khoán hàng đầu tại HOSE
>> Triển khai Bộ chỉ số chứng khoán mới
>> Cơ hội từ chứng khoán cuối năm
>> Cơ hội cho sinh viên thích chứng khoán
>> Vi phạm trong chứng khoán bị phạt đến 2 tỉ đồng
>> Ủy ban chứng khoán sẽ được quyền khởi tố ?
>> Hợp tác để phát triển thị trường chứng khoán
>> Nhiều doanh nghiệp báo lãi, chứng khoán tăng vù vù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.